Dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được phê duyệt từ tháng 12/2017 và dự kiến hoàn thành năm 2020. Đoạn đường được kỳ vọng sẽ kết nối đồng bộ với toàn tuyến Vành đai một và góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trên các tuyến đường La Thành, Đê La Thành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông ở khu vực thuộc vùng lõi của Thủ Đô.
Theo quyết định phê duyệt dự án, đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục dài hơn 2,2km, mặt cắt ngang 50m (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng vành đai 1 tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh). Điểm đầu giao với đường Cát Linh – La Thành – Yên Lãng tại Hoàng Cầu; điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục. Nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng có xấp xỉ 2.000 hộ dân, trong đó quận Ba Đình có 1.389 hộ và quận Đống Đa khoảng 600 hộ.
Phối cảnh cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh- Đê La Thành trên đường Vành đai 1 Hoàng Cầu- Voi Phục
Theo UBND quận Ba Đình, trong số 1.389 hộ dân thuộc diện GPMB để triển khai dự án Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục có nhiều loại đất như đất thổ cư, đất nông nghiệp và đất hành lang đê.
Dự kiến tuyến đường sẽ hình thành 2 cầu vượt trực thông theo hướng Vành đai một tại nút giao Đê La Thành - Nguyễn Chí Thanh và nút Giảng Võ - Láng Hạ. Hiện 2 cầu vượt này vẫn chưa được thi công.
Đây là đoạn tuyến cuối để khép kín tuyến Vành đai Một của TP. Hà Nội. Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, riêng phần giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư gần 6.000 tỷ đồng. Dự kiến, mỗi m đường ở đây tiêu tốn hơn 3 tỷ đồng.
Với chi phí này, đoạn đường Hoàng Cầu - Voi Phục đã phá kỷ lục về tổng kinh phí đầu tư trên mỗi km đường của các dự án trước đó trên địa bàn Thủ đô và được mệnh danh là “đường đắt nhất hành tinh”.
Được biết, vào chiều ngày 1/12/2023 gói thầu số 18A thuộc Dự án Xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, TP. Hà Nội (giai đoạn 1) vừa được công bố mời thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu Gói thầu là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng TP. Hà Nội.
Hiện các địa phương đang tích cực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và lên phương án đền bù. Cuối tháng 11 Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư phê duyệt và thông qua toàn bộ phương án, đảm bảo tiến độ GPMB vào cuối năm nay.
Hiện quỹ nhà tái định cư phục vụ dự án được bố trí tại tòa 30T1, 30T2 Khu đô thị Nam Trung Yên và CT3 Nghĩa Đô đã cơ bản hoàn thành. Để phù hợp với việc hỗ trợ, đền bù GPMB khu vực Đầm Bầu, Đầm Tròn, quận Ba Đình đã tiến hành thống kê phân loại quỹ nhà tái định cư trên.
Theo chỉ đạo mới nhất từ Thành ủy, UBND TP Hà Nội, cuối năm nay, hai quận Đống Đa và Ba Đình phải hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp triển khai thực hiện dự án, hoàn thành trong năm 2024, theo báo An ninh Thủ đô.
Hiện vào giờ cao điểm, khu vực này vẫn thường xảy ra tắc nghẽn khiến người dân rất vất vả khi di chuyển.
Bảo An (T/h)