Nhiều người cho rằng, Đường Tăng vượt khó khăn sang Tây Thiên thỉnh kinh trong "Tây Du Ký" chỉ là tưởng tượng nhưng trong lịch sử Trung Quốc, nhân vật này là có thật.
Trần Huyền Trang (Đường Tăng) là nhân vật có thật trong lịch sử, ông tên thật là Trần Huy, sinh vào khoảng năm Nhân Thọ thứ 2 đời Tùy Văn Đế Dương Kiên (năm 602) tại huyện Câu Thị, nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Hai người anh trai của Trần Huy xuất gia làm sư ở chùa Tịnh Thổ Lạc Dương nên từ nhỏ, ông đã theo anh tụng kinh niệm Phật, đồng thời đọc cả sách Nho, Đạo…
Đường Tăng là nhân vật có thật trong lịch sử. - Ảnh: Kênh 14. |
Theo sách khảo cứu Pháp văn, chẳng những là một nhà sư đạo đức, Huyền Trang còn tỏ ra là một học giả uyên thâm, một nhà du thám kỳ tài, một nhà sử học uyên bác, một nhà địa lý học tài giỏi, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng và là một nhà phiên dịch giỏi không ai bằng.
Tây Du Ký là câu chuyện kể về 4 thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng đi thỉnh kinh ở TâyThiên. 3 đệ tử của Đường Tăng đều có xuất thân thần thánh.
4 thầy trò Đường Tăng đã có một cuộc hành trình ròng rã 14 năm, vượt qua 81 kiếp nạn, cuối cùng mới đến được đất Phật, mang Kinh Phật về truyền bá ở phương Đông.
Tuy nhiên ở đời thực, Đường Tăng một thân một mình cưỡi con ngựa già lên đường đi Ấn Độ để tự mình tìm hiểu, mà không hề được sự ân chuẩn của Hoàng đế Đại Đường dù đã 2 lần dâng biểu xin đi.
Tranh minh họa Đường Tăng một thân một mình sang Ấn Độ thỉnh kinh. - Ảnh: YDVN.vn |
Hành trình thỉnh kinh gian nan của Đường Tăng tuy không gặp yêu tinh ăn thịt người như trong tiểu thuyết nhưng cũng gặp không ít khó khăn vất vả, thậm chí là có thể mất mạng.
Nhiều khi ông phải nhịn đói nhịn khát suốt 7, 8 ngày ròng rã giữa sa mạc nắng chang chang, không một bóng cây, không người qua lại. Hay như ông gặp phải thổ dân ăn thịt người bắt giữ song lần nào ông cũng tự nhủ: “Thà đi về phía Tây mà chết chứ quyết không quay về Đông mà giữ lấy mạng sống”.
Trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, mất khoảng 17 năm, qua 128 quốc gia lớn nhỏ, mới lấy được chân kinh trở về. Đường đi một thân một mình với con ngựa già đã gian nan mà khi về nước, ông phải dùng đến 24 con ngựa, voi, lạc đà để tải 657 bộ kinh Phật, 150 xá lợi tử (tinh cốt Phật), tượng Phật.
Lịch sử có ghi chép lại rằng, cảnh tượng nhân dân thời bấy giờ nghênh đón ông vô cùng long trọng: “Đạo tục bôn nghênh, khuynh đô bãi thị” (Tạm dịch: Người thế tục nghênh đón người tu Đạo chật kín cả đường phố).
Sau đó, ông lạ dành 19 năm để dịch 75 bộ kinh Phật và cuối cùng công thành viên mãn. Bộ Đại Đường Tây vực ký 12 quyển là những ghi chép đầy đủ về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán của 128 nước mà ông đã đi qua.
Những tài liệu của ông để lại vẫn còn giúp ích rất nhiều cho các chuyên gia khảo cổ Ấn Ðộ và họ cũng công nhận những ghi chép của Đường Tăng là chính xác.
Ngày nay, tháp Đại Nhạn tại Tây An cũng được chính Huyền Trang dựa theo kiến trúc tháp nhà Phật thời Ấn Độ cổ để xây dựng.
Tượng Đường Tăng tại Đại Nhan tháp. - Ảnh: YDVN.vn. |
Hình tượng Đường Tăng trong Tây Du Ký là một tín đồ đạo Phật thành tâm, là một người thiện lương nhưng trước khó khăn thì yếu đuối, nhút nhát Thế nhưng ở ngoài đời, Đường Tăng lại là một vị đại sư gan dạ, giàu lòng bác ái và luôn tin tưởng vào sự thành tâm của đạo Phật.
13 năm lưu trú tại Ấn độ, Đường Tăng đã đi viếng hầu hết các di tích của đạo Phật, ở lại chùa Na Lan Ðà, học đạo trong 6 năm. Đường Tăng là một trong ba người học trò giỏi nhất của vị cao tăng Giới Hiền
Trưa ngày mùng 5 tháng 2 năm 664, Đường Tăng vì bệnh nặng nên đã viên tịch tại chùa Ngọc Hoa, thọ 69 tuổi. Ngày 14 tháng 4 cùng năm, thi hài ông được an táng tại Bạch Lộc Nguyên.
Lịch sử ghi chép rằng, ngày cử hành tang lễ có đến một triệu người ở Trường An và các vùng lân cận theo về để đưa tiễn. Đám táng xong, có đến ba vạn người cất lều cư tang gần mộ phần.
TRẦN LOAN (T/h)