Địch Nhân Kiệt, vị thần thám tài ba lỗi lạc dưới thời nhà Đường nổi tiếng với vụ điều tra cái chết của một cô dâu bị đầu độc; và một vụ án khác, ngài vạch mặt kẻ sát nhân
Địch Nhân Kiệt (630-700) còn được gọi là Lương Văn Huệ công. Là một vị quan có tiếng liêm minh, một người văn võ song toàn của nhà Đường cũng như triều đại Võ Chu của bà hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc - Võ Tắc Thiên.
Trước khi trở thành quan nhân triều Đường, Địch Nhân Kiệt là con trong một gia đình viên chức. Sau khi thi đỗ kỳ thi Minh Kinh năm 656, với tài năng quá ấn tượng, ngay lập tức ông được bổ nhiệm làm phán tá Biện Châu.
Với năng lực phá án tài tình, mọi vụ án ngài điều tra đều có cái kết bất ngờ thông qua việc điều tra ra những tình tiết rất tinh tế khiến người người bội phục, ngợi ca.
Địch Nhân Kiệt, thời Đường |
Tất cả những vụ việc, biến chuyển xảy ra trong triều đại nhà Đường Trung Quốc đều được sách sử theo dõi ghi chép một cách nghiêm túc, Địch Nhân Kiệt được biết đến với một hình thức điều tra thông minh liêm khiết.
Trong truyền kì phá án của mình, ngài nổi tiếng với vụ điều tra cái chết của một cô dâu bị đầu độc; và một vụ án khác, ngài vạch mặt kẻ sát nhân của một “xác chết lạ” trong ngôi làng vắng vẻ.
Thuộc thể loại trinh thám quan án, bộ truyện mang đậm dấu ấn Trung Quốc với những cái chết kỳ lạ, những vụ mất tích bí ẩn, hổ tinh ăn thịt người, những hồn ma, lời nguyền chết chóc.... Mỗi tập truyện bao gồm nhiều vụ kỳ án nhuốm màu sắc liêu trai, ma quái, kích thích trí tò mò người đọc.
Địch công kỳ án là một tác phẩm hư cấu, lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của Địch Nhân Kiệt, vị thần thám tài ba lỗi lạc dưới thời nhà Đường.
Trong dòng văn học trinh thám, trinh thám quan án chiếm một vị thế rất đặc biệt. Bởi dòng trinh thám này chỉ chủ yếu xuất hiện ở Phương Đông – nơi xã hội phong kiến tồn tại đến hàng nghìn năm. Vua khi ấy được coi là “con trời”, còn các vị quan được ví như phụ mẫu của dân, là người cai quản tất cả mọi chuyện từ đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần của người dân trong phạm vi mà mình cai quản. Quan lúc này không chỉ tượng trưng cho quyền lực mà còn là hiện thân của sự công bằng, liêm chính.
Thế nên, những giai thoại về các vị quan tốt thường được người dân truyền miệng thành những giai thoại từ đời này qua đời khác. Người chép lại cũng là những bậc nho sĩ mang tư tưởng Khổng – Tử. Chính vì vậy, bộ truyện có bối cảnh là Trung Hoa, con người Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa lại được viết từ một nhà Đông Phương Học người Hà Lan như Van Gulik đã ngay lập tức gây chú ý khi vừa mới ra mắt.
Nét đặc sắc nhất của bộ truyện này, khiến nó trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị chính là sự giao thoa giữa 2 nền văn học trinh thám Đông - Tây, là kết hợp tinh hoa của 2 dòng trinh thám quan án và suy luận cổ điển, tức hội đủ 2 yếu tố: kỳ bí và logic.
Mặc dù được viết dưới cái nhìn của hệ tư tưởng Phương tây nhưng bộ truyện này lại đậm nét văn hóa Phương Đông, từ bối cảnh, con người, cho đến các những lễ nghi, tôn giáo, phong tục, tập quán, thậm chí các vấn đề xã hội như nạn tham ô, buôn lậu, sơn tặc, trộm cắp, hành khất, đĩ điếm,... đều được tác giả đề cập và khắc họa rõ nét. Bên cạnh đó, những khung cảnh quen thuộc, đậm chất cổ trang Trung Quốc như: những màn đấu tửu, những cuộc so tài luận kiếm hay ngâm thơ đối ẩm cũng được tác giả lồng ghép và tái hiện chân thực.
Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất chính là mặc dù viết về văn hóa Phương Đông nhưng lại được nhìn dưới cái nhìn lí tính của Phương Tây. Khác với lối miêu tả hoa mĩ, đậm chất thơ, đậm tính điển cố như văn học Trung Quốc, Van Gulik lại sử dụng câu từ tối giản, đặc biệt chú ý đến tính logic của truyện. Mọi vấn đề đều được quy chiếu dưới sự lí tính thay vì cảm tính như văn học Phương Đông, ngắn gọn, súc tích, chú ý đến từng chi tiết nhỏ.
Ngoài ra, cách hành xử, đối thoại giữa các nhân vật dù mang đậm chất Trung Hoa phong kiến nhưng nếu để ý kỹ vẫn thấy phảng phất đây đó hơi hướng phương Tây. Đặc biệt là tư tưởng của tác phẩm. Mặc dù phần lớn các nhân vật đều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Khổng – Nho như Trung quân, ái quốc, đạo nghĩa quân – thần, cha – con, vợ - chồng… nhưng ở tác phẩm này, tư tưởng bình đẳng, coi dân làm trọng, chủ nghĩa tự do được lồng ghép khéo léo, không hề có sự xung đột giữa Đông – Tây, mới – cũ.
Cốt truyện được xây dựng chặt chẽ, không có tình tiết thừa, yếu tố trinh thám, suy luận dày đặc. Các gợi ý được dàn trải một cách khéo léo xuyên suốt tác phẩm, mọi nút thắt, mọi ẩn số đều được giải quyết gọn ghẽ trong màn suy luận cuối cùng - đặc trưng của trinh thám cổ điển. Đặc biệt, dù sử dụng kết cấu vụ án "3 trong 1" của thể loại trinh thám quan án (tức lồng 3 vụ án khác nhau vào cùng 1 tác phẩm) với các mối quan hệ, các sự kiện, các tình tiết được khéo léo đan cài xen kẽ, chồng chéo khiến vụ án trở nên vô cùng phức tạp, tuy nhiên, cách thức giải quyết vấn đề lại vô cùng mạch lạc, rõ ràng, không hề rối rắm, khiên cưỡng.
Nhắc đến nhân vật chính trong Địch Công án, quan án Địch Nhân Kiệt, giới phê bình thường sử dụng hình ảnh so sánh “Sherlock Holmes của phương Đông”, như một cách để nêu bật lên khả năng quan sát và suy luận xuất chúng của vị quan án này. Nhưng với những người yêu mến Địch Công, thì vị quan án này lại có nhiều điểm tương đồng hơn với Hercule Poirot, nhân vật thám tử lừng danh của Agatha Christie, cả về ngoại hình lẫn phong cách điều tra.
Nếu như Poirot tự hào hơn hết về bộ ria mà “dù đi khắp London cũng không kiếm được đối thủ xứng tầm”, thì Địch Công cũng sở hữu một trong những bộ râu nổi danh nhất trong lịch sử văn học Trung Hoa. Có thể so sánh với bộ râu đen dày và rất dài mà mỗi khi luyện võ Địch Công phải tẽ làm hai rồi buộc ra sau gáy, bộ râu mà bọn bất hảo mô tả “dù cách xa cả dặm cũng ngửi thấy mùi tòa án”, có lẽ chỉ có bộ râu trứ danh đã đem lại cho Quan Vân Trường danh hiệu Mỹ Nhiệm Công trong Tam Quốc mới địch nổi.
Trong phong cách điều tra, Địch Công cũng tỏ ra không hề kém cạnh người đồng nghiệp đến từ nước Anh của mình. Nếu như Poirot tự hào về khả năng nắm bắt tâm lý nhạy bén hơn người của mình và biến nó thành mũi nhọn trong mỗi cuộc điều tra, thì Địch Công cũng là một trong những nhà tâm lý tội phạm xuất sắc.
Theo dõi những vụ án của Địch Công, người ta thấy đồng thời một óc suy luận logic lạnh lùng như Sherlock Holmes và một trái tim nắm bắt tâm lý nhạy cảm của Hercule Poirot. Nếu Holmes suy luận bằng óc, còn Poirot suy luận bằng tim; thì Địch Công bằng cả hai. Có thể ví, Địch Công có “cái đầu lạnh” của Phương Tây nhưng lại mang trái tim của Phương Đông. Tâm hồn được “tưới đẫm văn hóa Trung Hoa” và điều này cũng làm nổi bật lên được tài năng của Van Gulik cũng như cái nhìn sâu sắc của ông về văn hóa Phương Đông.
Một trong điều tạo nên sức hút cho bộ truyện Địch Công Kỳ Án đó chính là yếu tố đa dạng, tính muôn màu, muôn vẻ của nó. Trong 16 tập truyện, độc giả gần như sẽ bắt gặp gần như mọi mô tuýp vụ án đặc trưng nhất của truyện trinh thám: án mạng trong phòng kín, tráo đổi thi thể, phi tang dấu vết, che dấu dấu vết…Nếu bạn thích thủ pháp điều tra tâm lý được đẩy lên tới cao độ, hãy đọc “Tứ bình phong”; nếu bạn ưa chuộng không khí ma quái rùng rợn trong các tu viện ẩn chứa những mật thất bí ẩn, hãy đọc “Đạo quán có ma”; nếu bạn thích những vụ án mạng trong phòng kín, hãy đọc “Bí mật căn phòng đỏ”…
Bên cạnh đó, nhờ yếu tố kì ảo, tâm linh mà trong bộ truyện này còn xuất hiện có mô tuýp vụ án đặc biệt như giả thần, giả quỷ, rồi những âm mưu chính trị đen tối trong triều đình… Tất cả đã tạo nên một sức hút đặc biệt cho bộ truyện này.