Bỗng dưng mắc nợ
6h sáng Chủ Nhật, chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng nhận được cú điện thoại từ số lạ. Qua trao đổi, người đầu dây tự xưng là nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính. Người này thông báo, chị hiện đang có khoản vay 6 triệu đồng tại tổ chức này, hiện đã quá hạn và yêu cầu chị thanh toán ngay lập tức.
Dữ liệu thông tin của người dân là kho tàng "béo bở" cho hàng loạt các loại tội phạm.
Choáng váng trước thông tin trên, chị Nga phân trần mình không hề vay mượn ở đâu thì lập tức, đầu dây bên kia trở giọng chửi bới, đe dọa. Chị Nga cắt máy, tưởng chỉ là sự nhầm lẫn nhưng không, chuỗi ngày “địa ngục” của chị và gia đình bắt đầu từ đây.
Những ngày sau đó, các thành viên trong gia đình chị Nga liên tục nhận được các cuộc điện thoại lạ với lời lẽ đe dọa, chửi bới. Họ gọi vào bất kỳ khung giờ nào, từ sáng sớm đến giữa đêm.
Cháu Hồng (con gái chị Nga), hiện đang là nữ sinh lớp 12, rơi vào trạng thái hoảng loạn, bởi những lời đe doạ “cắt tóc, xé quần áo...”. Cực chẳng đã, chị Nga đành tìm đến trụ sở của tổ chức kia để dò hỏi mới tá hỏa khi nhân viên tại đây chìa ra tờ Hợp đồng vay mua trả góp điện thoại mang tên chị với đầy đủ thông tin như: Số chứng minh nhân dân, địa chỉ nhà, số điện thoại... Vụ việc cho đến nay vẫn chưa có kết quả và nạn nhân vẫn có tên trong “danh sách đen” của hệ thống tài chính.
Không chỉ riêng chị Nga mà nhiều trường hợp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Quang (Vĩnh Phúc) bỗng dưng biết mình là “con nợ” trong một lần ra mở thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nhân viên thông báo, theo kết quả tra cứu CIC (Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia), anh hiện đang có một khoản vay gần 35 triệu đồng tại một công ty tài chính có trụ sở tại Tp.HCM, hiện khoản vay trên đã thuộc nợ xấu nhóm 4 do chậm trả gần 9 tháng.
Liên hệ lại với công ty tài chính kia, anh Quang mới biết, Chứng minh nhân dân (CMND) là của anh nhưng chữ ký lại của người khác. Trao đổi với đại diện tổ chức tín dụng trên, anh Quang khẳng định, mình không cho bất kỳ ai mượn CMND cũng như không vay vốn tại đó. Anh đã làm đơn khiếu nại gửi đến công ty tài chính trên nhưng đến nay, đã gần 3 tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa có hồi kết còn tên anh vẫn chình ình trên hệ thống nợ xấu.
Tội phạm bắt nguồn từ thông tin cá nhân
Nhằm mở rộng thị phần, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính, nhiều ngân hàng hiện nay đã đơn giản hóa các thủ tục như mở tài khoản thanh toán, mở thẻ tín dụng... Các công ty tài chính thì chỉ cần một số điện thoại, vài tấm ảnh chụp hồ sơ cá nhân là đã có thể duyệt cho vay số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.
Nhưng rất nhiều đối tượng đã lợi dụng những chính sách thông thoáng trên để thực hiện hành vi phạm tội của mình.
Chỉ cần cầm trên tay một CMND/CCCD hoặc chỉ cần vài tấm ảnh chụp những giấy tờ trên, chúng có thể dễ dàng làm giả để qua mắt nhân viên ngân hàng, các tổ chức tín dụng...
Trao đổi với ĐS&PL, Thượng tá Nguyễn Minh Chiêu (Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an) cho biết, loại tội phạm này thường sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi phạm pháp sau:
Sử dụng giấy tờ tùy thân kết hợp với số điện thoại đăng ký từ chính giấy tờ tùy thân đó để lập tài khoản thanh toán, mở thẻ tín dụng của các ngân hàng, làm giả hồ sơ vay tiền công ty tài chính, các app cho vay nhanh để chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức như mua sắm, quẹt thẻ thanh toán...
Thành lập công ty với Giám đốc là người có tên trên CMND rồi mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt những số tiền lớn của ngân sách Nhà nước thông qua hình thức hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu... hợp thức hành vi trốn thuế của các tổ chức khác.
Hậu quả xảy ra là người bị đánh cắp thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước...
Với những tài khoản ngân hàng được lập bằng thông tin đã đánh cắp được, chúng dễ dàng thực hiện các hành vi lừa đảo để nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản đó rồi rút ra. Những vụ việc như vậy thường gây khó khăn rất lớn cho công tác điều tra của lực lượng chức năng, bởi khi truy vết theo thông tin chủ tài khoản thì phát hiện, CMND của khổ chủ đã bị mất hoặc đánh cắp trước đó từ rất lâu.
Đăng ký số điện thoại rồi dùng chính số điện thoại đó cho các dịch vụ như gửi tin nhắn rác, quảng cáo; mua hàng qua các kênh thương mại điện tử... Thậm chí, mạo danh cơ quan chức năng để gọi điện uy hiếp nhằm bắt nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản chỉ định.
Những chiếc xe ăn cắp, nhập lậu cũng có thể được chúng hợp thức hóa hành vi tiêu thụ thông qua những giấy tờ mua bán trao tay với thông tin người bán sử dụng từ chính những CMND giả mạo.
Cần làm gì khi bị mất, bị lộ thông tin giấy tờ tùy thân
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối trao đổi với ĐS&PL, trong cuộc sống hàng ngày có quá nhiều công việc liên quan đến giấy tờ tùy thân, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị lộ thông tin là rất cao.
Đa số các ngành nghề kinh doanh đều tìm mọi cách để có được thông tin của khách hàng thông qua các hình thức như: Danh sách khách hàng VIP, khách hàng thân thiết, các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng... và tận dụng tối đa thông tin có được để triển khai các hình thức quảng cáo, mời chào. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, không trả lại hồ sơ cho người ứng tuyển, hệ thống nhà hàng, khách sạn lưu trú đều yêu cầu khách phải để lại giấy tờ tùy thân.
Điều này đã gây nên sự phiền hà cho một bộ phận không nhỏ người dân, kèm theo đó là những nguy hại khó lường khi thông tin của họ lọt vào tay kể xấu. Chính vì vậy, người dân cần phải cân nhắc trước khi cung cấp thông tin giấy tờ cho bất kỳ ai.
“Trong quá trình xin việc, nếu hồ sơ bị từ chối cần đề nghị bên tuyển dụng trả lại, bởi bạn sẽ không biết những thông tin của mình sau đó sẽ đi về đâu. Tuyệt đối hạn chế việc gửi ảnh chụp giấy tờ qua các công cụ điện tử, mạng xã hội... tội phạm công nghệ cao có thể dễ dàng đánh cắp bất cứ lúc nào”, Luật sư chia sẻ.
Đối với trường hợp bị mất, thất lạc giấy tờ tùy thân cần thông báo ngay với cơ quan công an nơi xác định bị rơi, mất, đồng thời tiến hành làm lại các giấy tờ liên quan như: CMND/CCCD; đăng ký xe; giấy phép lái xe...
Việc kịp thời trình báo sẽ là cơ sở để làm lại số giấy tờ thất lạc và phòng ngừa trường hợp khi số CMND/CCCD bị lợi dụng thực hiện các giao dịch trái pháp luật thì có căn cứ để chứng minh bản thân không có liên quan đến các giao dịch dân sự đó.
Kiểm soát viên Phạm Thúy Nga, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) đưa ra lời khuyên, những khách hàng bị mất giấy tờ tùy thân kèm theo đó là thẻ tín dụng, thẻ ATM, sổ tiết kiệm... cần liên hệ ngay với chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng nơi gần nhất hoặc liên hệ lên tổng đài để thông báo sự việc, yêu cầu đóng giao dịch với số CMND trên.
Các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, thẻ tín dụng có một dãy số đằng sau thẻ được gọi là số CVV/CVC. Đây chính là lớp bảo mật cuối cùng, được sử dụng khi thanh toán online. Người dùng nên ghi nhớ rồi cạo bỏ dãy số này. Như vậy, nếu chẳng may rơi vào tay người khác cũng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị rút tiền trong thẻ.
Ngoài ra, cứ một thời gian nhất định nên kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân thông qua trung tâm Thông tin tín dụng CIC (https://cic.gov.vn) để biết mình có bị giả thông tin vay nợ hay không.
Trung tâm Thông tin Tín dụng CIC là tổ chức có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng của cá nhân, tổ chức nhằm phục vụ cho hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đây là tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên hoàn toàn có thể yên tâm khi cung cấp thông tin để tra cứu.
Ông Hoàng Ngọc Quảng, cán bộ Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết thêm, hiện nay, nhiều công ty thường ra thông báo tuyển dụng nhân sự để thu hút người lao động nộp hồ sơ xin việc, sau đó lấy số CMND/CCCD của họ đăng ký mã số thuế ảo để khai khống chi phí lương, giảm lợi nhuận, từ đó giảm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Trường hợp người dân nghi ngờ số CNMD/CCCD bị lợi dụng để đăng ký mã số thuế ảo, có thể truy cập vào địa chỉ https://canhan.gdt.gov.vn/, sau đó nhập thông tin để kiểm tra.
Đặc trưng của nền kinh tế số là sự truyền tải thông tin, giao dịch xuyên biên giới. Thông tin cá nhân là dữ liệu đặc biệt quan trọng với nền kinh tế này. Thông qua đó, Nhà nước có thể dễ dàng đưa ra các chiến lược phát triển, các hoạch định vĩ mô để điều hành, quy hoạch và định hướng phát triển. Các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn cũng sẽ căn cứ vào đó để đưa ra văn hóa kinh doanh cụ thể, lên kế hoạch cho những chiến dịch marketing...
Nhưng ở chiều ngược lại, dữ liệu thông tin cá nhân cũng là kho tàng “béo bở” đối với những tổ chức tội phạm xuyên biên giới, những đối tượng lừa đảo hay tội phạm công nghệ cao. Khi đó sẽ phát sinh một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, an ninh thông tin.
Để đề phòng bản thân rơi vào những tình huống không mong muốn, những rắc rối đến mức vô lý, mỗi người cần phải có ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn thông tin cá nhân, hết sức thận trọng khi quyết định cung cấp cho bên khác.
Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần khẩn trương xây dựng chế tài cụ thể để nghiêm cấm hoặc hạn chế việc thu thập thông tin cá nhân của các tổ chức kinh doanh, tín dụng...
Cần bảo mật chặt chẽ thông tin cá nhân như số CMND, CCCD...
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 100 tỷ đồng. Thủ đoạn của những đối tượng này là dùng CMND đánh cắp hoặc làm giả của nhiều người để thành lập công ty rồi tiến hành mua bán hóa đơn trái phép. Nhiều nạn nhân hốt hoảng khi bị cơ quan điều tra triệu tập để xác minh chỉ vì có tên trong danh sách thành lập của các công ty này. Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều vụ việc “dở khóc dở cười” mà nạn nhân chỉ biết kêu trời khi thông tin cá nhân của mình bị đánh cắp.
Lê Tuấn
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí in Đời sống& Pháp luật số Thứ 4 (156)