Nguyễn Hoàng Ngân tiết lộ bí quyết "ghi điểm" với nhà phỏng vấn ở Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) để được nhận vào thực tập trong mùa hè này.
Nguyễn Hoàng Ngân từng trúng tuyển đại học Pitzer với học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng. |
Sinh năm 1998, mới 22 tuổi nhưng Nguyễn Hoàng Ngân đã thực hiện rất nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Dự án xe lăn vượt địa hình cho người khuyết tật (giải Ba Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2016 tại Mỹ) là bước ngoặt giúp Hoàng Ngân chinh phục học bổng trị giá 6 tỉ đồng của trường đại học Pitzer College.
Là học sinh lớp chuyên toán của ngôi trường chuyên nổi bật nhất tại Việt Nam với nhiều cơ hội vào các trường đại học tốp cao nhưng Hoàng Ngân không ngại lựa chọn "nghỉ giữa hiệp" sau khi tốt nghiệp THPT, dành ra một năm để chuẩn bị cho con đường du học.
Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, Hoàng Ngân đã ứng tuyển vào hơn 32 trường đại học tại Mỹ và đậu học bổng nhiều trường tốp cao như Franklin & Marshal College, Washington and Lee University, University of Minnesota Twin Cities, Pitzer College Whitman College… Cuối cùng Hoàng Ngân lựa chọn học trường đại học Pitzer College với học bổng toàn phần lên đến 6 tỉ đồng.
Sau khi học tại trường đại học Pitzer College một học kỳ, Nguyễn Hoàng Ngân đã quyết định chuyển sang trường đại học Harvey Mudd College (Mỹ) học hai chuyên ngành song song là toán học và vật lý học, là bước đệm để Hoàng Ngân dự tuyển thực tập tại NASA.
Tuy nhiên, tại NASA không có nhiều cơ hội thực tập cho mảng vật lý lý thuyết, Hoàng Ngân cần tìm kiếm và nắm bắt cơ hội chuẩn xác. May mắn là thầy cố vấn giới thiệu Hoàng Ngân tới một thầy đang làm việc cho NASA. Và sau khi được mời tham gia phỏng vấn với những câu hỏi thẳng thắn, Ngân đã được nhận vào thực tập, đây cũng là vòng thi duy nhất.
Chia sẻ về lý do thuyết phục được nhà tuyển dụng ở NASA Nguyễn Hoàng Ngân cho biết chó 4 yếu tố chính: "Thứ nhất là kinh nghiệm làm nghiên cứu của em. Một dự án về mathematical modeling (mô hình toán học) năm nhất ở trường, và một dự án vật lý hạt tại SLAC National Accelerator Laboratory, Đại học Stanford.
Thứ 2 là phong cách làm việc chuyên nghiệp. Người cố vấn của em cũng chính là supervisor (người điều hành) của em trong 2 năm liên tục làm nghiên cứu ở SLAC.
Em đã xây dựng được mối quan hệ công việc chuyên nghiệp cũng như sự tin tưởng của thầy. Đó là lý do thầy giới thiệu em vào chương trình này.
Và cuối cùng là những lớp học nâng cao (elective course) mà em lấy bao gồm những mảng kiến thức cần thiết cho dự án ví dụ như: quantum information, field theory, solid state physics, particle physics, general relativity (những lớp không bắt buộc)."
Thanh Tùng (T/h)