Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hi hữu em bé sinh ra từ ca hiếm muộn cực kỳ đặc biệt trong y học

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tiếng khóc chào đời của đứa bé trong ca hiếm muộn này, không chỉ là niềm hạnh phúc vô hạn của gia đình mà còn mở ra nhiều hy vọng mới cho ngành y học trong nước.

(ĐSPL) - Tiếng khóc chào đời của đứa bé trong ca hiếm muộn này, không chỉ là niềm hạnh phúc vô hạn của gia đình mà còn mở ra nhiều hy vọng mới cho ngành y học trong nước.

Hơn một năm trước, tại TP.HCM, một bé trai cất tiếng khóc chào đời trong trường hợp hiếm muộn rất đặc biệt. Cũng vì đặc biệt nên đến thời điểm này, sự việc trên mới được công bố rộng rãi. Ngay lập tức, câu chuyện trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là những cặp vợ chồng gặp sự cố trong quá trình sinh con.

Và với kết quả đáng mừng này, các chuyên gia y tế cho rằng, đây là cơ hội tạo ra nhiều hy vọng cho y học trong nước để từ đó, những bệnh nhân mắc bệnh không còn phải lận đận trong cuộc hành trình "tìm" con.

Sự oái oăm của số phận và kỳ tích có thật

Khi thông tin về vợ chồng anh Nguyễn Duy K. và chị Nguyễn Thị H. (SN 1977, quê tỉnh Bắc Ninh) sinh được bé trai sau những tháng ngày kiên trì chữa chạy bệnh hiếm muộn khá hi hữu tại bệnh viện An Sinh (TP.HCM), không ít người dân tò mò về việc lần đầu tiên, một đứa trẻ được chào đời từ tinh trùng đầu tròn.

Tiếng khóc chào đời của đứa bé trong ca hiếm muộn này, không chỉ là niềm hạnh phúc vô hạn của gia đình mà còn mở ra nhiều hy vọng mới cho ngành y học trong nước. Để hiểu rõ hơn về quá trình chào đời của ca sinh hi hữu này, sáng 16/9, PV đã có cuộc trao đổi trực tiếp với đại diện bệnh viện An Sinh.

Trao đổi với PV, thạc sỹ, bác sỹ Vương Đình Hoàng Dũng, bệnh viện An Sinh cho biết: "Em bé lần đầu tiên được sinh ra từ tinh trùng đầu tròn nói trên là cháu Nguyễn Duy Thành C.. Cháu C. là con trai của anh Nguyễn Duy K. (SN 1973) và chị Nguyễn Thị H. (SN 1977, quê tỉnh Bắc Ninh). Cháu C. chào đời với trọng lượng 2,5kg, là kết quả của một chặng đường gian nan mà bố mẹ cháu không ngừng cố gắng, nỗ lực và kiên trì chờ đợi. Đồng thời, đó cũng là niềm vui và hạnh phúc của các y bác sỹ tại bệnh viện An Sinh".

Cháu C. chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sỹ.

Kể lại cuộc hành trình gian nan của bố mẹ cháu C., bác sỹ Dũng cho hay: "Được biết, vợ chồng anh K. và chị H. lấy nhau từ năm 1996, nhưng mãi vẫn không sinh được mụn con nào. Mặc dù sống khá vất vả với nghề nông nhưng vợ chồng anh K. không ngừng cố gắng chữa trị khắp nơi để sinh con. Cho đến năm 2012, qua giới thiệu của người quen, vợ chồng anh K. đã lặn lội từ Bắc Ninh vào bệnh viện An Sinh để được điều trị và tìm ra nguyên nhân của việc không thể mang thai. Tại đây, các bác sỹ đã tiến hành kiểm tra, thăm khám cho cả hai vợ chồng. Kết quả khám phụ khoa của chị H. rất tốt. Thế nhưng, kiểm tra tinh trùng của anh K. thì thấy tinh trùng có hình dạng bất thường, với 99\% là tinh trùng đầu tròn".

Từ những kết quả trên, các bác sỹ tại bệnh viện An Sinh đã nhanh chóng xác định được nguyên nhân khiến vợ anh K. không thể có thai là do tinh trùng của người chồng có cấu trúc bất thường. Đây là một kiểu hiếm muộn vô cùng hiếm gặp, 1.000 trường hợp nam giới bị hiếm muộn mới có một người gặp sự cố như vậy. Bác sỹ Dũng lý giải: "Thông thường, tinh trùng dị dạng chỉ bất thường ở vùng đầu, ít acrosome (chất men quan trọng giúp quá trình thụ tinh thành công). Thế nhưng, tinh trùng của anh K. lại hoàn toàn không có acrosome. Vì thế, thay vì có hình oval thì tinh trùng của anh K. lại có hình tròn (còn gọi là tinh trùng đầu tròn)".

Chính vì vậy, các bác sỹ tại bệnh viện An Sinh đã nhanh chóng tư vấn cho vợ chồng anh K. tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 36 giờ thực hiện các thủ thuật, các bác sỹ lấy ra 15 trứng trưởng thành của chị H. để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Thế nhưng, chỉ có 7 trứng trong số 15 trứng thụ tinh. Một thời gian ngắn sau đó, chị H. có bầu nhưng thai bị chết lưu khi bước sang tuần thứ 7. Không nản lòng trước kết quả thụ tinh lần đầu tiên trong ống nghiệm, ê kíp bác sỹ và vợ chồng anh K. vẫn tiếp tục quyết tâm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ hai vào tháng 4/2012.

Mở cánh cửa hy vọng cho "trường hợp đặc biệt"

Trao đổi với PV về kết quả của lần thụ tinh thứ hai, bác sỹ Dũng cho hay: "Trong lần thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ hai, các bác sỹ đã lấy 16 trứng trưởng thành của chị H., đồng thời, các bác sỹ đã sử dụng thêm kỹ thuật hoạt hóa trứng (cho vào tinh trùng nuôi cấy để hỗ trợ tinh trùng phần men còn thiếu). Kết quả là có 12 trứng thụ tinh tạo ra 11 phôi. Sau đó, các bác sỹ đã lấy bốn phôi đưa vào tử cung của chị H., ba phôi giữ lại dự phòng, còn bốn phôi đem hủy. Kết quả bất ngờ, chị H. mang thai và sinh ra một bé trai hoàn toàn khỏe mạnh vào ngày 6/6/2013. Với ba phôi dự phòng, chị H. vẫn có thể quay lại làm thụ tinh ống nghiệm thêm lần nữa, nếu muốn sinh con. Bởi phôi dự trữ sẽ được bệnh viện bảo quản trong hai năm".

Chia sẻ với PV về những khó khăn trong trường hợp hiếm muộn nói trên, bác sỹ Dũng cho rằng: "Điều khó khăn nhất là cho đến thời điểm hiện tại y học vẫn chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến dị dạng tinh trùng đầu tròn. Chính vì vậy, cơ quan y học không thể tiên lượng được khả năng thành công đối với những ca như vậy. Do đó, bệnh nhân có thể phải điều trị nhiều lần cho đến khi đạt kết quả". Trao đổi về tổng chi phí cho đến lúc cháu C. chào đời, bác sỹ Dũng cho biết, vợ chồng anh K. đã chi khoảng 50-60 triệu đồng phục vụ cho quá trình điều trị.

Bác sỹ Dũng chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân có tinh trùng đầu tròn.

Theo bác sỹ Dũng, tinh trùng đầu tròn được thế giới ghi nhận từ năm 1965. Cho đến năm 1995, tại Việt Nam, nam giới gặp sự cố này, muốn có con phải xin tinh trùng từ người khác. Khi phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ra đời vào năm 1995, với việc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng để tạo phôi đã tạo ra cơ hội cho những bệnh nhân dị dạng tinh trùng, trong đó có tinh trùng đầu tròn.

Đặc biệt, việc phát hiện phụ thuộc rất lớn vào sự cẩn trọng của bác sỹ nam khoa trong chẩn đoán. Tránh bỏ sót, đưa đến những chỉ định điều trị không hợp lý, tốn thời gian và tiền bạc cho người bệnh. Những trường hợp tinh trùng có hình dạng bất thường sẽ khó thụ thai, kể cả khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chính vì vậy, ca sinh con đầu tiên từ hiện tượng này không chỉ là niềm hạnh phúc của vợ chồng anh K. mà còn mở ra nhiều hy vọng mới cho nam giới mắc bệnh.

Kết thúc cuộc trò chuyện với PV, bác sỹ Dũng cho hay: "Vào ngày 1/8, tôi có gọi điện hỏi thăm vợ chồng anh K., thì được biết cháu C. hiện rất khỏe mạnh, không có dấu hiệu gì bất thường so với những đứa trẻ khác".

Cần đi khám tiền hôn nhân

Trước thực trạng rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn gian nan tìm mụn con như hiện nay, bác sỹ Dũng cho rằng: "Hiếm muộn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do nam hoặc nữ, hoặc do cả hai và thậm chí là không rõ nguyên nhân. Chính vì vậy, các cặp vợ chồng nên đi khám tiền hôn nhân và trước khi muốn có con để biết được vợ chồng có thể có con tự nhiên hay không. Nếu có những dấu hiệu bất thường thì cần có biện pháp chữa trị kịp thời".

Tin nổi bật