Mục tiêu lợi nhuận gần 14.000 tỷ
Theo báo Người lao động, ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
ĐHĐCĐ HDBank năm 2023 tổ chức sáng 26/4 tại TP.HCM. Ảnh: A.H/Tuổi trẻ
Tại Đại hội, ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank đã báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng năm 2022. Theo đó, năm vừa qua ghi nhận nhiều biến động, tuy nhiên mọi hoạt động của ngân hàng vẫn diễn ra thông suốt, các tỉ lệ bảo đảm an toàn duy trì trong giới hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ lệ an toàn vốn CAR (theo chuẩn Basel II) đạt 13,4%, mức cao dẫn đầu trong ngành. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng năm 2022. Đặc biệt, cổ phiếu HDB hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, khối ngoại đã liên tục mua ròng HDB.
Với kết quả kinh doanh tích cực, đại hội cổ đông HDBank đồng thuận thực hiện chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 25% gồm tiền mặt 10% và cổ phiếu 15%.
Theo VnExpress, năm 2023, HDBank đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với 2022 (10.268 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế khoảng 10.558 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ (8.209 tỷ đồng).
Một số cổ đông cho rằng mục tiêu của HDBank là khá tham vọng trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều thách thức. Trả lời cổ đông, Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh cho biết, chỉ tiêu mà HĐQT và ban điều hành đặt ra cho năm 2023 cũng không phải dễ dàng, cũng có thách thức với điều kiện thị trường như hiện nay. Nhưng HDBank vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu này trong năm nay. Ngay trong quý I/2023, HDBank đã bứt tốc đạt tăng trưởng tín dụng 10% cao nhất toàn ngành.
Nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng
Theo báo Tuổi trẻ, một nội dung đáng chú ý tại Đại hội là HDBank đã trình cổ đông thông qua chủ trương tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng và góp vốn, mua cổ phần một công ty chứng khoán.
Cuối năm ngoái, HDBank cũng đã từng đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
Số tiền này sẽ góp vào thời điểm chuyển giao bắt buộc. Sau đó ngân hàng này sẽ tiếp tục góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.
Về chủ trương mua lại công ty chứng khoán, HDBank cho biết nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển. Hơn nữa, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.
Do vậy việc mua lại công ty chứng khoán, theo HDBank, sẽ giúp ngân hàng mở rộng hơn nữa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn thu dịch vụ.
Công ty chứng khoán góp vốn, mua cổ phần phải đảm bảo các tiêu chí: được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Đồng thời phải có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; hoạt động kinh doanh có lợi nhuận liên tiếp trong ba năm gần nhất, đồng thời đảm bảo đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của HDBank.
Tuy nhiên, HDBank vẫn chưa tiết lộ tên ngân hàng cũng như công ty chứng khoán mà ngân hàng này sẽ tham gia tái cơ cấu, mua lại.
Vân Anh (T/h)