Thủng ngực, mất mũi, mù mắt, hủy dung dan... là những tai nạn thường thấy do tiêm filler để làm đẹp, nhưng số ca phải đi viện cấp cứu vì nguyên nhân này vẫn không hề giảm.
Trong vòng 15 năm gần đây người ta chỉ bàn đến ứng dụng của chất làm đầy (filler) trong lĩnh vực làm đẹp. Bản chất của tiêm filler là tiêm Hyaluronic Acid (HA)– là thành phần tự nhiên có trong da của người. Khi tiêm vào có tác dụng làm đầy như bơm mũi, độn cằm, chống hóp má, thái dương.
Tuy nhiên, biến chứng của tiêm filler làm đẹp không đơn giản như mọi người nghĩ.
Tai biến thủng ngực, mất mũi, mù mắt
Khoa Lazer, Bệnh viện Da liễu Hà Nội thường phải điều trị cho bệnh nhân bị tai biến vì tiêm filler ở cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo. BS. CKI, Trần Thị Thu Hương Phó khoa Lazer của bệnh viện cho biết tại khoa, tỷ lệ bệnh nhân đến để khắc phục hậu quả do chiếu tia lazer ở các cơ sở thẩm mỹ, spa rất nhiều, chiếm tới 30% số lượng bệnh nhân đến điều trị.
“Hầu hết những bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi khai thác tiền sử đều có chung tình trạng tiêm làm đầy ở những cơ sở mà người thực hiện không có chuyên môn. Họ đi làm đẹp, thực hiện việc tiêm này đều nghe theo người quen giới thiệu. Xu hướng ngày một gia tăng”, BS Thu Hương lo ngại cho Vietnamnet biết.
“Nhưng HA này nếu tiêm vào mạch máu tắc mạch. Khi đã tắc mạch sẽ gây hoại tử mô và tuỳ mức độ, sự hồi phục sẽ khó khăn”, BS Thu Hương nói và cho biết, bệnh viện đã gặp nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ xong bị hoại tử ở gốc mũi, ở đầu mũi. Có trường hợp tiêm filler để trẻ hoá da nhưng thay vì da căng mọng lại tạo thành những sẩn cục ở trên mặt. Tại khoa đã từng phải điều trị cho một phụ nữ thủng ngực, mất mũi chỉ vì tiêm filler không đúng cách.
Những tai biến kinh hoàng của việc tiêm filler làm đẹp. Ảnh: Vietnamnet |
BS. Hoàng Cương - BV Mắt TW cho biết - có đợt bệnh viện liên tiếp gặp phải những bệnh nhân đến khám cấp cứu vì mắt mù sau tiêm filler tại một spa tư nhân. Như trường hợp của N.T.L. 25 tuổi cho biết, cô tiêm filler để làm đẹp vùng sống mũi và quanh mắt. Một mũi tiêm làm mắt phải mờ tịt, đau chói. Do ở xa trung tâm nhãn khoa nên phải sau 3 ngày bệnh nhân mới đến khám. Mắt phải xẹp, đầy máu và chất tiêm trong nội nhãn, xẹp tiền phòng. Xung quanh mắt là hốc mắt sưng nề, tụ máu do các mũi tiêm khác. Nhiều khả năng một mũi tiêm đã tấn công xiên thủng nhãn cầu, gây mất chức năng và chảy máu trong mắt, mắt bị mất chất dịch bên trong qua lỗ thủng nên mềm xèo.
Một bệnh nhân khác may còn giữ lại được chút thị lực do filler chỉ gây tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc nhưng có người lại không được may mắn như vậy. Các đồng nghiệp phía Nam của Bs Cương đã gặp hai trường hợp mù mắt sau tiêm filler vùng quanh mắt. Đây là biến chứng hiếm nhưng cực nặng. Với thông tin và hình ảnh có được qua các trang mạng có thể thấy biến chứng xuất huyết hốc mắt, chèn ép thị thần kinh và tắc mạch võng mạc sau đó đã làm mù một bệnh nhân.
Tại Mỹ cũng đã gặp những trường hợp mù do chất filler di chuyển gây tắc động mạch mắt, kèm theo cả nhồi máu não.
Da mặt loang lổ vì tiêm filler
Một trong những biến chứng về da khác mà BS Hương cũng đã gặp rất nhiều trong quá trình khám chữa bệnh đó là tăng, giảm sắc tố da trên cùng bề mặt sau điều trị lazer tại các sapa, cơ sở thẩm mỹ.
Một bệnh nhân bị mù mắt vì tiêp filler làm đẹp. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống |
“Có trường hợp sau một đợt điều trị lazer để đẹp hơn cho da mặt trắng sáng hơn thì trở nên sạm đen đi. Lại có trường hợp giảm sắc tố. Nghĩa là trên nền thì sạm đen nhưng lại có nhiều đốm trắng rải rác khắp mặt giống như bánh đa vừng đen hoặc những đốm trắng trên nền da đen.
Nguyên nhân là do người thực hiện sử dụng tia lazer với mức năng lượng không phù hợp với bệnh nhân, có thể có những trường hợp dùng quá mạnh gây ra tình trạng mất sắc tố.
Việc phải chữa cho những trường hợp bị giảm sắc tố (mất sắc tố) thực sự rất khó khăn, nếu được thì cũng phải mất 6 tháng mới trở về gần như cũ. Nhiều trường hợp tổn thương không thể phục hồi- gương mặt trở nên vô cùng mất thẩm mỹ với những đốm đen trắng khắp mặt”, BS Thu Hương cảnh báo.
Trên thực tế, hiện tại các cơ sở thẩm mỹ dùng máy chiếu lazer rất nhiều để làm đẹp da, kể cả những kỹ thuật viên cũng đi chiếu chứ không phải bác sĩ. Đây là một điều mà theo BS Thu Hương cực kỳ nguy hiểm. Bởi ngay cả bác sĩ nếu không được học bài bản về lazer, về da liễu - thì rất dễ gây biến chứng cho khách hàng.
Theo các bác sĩ, những tai biến do làm đẹp, cụ thể là tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng. Chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo xấu vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Đề phòng tai biến do tiêm filler bằng cách nào?
Chị em cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định tiêm filler làm đẹp. Ảnh minh họa |
Người tiêm phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Tại mắt, chúng tôi xin nhấn mạnh:
Phải luôn hút thử seringue trước khi tiêm phòng khi tiêm vào mạch máu, đây là điểm sống còn.
Khi tiêm có thể pha loãng, trộn với thuốc tê và thuốc co mạch để giảm đau, chống chảy máu.
Hạn chế thể tích thuốc bơm vào cơ thể tối đa.
Bơm từ từ, không căng quá.
Người dùng nên biết: phải chọn cơ sở uy tín, người tiêm được đào tạo tốt và filler có xuất xứ đáng tin cậy để yên tâm hơn.
Để tránh những biến chứng không đáng có trên khuôn mặt, BS Thu Hương khuyến cáo chị em cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định thực hiện bất kỳ một liệu pháp làm đẹp nào.
Minh Khôi (T/h)