Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hé lộ khối tài sản khổng lồ của Tổng Giám đốc Chứng khoán Apec Nguyễn Đỗ Lăng trước khi bị bắt

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Ông Nguyễn Đỗ Lăng từng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2021 với khối tài sản hơn 1.000 tỷ đồng. Hệ sinh thái Apec Group do ông Lăng đóng vai trò là mắt xích quan trọng sở hữu nhiều dự án bất động sản “khủng” trên khắp cả nước.

Lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán

Ngày 28/6/2023, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP.Hà Nội ra thông báo về việc Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, Công ty CP đầu tư Châu Á Thái Bình Dương và Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam.

Đồng thời, Cơ quan điều tra ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, gồm: Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng; bà Nguyễn Thị Thanh, Kế toán trưởng Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Phạm Thị Đức Việt, Phó phòng dịch vụ khách hàng Công ty CP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã phê chuẩn các Quyết định tố tụng trên. Vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng trước khi bị bắt.

Trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đỗ Lăng là cái tên nhận được sự chú ý của giới đầu tư. Ngoài vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại APS, ông Lăng còn giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn Cotana (mã: CSC), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã: IDJ), thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã: API).

Ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu lớn tại các doanh nghiệp mình làm lãnh đạo. Tại APS, ông Lăng đang là cổ đông cá nhân lớn nhất với gần 11,9 triệu cổ phiếu tương đương 14,3% cổ phần doanh nghiệp. Tại API, ông Lăng cũng đang nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 19,6% cổ phần, tại IDJ ông Lăng cũng nắm giữ 2,26 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 1,3% cổ phần doanh nghiệp này. Trong khi đó, tại CTCP Tập đoàn Cotana, ông Lăng trực tiếp nắm giữ 18.947 cổ phiếu CSC, tương đương tỷ lệ 0,07%.

Khối tài sản của ông Nguyễn Đỗ Lăng đã giảm đáng kể cùng đà giảm của các cổ phiếu đang nắm giữ trong những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, tính theo giá thị trường phiên giao dịch ngày 28/5, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Lăng đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 302 tỷ đồng. Trong đó, riêng lượng cổ phiếu của ông Lăng tại CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương có giá trị hơn 153 tỷ đồng và lượng cổ phiếu tại CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương có giá trị hơn 125 tỷ đồng.

Theo tạp chí Viettimes, năm 2021 cũng là năm "đại thắng" của APS, API và IDJ khi bộ 3 cổ phiếu này ghi nhận mức tăng lên tới cả chục lần, giúp ông Lăng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Huỳnh Thị Mai Dung (1975) là vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng bị khởi tố cùng chồng. Bà Dung sở hữu 2,02% cổ phần APS, hơn 8% cổ phần API... Bên cạnh đó, em ruột, con gái và bố đẻ ông Lăng cũng nắm giữ một số cổ phiếu thuộc nhóm Apec.

Nhiều dự án bất động sản “khủng”

Apec Group là tập đoàn đa ngành sở hữu hàng loạt dự án bất động sản hạng sang quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cùng với đó là các công ty chứng khoán, nội thất, môi trường... Trong đó, Apec Group có 2 mảng chính là đầu tư tài chính và phát triển bất động sản.

Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né có nhiều vi phạm về Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Phòng, chống rửa tiền. Ảnh: Apec Group

Về mảng bất động sản, Apec Group là chủ đầu tư một số dự án, còn lại được phân bổ cho các công ty thành viên là API và IDJ.

Theo báo cáo của API, tới cuối quý I/2023, doanh nghiệp này có chi phí sản xuất kinh doanh dang dở ở nhiều dự án bất động sản như: Royal Park Huế (291 tỷ đồng), Khu công nghiệp Đa Hội (114 tỷ đồng), dự án Aqua Park Bắc Giang (71 tỷ đồng), Golden Palace Lạng Sơn (88 tỷ đồng), dự án Dubai Ninh Thuận (46 tỷ đồng), Mandala Phú Yên (240 tỷ đồng)…

Tại Chứng khoán APEC ông Nguyễn Đỗ Lăng là nhà sáng lập và là Tổng Giám đốc điều hành. APS là một công ty chứng khoán có quy mô nhỏ, với vốn điều lệ 390 tỷ đồng trong cả thập kỷ qua và chỉ tăng mạnh lên 830 tỷ đồng trong năm 2021 khi thị trường chứng khoán bùng nổ.

Năm 2021 cũng là khoảng thời gian mà các công ty thuộc “nhóm APEC” khác là IDJ và API tăng mạnh vốn thêm 2-5 lần lên tương ứng 1.734 tỷ đồng và 840 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp liên quan tới nhóm này và có mặt trong báo cáo tài chính của API gồm: Dream Works Việt Nam, Apec Land Huế, Quản lý vận hành Bất động sản Mandala, Quản lý Khách sạn và dịch vụ Mandala, Lagoon Lăng Cô, Quốc tế Dubai, Apec Quảng Trị…

Ông chủ Apec Nguyễn Đỗ Lăng cũng từng có tham vọng xây 10 triệu căn hộ “nhà ở xã hội 5 sao” với giá chỉ 10 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2021 - 2030.

Gần đây, Thanh tra Chính phủ có kết luận về việc giao đất quốc phòng cho Công ty CP Đầu tư BG Group nay là CTCP Tập đoàn Apec Group làm nhà ở thương mại tại Yên Bái giai đoạn 2010 - 2020 là không phù hợp, báo Tiền Phong đưa tin.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật