Trong màn gọi vốn của startup Ê đê Café trên Shark Tank Việt Nam mùa 6, nhà sáng lập Y Pốt Niê đã thử thách dàn "cá mập" nếm và đoán các dòng cà phê khác nhau. Trong khi những nhà đầu tư khác vẫn đang nhâm nhi ly cà phê, Shark Phạm Thanh Hưng đã nhanh chóng chỉ ra đâu là cà phê robusta, đâu hạt arabica, được trồng ở độ cao bao nhiêu.
Không chỉ vậy, Shark Hưng còn tinh ý nhận ra được ly cà phê có vị đậm đà, mùi khói của Đắk Lắk. Màn thể hiện ngắn của Shark Hưng cũng khiến nhà sáng lập phải bất ngờ. Cũng trong màn gọi vốn này, vị "cá mập" tiết lộ lý do có hiểu biết sâu sắc về cà phê đến bởi ông là cổ đông của một doanh nghiệp trong ngành - Cà phê Mê Trang, thông tin trên chuyen trang An ninh tiền tệ.
Shark Hưng là cổ đông của Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang.
Theo báo Dân trí, tiền thân của Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang là Công ty TNHH Cà phê Mê Trang, được thành lập từ năm 2000 tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thời gian thành lập chỉ sau thương hiệu cà phê Trung Nguyên khoảng 4 năm.
Hiện Công ty cổ phần cà phê Mê Trang hiện có vốn điều lệ 68 tỷ đồng.
Người sáng lập thương hiệu Cà phê Mê Trang là ông Lương Thế Hùng (sinh năm 1972). Vào thập niên 90, ông Hùng mở một cơ sở sản xuất cà phê nhỏ mang tên Thế Hùng. Về sau, cơ sở này chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH. Ông Hùng hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Cà phê Mê Trang.
Năm 2007, doanh nghiệp này khánh thành nhà máy sản xuất cà phê đầu tiên. Sang năm 2008, công ty mở quán cà phê sạch đầu tiên tại TP.Nha Trang. Đến năm 2015, thương hiệu cà phê đã mở được 300 quán trên cả nước theo mô hình nhượng quyền thương hiệu.
Đơn vị này hiện triển khai 3 mô hình nhượng quyền với mức đầu tư từ 50 triệu đồng đến 5 tỷ đồng tùy vào quy mô, trang thiết bị. Ngoài phục vụ thị trường nội địa, công ty này còn xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Mê Trang là Liên Bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á. Bên cạnh xuất khẩu sản phẩm truyền thống, công ty còn nhận những hợp đồng gia công theo đơn đặt hàng của đối tác với hình thức OEM (Original Equipment Manufacturing), Private Label,…
Tại thị trường trong nước, thương hiệu này cũng đã có mặt trên kệ của các chuỗi siêu thị lớn như Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Vinmart+,... Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đang phát triển kênh TMĐT, với nhiều mặt hàng có lượt mua lên tới vài nghìn đơn.
Mới đây nhất, ngày 30/12/2023, Cà phê Mê Trang đã tổ chức vinh danh và giới thiệu sản phẩm Ocean Blue - sản phẩm Công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.
Ngoài bán lẻ, Mê Trang còn lấn sân vào ngành F&B, mở mô hình quán cà phê theo hình thức nhượng quyền với các quy mô khác nhau, bao gồm: cửa hàng lớn có vốn đầu tư khoảng 1-5 tỷ đồng, quy mô trung bình có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng và mô hình kiosk với 50-150 triệu đồng vốn ban đầu. Theo Mê Trang, doanh nghiệp này đã đầu tư và phát triển dự án 300 quán cà phê trên toàn quốc. Từ năm 2022, Mê Trang tiếp tục đặt kế hoạch đưa vào hoạt động trong thời gian tới số lượng 500 kiosk trên toàn quốc thông qua hợp tác với các đối tác lớn như các tập đoàn xăng dầu, chuỗi siêu thị. Tuy nhiên số của hàng hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn, tập trung chủ yếu tại Nha Trang.
Về kết quả kinh doanh, theo thông tin từ báo Khánh Hòa, trong giai đoạn 2015 - 2020, Cà phê Mê Trang ghi nhận doanh thu đạt hơn 401 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 19,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 10 tỷ đồng. Từ 2020 - 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng 15%, lợi nhuận tăng 10%, giá trị xuất khẩu tăng 10%, thu nhập người lao động tăng 10%.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có mục tiêu IPO trong giai đoạn 2022 - 2027.
Vân Anh (T/h)