Biết tin cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên khu đất của Nguyễn Thái Lực đứng tên sử dụng, do công ty Địa ốc Alibaba phân phối đất nền, Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo nhân viên làm lớn chuyện, cản trở việc cưỡng chế để thu hút truyền thông.
Ngày 17/10, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố 4 bị can gồm: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, SN 1995, quê Tiền Giang; Trần Quốc Tĩnh, SN 1995, quê Quảng Nam; Huỳnh Ngọc Thiện, SN 1996, quê Gia Lai và Phan Quỳnh Long, SN 1997, quê Gia Lai cùng về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và Gây rối trật tự công cộng.
Theo kết luận điều tra, ngày 13/7/2018, Nguyễn Thái Lực (SN 1999), em trai Nguyễn Thái Luyện, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 17 thửa đất tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với ông Nguyễn Phú Quý. Đến ngày 18/7, Lực ký hợp đồng ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1991), Giám đốc công ty CP Bất động sản địa ốc Chiến Thắng. Sau đó, bà Vân Anh ký hợp đồng hợp tác với ông Nguyễn Thái Lĩnh (SN 1989), Tổng giám đốc công ty CP Địa ốc Alibaba (em trai Luyện).
Ngày hôm sau, bà Vân Anh tiếp tục ký giấy ủy quyền cho ông Trang Chí Linh (SN 1991), trú quận 2, TP.HCM được quyền ký kết các hợp đồng với bên thứ ba. Sau đó, ông Linh đã ký hợp đồng thi công với ông Ngô Quang Thanh (SN 1972), Giám đốc công ty CP THT để tiến hành xây dựng trái phép hạ tầng khu dân cư trên các thửa đất đang là đất nông nghiệp.
Khi công trình hoàn thành khoảng 80% thì UBND xã Tóc Tiên kiểm tra. Phát hiện công trình xây dựng trái phép nên cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 3,5 triệu đồng. Nhưng, ông Nguyễn Thái Lực không thi hành. Đến ngày 10/6/2019, UBND xã Tóc Tiên ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu khu đất nông nghiệp trên. Tuy nhiên, ông Lực không chấp hành quyết định trên.
Nhân viên Alibaba quấy rối, chống lệnh cưỡng chế đất đai sai phạm tại Tóc Tiên ngày 13/6. |
Do đó, chiều 12/6, UBND xã Tóc Tiên đã tiến hành đưa xe cuốc đến khu đất để thực hiện công tác cưỡng chế. Lúc này, nhân viên bảo vệ khu đất đã báo tin cho ông Nguyễn Thái Luyện (SN 1985), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty Alibaba.
Kết luận điều tra xác định, thông qua mạng xã hội và điện thoại, Luyện chỉ đạo các nhân viên đến gặp ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ nhằm mục đích làm rõ việc cưỡng chế trái phép nếu không được thì tụ tập đông người. Trong tin nhắn, Luyện nêu rõ mục đích làm lớn chuyện, tranh thủ thu hút truyền thông và thu hút nhiều cơ quan chức năng...
"Mục đích làm lớn chuyện, tranh thủ thu hút truyền thông và thu hút nhiều cơ quan chức năng", "sự việc làm rung động khu vực thị xã Phú Mỹ, rất có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của mình", nội dung Nguyễn Thái Luyện nhắn chỉ đạo nhân viên Alibaba.
Sáng hôm sau (ngày 13/6), công ty Alibaba điều động ô tô chở nhân viên xuống thị xã Phú Mỹ. Khi đoàn cưỡng chế của UBND xã Tóc Tiên tiến hành cưỡng chế khu đất vi phạm thì Trinh, Tĩnh, Thiện, Long cùng các nhân viên khác chạy đến cản trở. Tại đây, Tĩnh leo lên xe múc của đoàn cưỡng chế la hét, rút chìa khóa xe. Tiếp đó, Tĩnh dùng gạch đập vỡ tất cả các cửa kính của xe cũng như đèn xi nhan, xì lốp xe bên trái, dùng đá ném vào cabin.
Cùng lúc đó, Trinh, Lực,... yêu cầu xem quyết định cưỡng chế. Mặc dù ông Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên đã giải thích nhưng Trinh nhất định không chấp hành mà tiếp tục lớn tiếng, la hét, yêu cầu nhân viên đập phá. Sau khi nghe Trinh chỉ đạo thì Thiện và Long la hét, gây rối, cản trở việc cưỡng chế. Trước tình hình trên, buộc cơ quan chức năng phải điều động thêm lực lượng đến đảm bảo an ninh trật tự khu vực, đồng thời tiến hành đưa 10 đối tượng về trụ sở công an để làm việc. Sau đó, các đối tượng đã lần lượt bị khởi tố và bắt giam.
Theo nhận định của các chuyên gia pháp lý, Nguyễn Thái Luyện và Alibaba không phải trường hợp duy nhất có dấu hiệu lừa đảo khách hàng bằng những hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ trá hình, nhưng chắc chắn là trường hợp hiếm hoi dám ngang nhiên thách thức pháp luật đến mức như vậy.
Sau khi tốt nghiệp đại học Mở, làm nhân viên công ty môi giới đất nền trên địa bàn vùng ven TP.HCM, Nguyễn Thái Luyện (SN 1985) quê ở TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai thành lập và trở thành CEO công ty Cổ phần địa ốc Alibaba tai tiếng. Đến giữa năm 2016, Nguyễn Thái Luyện bắt đầu ra làm riêng và thành lập công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.
25 tuổi, Luyện bắt đầu lập công ty môi giới BĐS. |
Địa ốc Alibaba được thành lập, Luyện giao cho những người thân tín trong đó có Lĩnh, ông Nguyễn Thái Lực (em ruột của 2 người này) đi thu gom đất nông nghiệp, rồi tự phác họa thành dự án khu dân cư cao cấp. Luyện chỉ đạo toàn bộ cán bộ công nhân viên thông qua các kênh mạng xã hội, các trang web thông tin để rao bán đất nền của các dự án "ma" nhằm lừa khách hàng.
Có thể nói CEO Nguyễn Thái Luyện tổ chức, vận hành công ty Địa ốc Alibaba theo cách không giống ai. Luyện liên tục gây chú ý bởi những phát ngôn, cách hành xử gây sốc.
Cái sốc đầu tiên là mức độ tăng trưởng "Thánh Gióng" ở các công ty mà Luyện lập ra. Điển hình công ty gốc, tức công ty CP Địa ốc Alibaba, tháng 5/2016 khi thành lập vốn 1 tỷ đồng. Hơn 4 tháng sau, trong lần thay đổi đầu tiên, Luyện loan báo vốn điều lệ đã lên đến 20 tỷ đồng. Và sau hơn 1 năm khi thành lập, tức lần thay đổi thứ hai, Luyện "nổ" vốn điều lệ là 1.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo một số nhân viên cấp quản lý tiến hành lập ra các công ty bất động sản, tưởng chừng như là hoạt động độc lập nhưng đều là vệ tinh của Địa ốc Alibaba và trong sự kiểm soát, chỉ đạo của Luyện.
Cách thức hoạt động của Luyện cũng như công ty cổ phần Địa ốc Alibaba không như các công ty hoạt động môi giới đất nền bình thường. Cụ thể, Luyện dùng chiêu thức tinh vi, lập dự án ma, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để lừa khách hàng. Đáng nói, Luyện còn chủ trương hoạt động công ty theo hình thức đa cấp, đội ngũ nhân viên cũng tham gia đóng góp “cổ phần” vào.
Chính vì thế, không mấy khó hiểu khi xảy ra các vụ việc như: Bị cưỡng chế ở các dự án ma, bị cơ quan pháp luật điều tra, bị báo chí phản ánh... thì đội ngũ nhân viên của Alibaba vẫn... sống chết, vì hơn hết có phần tiền đóng vào, có quyền lợi trong đó. Có thể nói hình thức của Luyện là biến tướng, không như các công ty hoạt động môi giới đất nền bình thường. Không có dự án thật, không cần giấy tờ pháp lý, Alibaba thản nhiên "móc túi" hàng nghìn người suốt 3 năm nhưng không bị xử lý mà còn phát triển lớn mạnh với hơn 2.000 nhân viên.
Nguyễn Thái Luyện còn thể hiện sự ngạo mạn trắng trợn khi liên tục phản pháo truyền thông, luật sư và cả cơ quan chức năng vì "dám" vạch trần sai phạm của y. Luyện "tung quân" đi khắp các "mặt trận" để sỉ vả, cãi tay đôi với bất cứ ai tố cáo, phanh phui hoạt động lừa đảo của công ty mình. Dư luận đã rất nhiều lần bất bình khi nhân viên Alibaba tụ tập đi gây hấn, thậm chí tấn công lực lượng chức năng.
Hoàng Hưng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 42