Tình trạng tự tử bằng lá ngón đã trở thành chuyện quá quen thuộc tại vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đối với người muốn tìm cái chết, lá ngón chính là sự giải thoát nhanh nhất, nhưng đối với người ở lại, lá ngón trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi...
Theo huyện Nam Trà My, nóc Măng Lâng (hay còn gọi là Măng Lưng) thuộc thôn 3, xã Trà Cang là nơi xảy ra nhiều trường hợp tự tử vì lá ngón nhất. Người ta tìm đến cái chết với nhiều lý do, như vợ chồng cãi nhau, gia đình lục đục, nghèo khó túng quẫn... Thậm chí, chẳng cần lý do cụ thể nào cũng tìm đến cái chết. Bởi đối với họ, chết, chính là sự giải thoát.
Anh Hồ Văn Đép, cán bộ xã Trà Cang cho hay, toàn xã có 900 hộ, với hơn 4.800 nhân khẩu. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay đã có trên 10 người chết do lá ngón. Những cái chết vì lá ngón nhiều tới nỗi, khi nhắc đến loài cây này, người ta nhìn thấy cả nỗi đau âm ỉ trong mắt những người ở lại, họ không dám nhắc đến, càng không muốn nhớ tới. Bởi cho tới tận bây giờ, họ vẫn chưa cách nào thoát khỏi nỗi ám ảnh đau thương ấy.
Có lẽ, đối với hầu hết những người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cái chết của vợ chồng chị Hồ Thị Thiên và anh Hồ Văn Hai để lại cho họ nhiều dư âm đau buồn nhất. Họ buồn cho người đã chết một phần, thì càng xót xa cho người ở lại mười phần.
Một ngày đầu tháng 8/2018, chị Thiên tìm đến lá ngón để tự kết liễu đời mình, bỏ lại 3 đứa con thơ cho bà nội chăm sóc. Không ai biết lý do thực sự khiến Thiên tự tử, họ chỉ đoán rằng, chị quá túng quẫn khi một mình nuôi 3 đứa con nhỏ mà bồng bột tìm sự giải thoát cho cuộc đời mình. Chồng chị, anh Hồ Văn Hai cũng đã chọn cách treo cổ tự tử trước đó không lâu, khi gặp mâu thuẫn gia đình.
Ba đứa con nhỏ của vợ chồng chị Thiên chắc hẳn vẫn chưa thể nào tưởng tượng nổi, cha mẹ của chúng lại chọn cái chết đột ngột không báo trước như vậy. Một gia đình lẽ ra là hạnh phúc, bỗng dưng tan nát chỉ vì suy nghĩ dại dột của những người làm cha làm mẹ, và người gánh chịu hậu quả đau thương không ai khác chính là ba đứa con thơ dại.
Và rồi, bà Nê (bà nội của những đứa trẻ) lại gồng gánh cưu mang thêm 3 đứa cháu tội nghiệp. Tính ra, một mình bà Nê đang phải chăm sóc và nuôi nấng tận 7 đứa cháu mồ côi. Bởi vì trước đó 3 năm, hai vợ chồng con trai bà Nê là Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi cũng đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại cho bà 4 đứa cháu nhỏ.
Người đàn bà tuổi gần 60, gương mặt khắc khổ chằng chịt những vết chân chim rơm rớm nước mắt. “Chẳng hiểu vì điều gì mà chúng lại chọn cái chết, vì trước khi mất chúng chẳng có biểu hiện gì là không muốn sống cả. Nhiều người bảo là do túng quẫn, nghèo khó. Nhưng lâu nay vẫn thế, vẫn sống tốt mà...”, bà Nê sụt sùi. Nói rồi, bà Nê nhìn xa xăm về phía ngôi nhà gỗ trên triền đồi, ánh mắt gợn lên nỗi bi thương khó tả. Hóa ra, đó là ngôi nhà mà trước đây vợ chồng anh Hai và chị Thiên từng sống giờ lạnh lẽo, ảm đạm, chẳng còn ánh lửa bập bùng và tiếng cười đùa của bọn trẻ như lúc trước.
Không một ai dám đến gần căn nhà, vì họ quá ám ảnh và tin rằng đó là “cái chết xấu”. Trong căn nhà sàn dột nát, giờ đây chỉ còn 8 bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Bà Nê phải làm lụng vất vả từ sáng tới tối mịt để nuôi đàn cháu nhỏ đáng thương. May sao mấy đứa cháu lớn đã biết thương bà, thường tranh thủ sau giờ học để lên rẫy mót dưa, kiếm củi, đỡ đần cho bà bớt đi cực nhọc.
Trà Cang không phải là xã duy nhất tồn tại tình trạng tự tử bằng lá ngón. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 3 năm trở lại đây, toàn huyện Nam Trà My có trên 30 trường hợp ăn lá ngón tự tử. Dù đây mới chỉ là con số ước chừng, và rằng con số chính xác không biết lên tới bao nhiêu, nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm cho những ai nghe được cảm thấy giật mình.
Cách đây 3 năm, người dân ở nóc Măng Dí 4 (xã Trà Nam) cũng đã từng bị ám ảnh, hoang mang vì nạn tự tử tới mức cả làng hoảng loạn kéo nhau bỏ đi vì “cái chết xấu”, bất chấp mọi lời vận động, khuyên ngăn của chính quyền.
Họ sợ hãi tới mức chấp nhận từ bỏ hết cơ sở vật chất, hệ thống điện lưới, giao thông nông thôn vừa được đầu tư. Bởi lẽ, nỗi ám ảnh từ những cái chết liên tiếp trong họ quá lớn, khiến tất cả dân làng đều ngầm tin rằng, nếu còn ở lại làng, chắc chắn sẽ còn nhiều người phải chết. Vậy mới nói, ma lực của lá ngón thật sự quá khủng khiếp.
Ở vùng cao này, luôn luôn tồn tại một cuộc chiến không cân sức, giữa những người luôn xem nhẹ cái chết và những người đi tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tự tử bằng mọi hình thức. Thậm chí, ngay cả người nằm trong đội ngũ tuyên truyền, vận động người dân đừng dùng lá ngón để giải quyết vấn đề cuộc sống thì ngay sau đó, chính họ lại tìm đến lá ngón để tự vẫn, như trường hợp của anh Hồ Văn Noan (thôn 5, xã Trà Cang). Noan là cán bộ xã, sáng đi tuyên truyền về lá ngón xong thì chiều lại dùng lá ngón để tự tử.
Cái chết bất ngờ của Noan khiến tất thảy dân làng cũng như chính quyền cảm thấy bàng hoàng và sửng sốt. Bởi chẳng ai ngờ được, người vừa cố gắng kéo người khác ra khỏi vũng bùn, lại bất ngờ quay lại nhảy vào chính vũng bùn đó.
Ông Đinh Việt Trung, Trưởng công an huyện Nam Trà My bày tỏ e ngại, mặc dù trong những chương trình tuyên truyền, vận động chính sách, đều cố gắng giải thích cho bà con hiểu là đừng sử dụng lá ngón nhưng mọi việc lại đâu vào đấy. “Thậm chí, nhiều khi chúng tôi còn chẳng dám nhắc đến, vì sợ nhắc đến người ta lại nhớ...”, ông Trung nói.
Chuyện người dân tìm đến lá ngón để giải quyết vấn đề thường xuyên khiến chính quyền lúng túng, khi đã tìm đủ mọi cách, mọi phương pháp từ vận động, khuyên nhủ đến dọa nạt, nhưng vẫn không hiệu quả. Vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi xoay tròn không có hồi kết, chính quyền thì nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn, còn người dân, hễ buồn lại tìm đến lá ngón, như một sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất.
Người chết thì hết, còn người ở lại, có lẽ cả phần đời về sau vẫn sẽ mang theo những đau thương ấy, những đau thương dai dẳng mãi giằng xé tâm can. Bi kịch lá ngón liệu có thể kết thúc không? Không ai biết, bởi lẽ, ở cái vùng cao này, chẳng thể nào biết trước được điều gì...
Những cái chết không báo trước vốn dĩ đã đủ ám ảnh, nhưng có lẽ, chỉ đến khi tận mắt chứng kiến cái chết được báo trước nhưng không thể can ngăn, người ta mới biết thế nào là bất lực, là tận cùng của đau xót. Đó chính là câu chuyện về cái chết của chồng chị Hồ Thị Lý, anh Hồ Văn Noan. Noan vốn là một cán bộ thôn, cũng là lao động chính trong nhà. Một năm trước, Noan tìm đến cái chết bằng lá ngón trong khi chẳng hề có mâu thuẫn hay xung đột với bất kỳ ai. Chị Lý kể, buổi tối hôm chồng chị chết, trong lúc 4 mẹ con đang nằm ngủ thì Noan gọi dậy, nói rành mạch từng chữ: “Người ta gọi tôi rồi, phải đi thôi. Đừng cố gắng cấp cứu làm gì, tôi nấu nước để uống chứ không nhai. Mấy mẹ con ở lại, cố gắng sống”. Khoảnh khắc đó có lẽ cả đời chị Lý không bao giờ quên được. Cho tới bây giờ, chị vẫn luôn ôm một nỗi hoài nghi mãi không có lời đáp, về lý do vì sao chồng chị lại chọn cái chết, bỏ lại 4 mẹ con chị bơ vơ. |