Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hiến ghép mô tạng - câu chuyện của hôm nay và ngày mai

(DS&PL) -

Báo Đời sống và Pháp luật phối hợp với trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề Hiến ghép mô tạng - câu chuyện của hôm nay và ngày mai

Báo Đời sống và Pháp luật phối hợp với trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề Hiến ghép mô tạng - câu chuyện của hôm nay và ngày mai.

Thuận lợi, khó khăn trong việc hiến ghép mô tạng

Hiến ghép mô tạng đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nhiều tấm gương hiến tặng mô/tạng như bé Hải An, bé Vân Nhi, Thiếu tá Lê Hải Ninh… hay gần nhất là trường hợp của kỹ sư Nguyễn Xuân Hải đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho xã hội. Nhiều bệnh nhân đang cận kề cái chết đã được cứu sống nhờ ghép mô/tạng… Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện hiến ghép mô tạng cũng còn rất nhiều điều đáng bàn.

Ngày 12/9, tại Hà Nội, báo Đời sống và Pháp luật phối hợp với trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề Hiến ghép mô tạng - câu chuyện của hôm nay và ngày mai.

Lãnh đạo báo Đời sống và Pháp luật tặng hoa cho các khách mời tham gia tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có: GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; nhà báo Lan Anh - báo Tuổi Trẻ…

Tại buổi tọa đàm, chia sẻ về những điều kiện thuận lợi của chính sách pháp luật hiện hành trong việc ghép mô tạng, ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia  cho biết: “Nói đến ghép tạng ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam, muốn phát triển được phải có quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, pháp luật về hệ thống hiến ghép mô tạng ra đời năm 2006, năm 2007 chính thức có hiệu lực. Từ đó đến nay, ghép tạng cũng đã phát triển, tại Việt Nam có 18 trung tâm có thể ghép được. Đó là nhờ hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự phát triển của thời đại có những điều cần thay đổi trong luật thì ngành ghép tạng sẽ phát triển hơn nữa. Ví dụ như hiện đã có hơn 40 bệnh nhân chết não, pháp luật đã quy định về trường hợp chết não. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chết não lại cần hội đồng (gồm nhiều bộ phận như: Bác sĩ thần kinh, bác sĩ pháp y...) để tuyên bố chết não, như vậy mất rất nhiều thời gian, nhất là với các địa phương ở xa”.

Giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia Trịnh Hồng Sơn (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về thuận lợi, khó khăn trong việc hiến tặng mô tạng.

Phó giám đốc trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ông Nguyễn Hoàng Phúc bày tỏ thêm: “Hơn 10 năm qua, luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đã tạo một hành lang pháp lý hết sức quan trọng, giúp cho hệ thống y tế có những phương pháp, cách thức cứu sống tận cùng cho những bệnh nhân suy mô tạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số tồn tại nhất định, ảnh hưởng không ít đến câu chuyện hiến tặng mô tạng hiện nay.

Ví dụ, câu chuyện của cô bé Hải An (7 tuổi) có mong muốn hiến toàn bộ nội tạng. Mặc dù người mẹ trẻ của bé đã sẵn sàng hiến tạng của con, nhưng tại thời điểm cháu bé chuẩn bị ra đi thì nhận được tin của người mẹ rằng bé không phải rơi vào tình trạng chết nã. Cho dù bé có rơi vào trường hợp chết não thì luật quy định rõ người từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự và chết não mới có thể tiếp nhận tạng, nên trường hợp bé Hải An không thể lấy tạng được.

Tuy nhiên, luật cũng không nghiêm cấm bất kỳ người nào, nếu như đã qua đời có thể hiến mô tạng. Vấn đề là có thể lấy được mô tạng đó hay không? Như vậy, trường hợp của bé Hải An chúng tôi chỉ lấy được giác mạc, phần mô và được tiếp nhận sau khi bé qua đời.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (ngoài cùng bên trái) cũng chia sẻ về công tác hiến tặng mô tạng.

Từ câu chuyện đó đặt ra một câu hỏi, nếu tất cả trường hợp người dưới 18 tuổi chẩn đoán chết não mà không được tiếp nhận tạng thì có phải chúng ta đang để lãng phí rất lớn nguồn tạng hay không?

Trong khi đó, tâm nguyện của gia đình rất muốn một phần cơ thể của con mình vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời. Muốn nghe nhịp đập của trái tim.

Tôi nghĩ rằng, có lẽ cũng đến lúc chúng ta cần đánh giá việc triển khai thi hành luật trong thực tiễn, từ đó bổ sung thêm những điều luật chưa thật sự phù hợp.

Ngoài ra, về việc đăng ký hiến tặng mô tạng tôi cho rằng có thể mở rộng đăng ký hiến mô tạng như người thi bằng lái xe máy, ô tô đến nộp hồ sơ thì có thêm một lá đơn tình nguyện đăng ký hiến mô tạng (vì ai từ 18 tuổi trở lên đều thi bằng lái xe, lượng người đông). Khi cấp bằng lái xe trên tấm bằng đó có ghi “Đã hiến tạng”, tôi nghĩ rằng hình ảnh đó đẹp và tuyệt vời làm sao”.

Mong nhiều người hiến tặng mô tạng

Là người theo dõi công tác tuyên truyền hiến mô tạng lâu năm, nhà báo Lan Anh (báo Tuổi Trẻ) bày tỏ: “Điều tôi thấy đáng nhớ nhất là việc vận động để sự sống được tiếp nối. Cứ một người không may qua đời mà hiến tặng mô tạng có thể cứu được 6 người. Có nhiều người chờ được ghép mô tạng. Tuy nhiên, trong quan niệm của người Việt Nam từ trước đến nay họ vẫn nghĩ “chết phải toàn thây”, nên việc hiến tạng còn nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia ra đời có những hoạt động tích cực, nên việc người dân hiến ghép mô tạng tăng. Số lượng người hiến đã tăng lên một cách đột biến, mỗi một câu chuyện của người hiến tặng mô tạng đã tạo nên hiệu ứng, lan tỏa thông điệp ý nghĩa của sự sống. Tôi mong mỏi sẽ có nhiều người hiến tặng mô tạng hơn nữa”.

Ông Trần Quốc Hùng cho rằng công tác tuyên truyền về hiến tặng mô tạng cần được triển khai sâu rộng hơn.

Cũng tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng cho biết: “Công tác tuyên truyền hiến tặng mô tạng ở Việt Nam chưa thật sự phổ biến. Tôi nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta cần có nhiều cách tiếp cận cộng đồng, cần tuyên truyền nhiều hơn thì chắc chắn, công tác hiến tặng mô tạng sẽ phát triển hơn, mang ý nghĩa nhân văn hơn”.

Thanh Lam/ Nguoiduatin

Tin nổi bật