(ĐSPL) - Theo luật sư, nếu không có cá nhân, tổ chức nào chứng minh được thiệt hại xảy ra do hành vi mua bán trái phép tài khoản thẻ tín dụng của bị cáo, thì khi đó Toà án, cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 41 BLHS quy định về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan tới tội phạm để sung công quỹ.
Chiều 31/10, TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận một phần yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên giảm cho Văn Tiến Tú (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) 2 năm tù về các tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet và Tổ chức đánh bạc. Liên quan đến vụ án, 13 bị cáo nhận mức án từ 1 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 4 năm tù.
Theo HĐXX, Tú đã khắc phục toàn bộ 56 tỷ đồng thu lợi bất chính, cũng như nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng. Đây là số tiền đặc biệt lớn do đó cần giảm cho bị cáo một phần hình phạt. Một số bị cáo cũng đã khắc phục thiệt hại và có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được tòa cho hưởng án treo.
Dư luận đặt vấn đề, liệu số tiền 56 tỷ đồng mà Tú nộp lại để khắc phục hậu quả sẽ trả lại cho “người bị hại” hay sẽ sung công quỹ?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty luật Dragon, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, về nguyên tắc, biện pháp khắc phục hậu quả bằng tiền được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 điều 46 BLHS, điều này cũng được Hội đồng thẩm phán hướng dẫn cụ thể tại nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006.
Hình minh họa- Ảnh: Internet |
Số tiền khắc phục hậu quả sẽ được được dùng để chi trả cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Thiệt hại này có thể là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần hoặc tổn hại về uy tín, danh dự.
Tuy nhiên khi các cá nhân, tổ chức muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải có nghĩa vụ chứng minh mình là người bị thiệt hại từ hành vi vi phạm pháp luật của người gây ra thiêt hại. Thiệt hại này có thể là thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại gián tiếp. Nếu những thiệt hại này có căn cứ thì Toà sẽ dựa vào đó buộc cá nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định.
Luật sư Long phân tích, trong vụ án trên, việc xác định người bị hại không đơn giản bởi bị cáo đã mua hàng triệu tài khoản thẻ tín dụng của người nước ngoài từ các hacker và bán lại cho các cá nhân khác để lấy tiền chênh lệch. Do vậy, hành vi này không phải là hành vi trộm cắp tài sản của người khác. Đây là hành vi mua bán thông tin thẻ tín dụng. Giả sử có thiệt hại xảy ra thì thiệt hại này là thiệt hai gián tiếp do ảnh hưởng tới uy tín của ngân hàng cấp ra những thẻ tín dụng này. Bị cáo không phải chịu thiệt hại do việc thất thoát tiền trong thẻ tín dụng của các cá nhân bởi bị cáo không rút tiền trái phép từ thẻ.
“Do vậy, nếu các ngân hàng nước ngoài chứng minh được mình đã bị thiệt hại do hành vi của bị cáo gây ra thì họ có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại đối với ngân hàng đó.
Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc công ty luật Dragon, đoàn luật sư Hà Nội. |
Trong trường hợp không có cá nhân, tổ chức nào chứng minh được thiệt hại xảy ra do hành vi mua bán trái phép tài khoản thẻ tín dụng của bị cáo, thì khi đó Toà án, cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 41 BLHS quy định về việc tích thu vật, tiền trực tiếp liên quan tới tội phạm để sung công quỹ” – luật sư Long nhấn mạnh.
Theo nội dung vụ án, Tú ra nhập diễn đàn của thế giới ngầm năm 2009. Nam thanh niên sau đó thành lập nhóm "Mattfeuter" chuyên mua thông tin thẻ tín dụng (gọi tắt là CC) từ các hacker khác đánh cắp được của người Anh, Mỹ... rồi bán lại kiếm lời.
Tú thuê gần chục nhân viên chủ yếu là người khuyết tật, sinh viên mới ra trường, đào tạo cho họ cách thực hiện giao dịch. Nam thanh niên lập nick cho Lê Văn Kiều và phân công người này đặt mua CC từ các hacker, còn những nhân viên khác có nhiệm vụ kiếm khách để bán lại. Mỗi CC được nhóm của Tú mua với giá 0,6-6 USD sau đó bán từ 1 USD đến 30 USD.
Tú lập Công ty CP ôtô Toàn Cầu để hợp thức hóa nguồn tiền mua bán CC từ nước ngoài và thỏa thuận với các đại lý của ngân hàng để làm kênh nhận tiền, nói với họ là tiền công từ việc thiết kế website.
Hành vi của Tú và đồng phạm bị cơ quan chống tội phạm nguy hiểm có tổ chức - Vương quốc Anh (SOCA) phát hiện năm 2009. Đơn vị này cùng với nhà chức trách Mỹ đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) Việt Nam điều tra. Do Tú không lộ diện, mọi giao dịch đều do nhân viên thực hiện nên phải mất hơn hai năm sau, cơ quan điều tra mới xác định được kẻ cầm đầu và triệt phá.
Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền thu lợi bất chính mà Tú và đồng bọn chiếm được từ việc mua bán thông tin thẻ tín dụng là hơn 61 tỉ đồng, trong đó Tú hưởng hơn 56 tỉ.
Số tiền thu lợi bất chính Tú dùng để chi trả cho nhóm, mua sắm nhiều biệt thự, nhà ở trung tâm quận 1, 2, và nhiều chiếc xe trị giá hàng chục tỉ đồng như Porsche, Mercedes 65, Chrysler... cùng nhiều tài sản giá trị.
Ngoài ra, Tú móc nối với nhiều người đứng ra làm quản lý cho trang mạng đánh bài trực tuyến ibet888.com. Tú còn lập nhiều tài khoản khác cung cấp cho những người đánh bạc trực tuyến, chỉ đạo đồng phạm làm nhiều chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng làm kênh chuyển tiền đánh bạc. Tú được xác định thu lợi cả tỉ đồng từ việc tổ chức đánh bạc qua mạng.
Điều 41 BLHS năm 1999 quy định về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, như sau: “1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. 2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. 3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước”. |
Tiểu Phương (ghi)
Xem thêm video:
[mecloud]Yab8pK6fkv[/mecloud]