Đóng

Hé lộ chi tiết 3 "phi vụ" mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí quân dụng của trùm giang hồ Bình "Kiểm"

  • Thùy Dung (t/h)
(DS&PL) -

Phạm Đức Bình (SN 1970, biệt danh "Bình Kiểm") được xác định là đối tượng cầm đầu trong cả ba vụ mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Quá khứ bất hảo

Theo Dân Trí, Bình "kiểm" từng được biết đến là “đàn anh” trong giới giang hồ với quá khứ tù tội. Theo đó, năm 1996, Bình bị đưa vào diện cưỡng bức lao động bắt buộc 24 tháng. Năm 1999, ông ta bị TAND quận 10 (TP. HCM) xử phạt 12 tháng tù về các tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và Trốn khỏi nơi giam giữ.

Năm 2000, Bình tiếp tục bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 24 tháng. Năm 2002, Bình lại bị TAND thị xã Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) xử phạt 12 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích.

Phạm Đức Bình (SN 1970, biệt danh "Bình Kiểm") được xác định là đối tượng cầm đầu trong cả ba vụ mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Ảnh: Dân Trí.

Năm 2007, Bình "Kiểm" bị TAND TP. HCM xử phạt 28 năm tù về các tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Tháng 3/2010, Bình bị TAND quận Gò Vấp (TP. HCM) xử phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Tổng hợp hình phạt chung là 30 năm tù.

Vụ giao dịch súng Beretta "làm quà tặng"

Ngày 7/4/2024, Bình chấp hành xong hình phạt tù, và tụ tập đàn em, móc nối với các bạn tù, đối tượng hình sự để lập băng nhóm.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ tháng 4 đến 10/2024, ông ta câu kết cùng với Nguyễn Tuấn An (42 tuổi, quê Hưng Yên), Huỳnh Hoàng Vũ (53 tuổi), Chu Văn Hoàng Anh (35 tuổi, vừa ra tù về tội Giết người) và hai đàn em thực hiện 3 vụ án mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Quen nhau tại trại giam Chí Hòa, đầu tháng 7/2024, sau khi ra tù, Bình và Lại Nam Phương (55 tuổi) hẹn gặp nhau. Phương rủ Vũ cùng đến gặp Bình. Lúc trò chuyện, Bình nói đang tìm mua súng của các nước Tây Âu. Nghe vậy, Vũ liền nói sẽ tặng cho Bình một khẩu súng Beretta và 13 viên đạn.

Hôm sau, Bình rủ Phương và Vũ đến quán lẩu do Hoàng Anh làm chủ để giao lưu. Tại bàn ăn, Vũ đưa cho Bình túi vải đựng khẩu súng Beretta và 13 viên đạn rồi nói "tặng anh quà". Bình mở túi ra xem và kéo thử súng rồi đưa cho Hoàng Anh mang đi cất giấu.

Khoảng một tháng sau, quán đóng cửa do làm ăn thua lỗ, Hoàng Anh đã liên lạc để trả lại súng, đạn cho Bình thì được "đại ca" tiếp tục nhờ cất hộ. Hoàng Anh đem chôn trong vườn nhà cha ruột ở Lâm Đồng. Ngày 30/10/2024, số vũ khí trên bị cơ quan điều tra phát hiện, thu giữ.

Vụ mua bán súng AK xuyên biên giới Việt – Lào

Theo Dân Việt, khoảng tháng 8/2024, Phạm Đức Bình quen biết Nguyễn Tuấn An (SN 1983) qua các mối quan hệ xã hội. Biết An có nhiều mối quan hệ tại Lào, ngày 9/9/2024, Bình gọi điện nhờ An tìm mua 2 khẩu súng AK. An đồng ý và liên hệ với đối tượng Sổm Sắc Ba Nu Vong (biệt danh "Tun", SN 1972, tại Viêng Chăn, Lào) qua Facebook.

Sau khi Tun đồng ý tìm súng, An báo lại cho Bình và yêu cầu đặt cọc trước 50.000.000 đồng. Cùng ngày, Bình đã nhờ Nguyễn Thành Nam (SN 1998) chuyển khoản số tiền này cho An.

Một phần tang vật bị thu giữ. Ảnh: Dân Việt.

Hôm sau, Bình tiếp tục nhờ An mua thêm 5 hộp đạn súng ngắn loại 9mm. Tun báo giá 4.000 Baht/hộp (tương đương 3.000.000 đồng/hộp) và yêu cầu chuyển tiền qua quét mã QR. An yêu cầu Bình chuyển thêm 25.000.000 đồng, và Bình đã nhờ Nguyễn Xuân Bằng (SN 1984) chuyển khoản vào ngày 10/9/2024.

Ngày 13/9/2024, An chuyển 15.000.000 đồng cho Phan Bá Thắng (SN 1991) để đổi sang tiền Baht trả Tun. Thắng tiếp tục chuyển số tiền này cho Phạm Văn Đức (SN 1991) đổi thành 20.000 Baht rồi chuyển cho Tun.

Đến ngày 14/9/2024, Tun báo qua facebook đã tìm được 1 khẩu AK47 với giá 130.000 Baht (tương đương 97.500.000 đồng) và gửi ảnh cho An xem.

An sau đó gọi điện cho Bình qua Telegram, báo đã tìm được 1 khẩu AK47 còn mới nhưng không có hộp tiếp đạn và gửi ảnh. Bình đồng ý mua và nhờ An mua thêm 4 hộp tiếp đạn và 5 hộp đạn súng AK.

Tun báo giá 6.000 Baht/hộp tiếp đạn (tương đương 4.500.000 đồng/hộp) và 5.000 Baht/hộp đạn AK (tương đương 3.750.000 đồng/hộp). An thông báo cho Bình tổng số tiền phải trả thêm là 132.000.000 đồng và 10.000.000 đồng chi phí đi lại, tổng cộng 142.000.000 đồng. Bình đồng ý.

Ngày 19/9/2024, Bình vay tiền của Thái Ngọc Vinh và nhờ chuyển khoản cho An. Vinh đã nhờ con gái là Thái Ngọc Mỹ Trân chuyển 142.000.000 đồng vào tài khoản của An. Cùng ngày, An chuyển 118.275.000 đồng cho Phạm Văn Đức. Đức đổi thành 157.700 Baht rồi chuyển cho Tun. Tổng số tiền An đã chuyển cho Tun để mua súng, đạn là 177.000 Baht (tương đương 132.750.000 đồng).

Ngày 23/9/2024, An xuất cảnh qua sân bay Nội Bài sang Lào đến nhà Tun ở thủ đô Viêng Chăn. Tại đây, Tun giao cho An 1 khẩu súng AK47, 3 hộp tiếp đạn, 250 viên đạn súng ngắn 9mm và 170 viên đạn AK (trong đó có 20 viên đạn AK Tun cho không). Sau khi có súng, An mượn xe ô tô của Tun để cất giấu toàn bộ và chuẩn bị gửi về Việt Nam cho Bình.

Nhận thấy số lượng súng, đạn chưa đủ như Bình yêu cầu và nhớ lại năm 2020 từng mua một số súng, đạn từ đối tượng tên Sắn (quốc tịch Lào, đã chết năm 2023) và giấu dưới ao nước trong khuôn viên Công ty KP7979 (Viêng Chăn), An nảy sinh ý định trục vớt để bán cho Bình. Ngày 26/9/2024, An tự trục vớt được 1 khẩu súng AK, 1 hộp tiếp đạn và 72 viên đạn AK, sau đó mang về khách sạn. An gọi video call qua Telegram cho Bình xem toàn bộ số súng, đạn và mời Bình mua thêm khẩu AK đã trục vớt.

Tuy nhiên, Bình từ chối vì súng cũ, nhưng đồng ý mua tất cả số đạn và hộp tiếp đạn An đang có. Tổng số Bình đồng ý mua của An và Tun là 1 khẩu AK; 4 hộp tiếp đạn; 250 viên đạn súng ngắn 9mm và 242 viên đạn AK. Sau đó, Bình bảo vợ là Đinh Thị Mỹ Dung (SN 1983) chuyển khoản thêm 10.000.000 đồng cho An làm chi phí đi lại. Tổng số tiền Bình đã chuyển cho An để mua súng, đạn từ Lào về Việt Nam là 227.000.000 đồng.

 Đến ngày 29/9/2024, khi An cất giấu toàn bộ súng, hộp tiếp đạn và đạn vào vali để vận chuyển về Việt Nam tại khu vực bến xe phía Nam Thủ đô Viêng Chăn, thì bị Công an Lào phát hiện và thu giữ. Ngày 1/10/2024, Bộ Công an Lào đã bàn giao Nguyễn Tuấn An và toàn bộ vật chứng cho Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C02) để xử lý.

Kết luận giám định số 7545/KL-KTHS ngày 4/10/2024 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an xác nhận: 2 khẩu súng là súng tiểu liên AK, thuộc vũ khí quân dụng, còn sử dụng để bắn được; 242 viên đạn là đạn cỡ (7,62x39)mm, thuộc vũ khí quân dụng và sử dụng được cho 2 khẩu súng trên; 250 viên đạn là đạn cỡ (9x19)mm, thuộc vũ khí quân dụng; 4 hộp tiếp đạn là hộp tiếp đạn của súng tiểu liên AK, sử dụng được cho 2 khẩu súng trên.

Lừa đảo mua vũ khí quân dụng

Vụ thứ ba liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong giao dịch mua bán vũ khí.

Khoảng tháng 7/2024, Bình nhờ Trần Đình Thiện (SN 1991) tìm mua 1 khẩu súng quân dụng.

Thiện đồng ý và nhờ Nguyễn Văn Chiến (SN 1988) giúp. Chiến sau đó nhờ Lê Xuân Phước (SN 1990) tìm mua súng, đạn. Phước liên hệ và nhờ Lê Minh Nghĩa (SN 1997) tìm súng, đồng thời cung cấp số điện thoại của Chiến cho Nghĩa.

Mặc dù không có khả năng mua được súng, Nghĩa đã nảy sinh ý định lừa đảo Chiến. Nghĩa gọi điện cho Chiến, nói dối rằng mình đang có 1 khẩu súng AK47 và đạn. Để tạo lòng tin, Nghĩa tải ảnh súng AK47 trên mạng, chỉnh sửa và gửi qua zalo cho Chiến. Sau khi xem, Chiến nói với Nghĩa rằng người cần mua súng, đạn là Thiện, và cung cấp số điện thoại của Thiện cho Nghĩa.

Để tiếp tục củng cố niềm tin, Nghĩa gửi cho Thiện những hình ảnh khẩu súng AK47 và đạn đã chỉnh sửa trước đó, đồng thời thỏa thuận giá bán: khẩu AK47 là 18.000.000 đồng, 2 hộp tiếp đạn là 6.000.000 đồng, 100 viên đạn là 3.300.000 đồng. Nghĩa yêu cầu Thiện đặt cọc, và Thiện đã nhờ vợ là Nguyễn Thị Ngọc Linh (SN 1996) chuyển khoản cho Nghĩa 5.300.000 đồng.

Sau đó, Thiện gọi điện cho Phạm Đức Bình, báo đã tìm được 1 khẩu súng AK và yêu cầu Bình chuyển 20.000.000 đồng để mua súng. Bình đã nhờ Thái Ngọc Vinh chuyển tiền cho Thiện. Vinh lại nhờ con gái Thái Ngọc Mỹ Trân chuyển 20.000.000 đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Ngọc Linh.

Ngày 8/8/2024, Thiện tiếp tục bảo Linh chuyển khoản 3 lần cho Nghĩa tổng số tiền 16.000.000 đồng.

Sau khi nhận tổng cộng 21.300.000 đồng từ Thiện, Nghĩa đã tắt điện thoại và sử dụng số tiền chiếm đoạt được để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết 19.300.000 đồng. 2.000.000 đồng còn lại, Nghĩa chuyển khoản cho Đặng Thị Bích Thuận (SN 1995, chị dâu của Nghĩa) để nhờ chuyển cho con, nhưng số tiền này đã bị thu giữ khi vụ việc được phát hiện, theo Dân Việt.

Tin nổi bật