Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà thành nhớ... Tết xưa

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Hà Nội càng phát triển thì những cái Tết cổ truyền ngày càng có dấu hiệu mai một đi. Tết ở Hà Nội giờ thiêu thiếu một cái gì đó...

(ĐSPL) - Hà Nội càng phát triển thì những cái Tết cổ truyền ngày càng có dấu hiệu mai một đi. Tết ở Hà Nội giờ thiêu thiếu một cái gì đó...

Đây không chỉ là nhận xét của những người ở nơi khác đến Hà Nội mưu sinh mà nó còn là tâm trạng của rất nhiều người Hà Nội gốc!

Tết xưa, nay còn đâu?

Tết cổ truyền hiện nay, những cái thể hiện một phong tục truyền thống như: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh... dường như đã... biến mất. Tết xưa chỉ còn trong lời kể của các bà, các mẹ đã lớn tuổi cho con cháu mình nghe vào đêm Giao thừa để hoài niệm, để nhung nhớ.

Hà Nội phát triển, thịt mỡ giờ người ta cũng kiêng ăn vì sợ béo phì, sợ gút và... sợ những cái liên quan đến sự vắn số của con người. Dưa hành, một món ăn truyền thống, giúp tiêu hóa, xưa các bà, các mẹ chuẩn bị trước cả tháng thì giờ chỉ cần bốc điện thoại lên gọi là được phục vụ đến tận cửa.

Đã hết rồi cái cảnh những bàn tay gái đảm chọn rau dưa để về mà chuốt rửa, phơi nắng hanh của cái cữ độ cuối Đông, đầu Xuân rồi trổ tài muối, ghém cho chồng con ăn... Bánh chưng ư, lá, lạt cũng đã thành... dĩ vãng rồi.

Chỉ sau chưa đầy 60 năm, những hình ảnh chợ tết thế này chỉ còn tìm thấy trên sách báo, phim ảnh!

Chỉ cần nhấp chuột một cái, mươi, mười lăm phút sau là gia chủ đã có thể bóc lá, cho lên đĩa. Hà Nội bây giờ, còn mấy nhà thức đêm để trông nồi bánh sôi sùng sục. Những việc “cực nhọc” đó, giờ đã có những cơ sở dịch vụ ăn uống lo trọn gói từ A đến Z. Thế mới có chuyện nhiều đứa trẻ ăn bánh chưng ngây thơ hỏi bánh chưng làm từ cái gì và làm như thế nào...

Hà Nội phát triển, nhà cao tầng mọc lên nhiều hơn, đô thị hiện đại hơn, văn minh hơn nhưng cũng mất đi nhiều thứ hơn. Ngược thời gian khoảng hơn chục năm trước thôi, cũng đã khác lắm rồi. Ngày cụ Tô Hoài còn phơi phới, cặm cụi ngồi bên ô cửa sổ vùng Nghĩa Đô “thai nghén” tác phẩm để đời “Dế mèn phiêu lưu ký”, thì Tô Lịch trông thơ mộng lắm, nước không đen ngòm như bây giờ. Nghe nói ngày ấy, ngồi trong nhà viết văn mà cụ Tô Hoài còn đón được cả những luồng gió mát từ sông Tô thổi đến, mang theo cả mùi ngái của con nước, của cá tôm và bùn phèn...

Ngày ấy, gần chỗ cụ Tô Hoài ở, sông Tô Lịch mênh mang, kéo dài từ Hồ Tây, chảy ngang qua làng Cót, làng Mọc. Sông Tô thời ấy rộng lắm, để đi lại có cả chục bến đò ngang được hình thành. Mé chếch phía đông khu Nghĩa Đô mà cụ Tô Hoài sống bây giờ còn nổi tiếng với khu chợ được coi là cổ nhất, tấp nập nhất; theo kiểu nhất cận thủy, nhị cận giang ấy: Chợ Bưởi.

Chợ Bưởi được hình thành ở nơi ngã ba do sự hợp lưu của sông Tô Lịch và sông Thiên Phù. Giờ tôi cũng chẳng biết con sông mang tên Thiên Phù ấy ở đâu, biến dạng và mất tích từ lúc nào rồi! “Chợ Bưởi tháng họp 6 phiên. Ngày 4 tháng 9 cho duyên đèo bòng”. Đã có rất nhiều mối tình, lương duyên được nhen nhúm từ đây, ở các phiên chợ, nhất là chợ tết. Không chỉ là ngày 4 tháng 9 mà chợ Bưởi còn là phiên chợ nổi tiếng vào những dịp giáp tết.

Phút hoài niệm…

Tết, những bến đò đông nghịt người! Tre, giang, lá, măng... đặc sản của các vùng Tây và Đông Bắc đã tụ hợp, cắt đường từ sông Cái về đây. Người chen người, chân chen chân; trẻ theo mẹ, theo già đi chợ tết. Từ đây, mọi thứ đặc sản qua sự lựa chọn kỹ càng theo chân các bà, các mẹ về với từng gia đình.

Gói bánh, luộc bánh bên sông Tô Lịch của các gia đình là một hình ảnh rất đỗi làng quê Việt chỉ còn thổn thức một thời với người dân đất kinh kỳ. Tết truyền thống ở Quảng An, nơi trắng ngần những bắp chân thon của các cô thôn nữ một thời ra hồ rửa lá, đãi gạo, gói bánh giờ đây đã nhanh chóng bị các ngõ phố, các nhà cao tầng “nuốt” mất.

Sự tất bật của những ngày giao thời giữa cũ và mới của một năm cũng không làm cho một vị lãnh đạo quên đi sự phát triển của phường mình. Ông bảo: “Phường tôi giờ có tới 50 quốc tịch chọn làm nơi sinh sống. Đấy là người nước ngoài thôi, chứ cụ thể mà tính thì hiện nay, cả Tây lẫn ta đã có cả trăm thứ hộ khẩu mọi vùng miền”.


Chẳng tự hào như vị lãnh đạo phường, bố của bạn tôi, là xã viên thời xa thẳm của Hợp tác xã có tên là Nông ngư nghiệp Toàn Thắng thì chặc lưỡi: “Đổ xô về mua nhà, mua đất. Mỗi người về, đem về một phong cách, “quan điểm” sống khác nhau, thế là tính cộng đồng của người gốc gác bị “phá” đi. Đường làng ngõ xóm cứ ngày bị thu hẹp thành các ngõ phố bé tin hin. Cuộc sống phức tạp hơn, tường rào cao và chắc hơn, lại cửa đóng then cài nữa.

Khó mà làm quen, khó mà chào hỏi. Bọn tôi giờ cứ thui thủi với 4 bức tường”. Nói chuyện Tết, ông lại hoài niệm và tiếc nuối: “Tết giờ là thủ tục thôi. Chả còn có thú vị và ý nghĩa thực sự nữa. Mọi thứ, chỉ cần có tiền, ra chợ là có hết”.

Rồi ông lại rầu rầu chuyện của 2 năm trước, ấy là khi ông định “dối già” bằng việc tổ chức một cái tết truyền thống để con cháu sum vầy. Ông tự mình làm lấy, tự mình lo tết cho gia đình nhân dịp cậu trai đầu lòng đưa vợ con đang định cư ở nước ngoài về Việt Nam ăn Tết. Để cho lũ cháu Việt và lũ cháu nửa Tây nửa ta biết cái giò, miếng bánh chưng ra sao, ông cặm cụi đi kiếm lá, kiếm lạt.

Tất bật mất cả tuần giời, ông mới kiếm được đôi ống giang và vài chục lá dong mạn ngược. Rồi cha con, ông cháu tất bật rửa lá, chẻ lạt, gói bánh. Kiếm chỗ khuất tin hin còn lại sau nhà, chiều 30, ông cùng cháu con “nổi lửa” để “trông bánh chưng chờ rạng sáng”.

Lửa liếm đáy nồi, khói bếp lan tỏa, nồi bánh lục ục sôi, đang say sưa kể chuyện tết cổ truyền cho mấy đứa cháu thì cũng là lúc chuông cửa reo. Mấy anh trật tự phường xuất hiện vì ông Tây sống cạnh bên thấy bên nhà ông củi lửa mà hoảng hồn vì sợ cháy và kêu điện thoại đến phường. Chẳng phải chuyên gia về việc xử lý khói lửa, vậy nên nồi bánh của nhà ông cũng vì cái sự cố này mà chả ngon lành được. Ông bảo, giờ cuộc sống của mình là của cộng đồng rồi. Muốn cũng chả được nữa.

Xóm Hậu, cái tên man mác thân thương ấy giờ đã bị cái tên phường Dịch Vọng Hậu hiện đại thay thế. Ngày xưa, đầu những năm 90 của thế kỷ XX thôi, đường chạy qua khu này chưa được đặt tên là Xuân Thủy.

Người ta chỉ dân dã gọi là km 8 Quốc lộ 32 thôi. Ngày ấy, từ Học viện Báo chí giờ xuống trường đại học Ngoại Thương là cả một cánh đồng mênh mông, dân chỉ độc trồng lúa nếp truyền thống để cung cấp nguyên liệu cho làng đặc sản Cốm Vòng. Ấy thế mà thoáng cái, chưa đầy 20 năm sau, giờ đã nhà cửa san sát.

Những sinh viên từng học ở đây giờ đã tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc, thậm chí vượt ra khỏi dải đất hình chữ S, giờ nếu có quay lại cũng không thể tìm ra “chốn xưa”... Đường phố, ngõ nhỏ tin hin, nhà cửa các loại san sát, sin sít lấn át cả rồi.

Ruộng chả còn để trồng lúa, vậy nên Cốm Vòng, đặc sản một thời nay tìm được cũng khó. Toàn cốm “giả cầy”, “giả quốc” khoác thương hiệu làng Vòng để bán cho khách thôi. Ngôi nhà bà Linh, nhân viên y tế trường tôi học cũ, có đến cả vài chục phòng cho học sinh nghèo trọ học với giá đôi trăm.

Bà cho thuê cũng chỉ để cho vui cửa vui nhà, dù dãy nhà của bà giờ lọt thỏm giữa các khu nhà cao tầng. Bà Linh vốn là người hoài cổ! Năm nào cũng thế, không tự mình gói, luộc lấy chục bánh để thắp hương, biếu người quen là bà không chịu được.

Vậy mà phố xá đổi thay, giờ, thay cho những tất bật những lá, những lạt, những đỗ, những gạo ngày nào là sự ngồi không của bà. Bà bảo, giờ có muốn giở nghề cũng chả có điều kiện. Lá dong, lạt buộc khó kiếm nhưng chuyện củi rả để đun nấu thì không dễ tìm. Mọi thứ lại đành ra phố thôi. Vài đồng bánh mua về, ít bánh cốm thắp hương cũng phải chạy lên tận phố Hàng Than để mua. “Sì sụp” vài bữa để cho qua cái ngày tết thôi.

Khu vực Thanh Trì bát ngát xa trông của cô bạn cùng học với tôi ngày nào giờ đây cũng bị cảnh phố hóa chen lấn. Đất đai qua mấy “cữ sốt” của đôi ba năm về trước đã “ăn” gần hết những ruộng rau, ruộng lúa phì nhiêu rồi. Cô bạn tôi, gia đình gia giáo, bố lính, mẹ giáo viên, Tết này “kiên quyết” bỏ phố lên quê chồng tận Phú Thọ để ăn Tết.

Hỏi, nó sườn sượt bảo, tết Hà Nội giờ buồn lắm! Làng nó nay phố lắm rồi, toàn nhà lạ, người lạ thôi. Nó đưa con về trên nhà chồng, hy vọng sẽ kiếm tìm và thức tỉnh cho lũ trẻ những cái Tết truyền thống! Tết Hà Nội buồn đã trở thành câu nói cửa miệng của không ít người. Và họ ít bị người ta vặn vẹo để tìm nguyên cớ vì ai cũng hiểu những cái truyền thống đang mai một dần!

SONG NGUYÊN – THÀNH NAM 

Tin nổi bật