(ĐSPL) - Sau khi “hiện tượng” Flappy Bird bị chính “cha đẻ” Nguyễn Hà Đông gỡ xuống, các “bản sao” của trò chơi này lập tức đánh chiếm “top 10” của các kho ứng dụng.
|
Splashy Fish chỉ khác Flappy Bird về mặt hình ảnh |
Hà Đông đã lý giải việc gỡ Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng vì nó là một trò chơi gây nghiện và ảnh hưởng không tốt tới tâm lý người chơi, nó cũng khiến cho cuộc sống của anh bị đảo lộn khi anh “bỗng dưng” trở nên nổi tiếng. Nguyễn Hà Đông đã đưa ra một quyết định dũng cảm bởi khi đó Flappy Bird đang đem lại cho anh một khoản lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, ngay khi Flappy Bird bắt đầu trở thành “hiện tượng”, hàng trăm nhà phát triển ứng dụng đi động đã “sao chép” trò chơi của Hà Đông. Sau khi “nguyên bản” Flappy Bird được gỡ xuống, các “bản sao” này ngay lập tức trở thành “hàng hot” vì có hàng triệu người dùng ham mê Flappy Bird muốn cài đặt để trải nghiệm trò chơi thú vị này.
Hiện nay Splashy Fish, một phiên bản “Flappy Bird nhái” chỉ thay đổi hình ảnh đồ họa, đang là ứng dụng “hot nhất” của App Store, Sau khi Flappy Bird được gỡ xuống, trò chơi của nhà phát triển người Italia Massimo Guareschi chỉ mất 15 giờ để đánh chiếm vị trí dẫn đầu của App Store.
Đây thực sự là một điều đáng ngạc nhiên và thật kinh hoàng!
4/10 trò chơi đang đứng đầu kho ứng dụng của Apple là “Flappy Bird nhái”, chưa kể đến hàng trăm ứng dụng “nhái” Flappy Bird đã bị Google và Apple gỡ bỏ. Phần còn lại của “top 100” cũng đầy dẫy “hàng nhái” của những “tên tuổi lớn” như Candy Crash và Clash of the Clans.
Trước đây, việc các công ty lớn như Zynga hay King “đạo” lại các trò chơi của các công ty nhỏ khác không phải là chuyện hiếm gặp, bản thân Candy Crash là “phiên bản kẹo” của Bejeweled. Nhưng trong trường hợp của Flappy Bird chúng ta đã nhìn thấy tình trạng “hôi của”, hàng trăm ứng dụng “ăn theo” Flappy Bird đã đổ bộ App Store và Google Play Store chỉ trong một thời gian ngắn, một tình trạng trước nay chưa hề xảy ra.
|
4/10 ứng dụng đứng đầu App Store là "hàng nhái" của Flappy Bird |
Việc bỗng dưng xuất hiện một “người anh em từ trên trời rơi xuống” là tình trạng rất phổ biến trên thị trường ứng dụng di động, đây là lý do chính khiến các nhà sản xuất game lớn trên thế giới không muốn phát triển sản phẩm cho thiết bị di động. Bởi việc “học theo” một video game hay game PC là một điều rất khó vì chi phí bỏ ra rất lớn và sự bảo vệ của luật cạnh tranh. Ngay cả Activision cũng không có cách nào để trong vài tuần có thể làm ra được một game “TitanX” nào đó giống với Titanfall mà EA mới ra mắt, nhưng một nhà phát triển tầm trung chỉ mất 3 ngày để tạo ra một “con chim lòe loẹt” nào đó giống với Flappy Bird.
Phần lớn những trò chơi, đặc biệt là những trò chơi thành công rực rỡ, trên nền tảng di động đều là những trò chơi rất đơn giản và cực kỳ dễ “làm nhái”. Từ Fruit Ninja, Angry Bird, Candy Crash đến Flappy Bird. Không ai muốn điều này xảy ra. Google và Apple đã thực hiện mọi nỗ lực để ngăn chặn tình trạng “sao chép” trọng vụ “hôi của” Flappy Bird, và với cả những ứng dụng khác, nhưng mọi chuyện dường như không hề khá hơn. Cách duy nhất để bạn tự bảo vệ mình là phải cực kỳ thành công hoặc phải có tiềm lực đủ mạnh để loại bỏ “hàng nhái” bằng con đường pháp lý.
Thị trường ứng dụng di động giờ đây thực sự hỗn loạn khi “hàng nhái” lấn át tất cả. Nhập một từ khóa vào khung tìm kiếm bạn nhận được cả chục ứng dụng tương tự nhau. Nền tảng di động là “mảnh đất màu mỡ” cho sự sáng tạo, nhưng không phải là nơi có thể “nuôi dưỡng” những sáng tạo đó. Điều đó thực sự cần phải thay đổi ngay từ bây giờ.
Đức Thọ
Theo Forbes