Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hậu vụ xôn xao khối tài sản "kếch xù" của ông Phó Tổng Thanh tra

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Sau làn sóng dư luận ồn ào lên án với những khối tài sản "kếch xù" của các quan chức không được kê khai, ít người biết rằng, có vị lãnh đạo phải khốn khổ vì lỡ kê khai thật tài sản của mình.

(ĐSPL) - Sau làn sóng dư luận ồn ào lên án với những khối tài sản "kếch xù" của các quan chức không được kê khai, ít người biết rằng, có vị lãnh đạo phải khốn khổ vì lỡ kê khai thật tài sản của mình. Chuyện "nói thật cũng dở" đang trở thành barie vô hình trong việc minh bạch kê khai tài sản của giới quan chức hiện nay. Liệu, các chiêu trò "cất và giấu" các loại tài sản có giá trị lớn như cổ phiếu, nhà lầu, sổ tiết kiệm, biệt thự hay xe hơi đắt tiền... sẽ ngày càng tinh vi hơn?

Nhiều người còn nghi vấn về tính trung thực của các bản kê khai tài sản. (Ảnh minh họa)

Tài sản khủng nhưng chân chính thì sao?

Hẳn đến giờ, dư luận vẫn chưa thể lắng sau sự vụ khối tài sản "khủng" của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền được đưa ra ánh sáng. Còn nhớ, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) công bố kết luận liên quan đến ông Truyền, nhiều người giật mình bởi người đứng đầu ngành thanh tra không chỉ hưởng thụ trên một tòa biệt thự nguy nga, mà ông còn sở hữu nhiều dinh thự và các khối tài sản lớn khác. Đáng nói, những khối tài sản này dù đã được sở hữu từ lâu nhưng ông Truyền không kê khai theo đúng quy định.

Video tham khảo: 

Ông Trần Văn Truyền nhận kết luận kiểm điểm, thu hồi nhà đất

Việc không kê khai tài sản của ông Truyền bị dư luận lên án là lẽ thường, nhưng một vấn đề hiện hữu đang đặt ra hiện nay là: Với những khối tài sản cực lớn đã được các cán bộ kê khai rõ ràng rồi thì sao? Điển hình cho câu chuyện này phải kể đến trường hợp của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh.

Chuyện về khối tài sản của ông Khánh được dư luận quan tâm vào hồi đầu năm nay với hàng loạt tài sản như hai căn nhà lớn ở trung tâm Hà Nội, gần 2.000m2 ở ngoại thành cùng rất nhiều cổ phiếu ở các ngân hàng lớn và hơn 7 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm. Khi đó, chưa ai biết vì sao ông Khánh có khối tài sản "kếch xù" đến như vậy thì ông Khánh cũng lao đao vì búa rìu dư luận. Chỉ đến khi, UBKTTƯ cất công làm rõ và được kết luận là đúng quy định pháp luật, ông Khánh mới phần nào thở phào nhẹ nhõm, nhưng dư âm thì không phải là đã hết và hồ nghi vẫn là quyền của dư luận.

Không phải đến giờ ông Khánh mới là người bị điều tiếng cho việc kê khai thật khối tài sản của mình, mà trước đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng làm ồn ào báo giới với một vị lãnh đạo có thu nhập năm 2012 tăng lên hàng chục tỉ đồng. Nhân vật đó được xác định là bà Phạm Mỹ Hoa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ TT&TT thuộc Sở này. Theo danh sách kê khai thu nhập, tài sản năm 2012 được Sở TT&TT Hà Nội niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan từ ngày 22/1 đến hết 28/2/2013. Trong số 73 cán bộ, nhân viên phải kê khai tài sản, thì bà Hoa dẫn đầu danh sách về tài sản tăng thêm: Tăng 3 nhà ở với tổng diện tích 900m2, tăng 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150m2, tăng 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765m2, tăng 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng. Ước tính, số tài sản tăng thêm của bà Hoa trong năm 2012 lên tới hàng chục tỉ đồng.

Trong một số liệu mà PV thu thập được từ Thanh tra Chính phủ cho thấy, việc minh bạch tài sản, thu nhập, trong năm 2013 có hơn 944.400 người đã kê khai tài sản thu nhập. Số người chậm kê khai tài sản thu nhập trong năm là 6.900 người. Có 5 người thuộc diện kê khai phải xác minh tài sản thu nhập, trong đó có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập thiếu trung thực và 6 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm thời hạn trong minh bạch tài sản thu nhập.

"Người trong cuộc" lên tiếng

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay: "Sau khi nhận thông tin từ dư luận, tôi rất buồn và tự đặt ra câu hỏi, tại sao một cán bộ cấp cao như mình lại không được đối xử bình đẳng như người dân". Chính ông Khánh cũng đặt ra câu hỏi, phải chăng tài sản nó có tội, khi đó là công sức lao động thực sự của ông và gia đình? Vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng bật mí khối tài sản này là do ông có được từ trước khi nhận cương vị lãnh đạo ở đơn vị.

Ông Khánh cũng cho biết thêm: "Liên quan đến khối tài sản của tôi, UBKTTƯ đã vào cuộc làm rõ, sau khi yêu cầu tôi báo cáo, trình bày, cơ quan này đã tiến hành thẩm tra và đã có kết quả thông báo cho ban cán sự Đảng của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, UBKTTƯ đã kết luận, việc kê khai tài sản của tôi đã thực hiện đúng quy định pháp luật".

Trao đổi với PV, một số chuyên gia pháp lý nhận định, việc công khai các bản kê khai chỉ nên thực hiện sau khi đã tiến hành xác minh. Nội dung được công khai là nội dung tổng hợp, chứ không phải công khai bản kê khai chi tiết ban đầu. Như vậy, vừa để đảm bảo bí mật cá nhân, vừa bảo vệ an ninh, an toàn tài sản và tính mạng của người kê khai.

Đồng tình quan điểm này, ĐBQH Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay: Với tâm lý của nhiều cán bộ thì khi dành dụm tiết kiệm, kinh doanh mà có khối tài sản lớn nếu kê khai hết cũng sợ không được bảo vệ trước sự dòm ngó của kẻ gian. Không những lo sợ mất tài sản, người ta còn lo sợ đến cả sự an nguy của bản thân và gia đình. Đấy cũng là một vấn đề để bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của cán bộ công chức trong việc công khai tài sản.

"Tôi nghĩ cần phải có động thái, chẳng hạn, anh được cấp một miếng đất hay một cái nhà, đối chiếu với pháp luật hiện tại thấy không đúng thủ tục, không đúng tiêu chuẩn thì phải kiểm tra ngay, sẽ hiệu quả hơn là việc người ta kê khai ra, sau rồi để đấy. Thứ nhất là để lý giải rõ ràng nguồn gốc khối tài sản của những người khai trung thực để họ tránh được những điều tiếng "làm quan có tiền". Thứ hai là đưa ra ánh sáng những tài sản đang bị che giấu. Chúng ta cần phải làm thực chất", Đại biểu Bình nói.

Nói về việc một số quan chức đau đầu vì kê khai nhiều tài sản, một ĐBQH nhìn nhận: "Có ý kiến phải công khai khối tài sản cho mọi người biết, nhưng việc này cần phải thận trọng vì cũng có những hệ lụy nhất định. Chẳng hạn, ông này có nhiều tài sản, nhưng nhiều tài sản không nói lên được điều gì bởi vì đồng nghĩa việc tài sản minh bạch của người ta, mình không có quyền xâm phạm. Quan trọng là mình đi tìm nguồn gốc của những khối tài sản không minh bạch. Nên chăng, chỉ công khai hẹp trong phạm vi một cơ quan tổ chức. Nếu các cơ quan tổ chức quản lý tốt trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì cũng là quá tốt rồi".

Nhiều lãnh đạo đứng đầu kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển" nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay vẫn chỉ là hình thức. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, vấn đề kê khai tài sản thu nhập được xác định giải pháp trọng tâm trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề kê khai tài sản còn nhiều hạn chế trong đó có nhận thức, tính trung thực, tự giác của không ít người đứng đầu các đơn vị, cơ quan kê khai chưa đầy đủ, thiếu nghiêm túc. Ngoài ra, chế tài xử lý đối với những người kê khai gian dối chưa đủ mạnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời chất vấn ĐBQH tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

Đối với việc tài sản của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh, sau khi có thông tin của báo chí, với trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, chúng tôi chủ động yêu cầu ông Ngô Văn Khánh báo cáo trước Ban cán sự về nguồn gốc và quá trình kê khai tài sản của đồng chí từ năm 2007 đến nay. Qua nhiều lần kê khai tài sản của nhiều năm, đối chiếu lại thì ông Ngô Văn Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật.

Tin nổi bật