Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội: Vành đai 2 thông xe, đường vẫn… tắc?

(DS&PL) -

Theo đại diện sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đường Vành đai 2 mới thông xe đã khiến đường Trường Chinh tắc càng thêm tắc chỉ là lượng ít không đáng kể.

Theo đại diện sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đường Vành đai 2 mới thông xe đã khiến đường Trường Chinh tắc càng thêm tắc chỉ là lượng ít không đáng kể, một phần do cách tổ chức giao thông mới nên người dân đi chưa quen.

Thông xe một đoạn ngắn nên tắc là hiển nhiên

Mới đây gần 2 km đường trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đi Ngã Tư Vọng được thông xe dành cho ô tô chạy với tốc độ 80 km/h, mục đích nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, tình trạng ùn tắc lại càng trở nên nghiêm trọng hơn, vào giờ cao điểm, lượng phương tiện ùn ứ kéo dài, thậm chí các phương tiện chen nhau lên tận vỉa hè, cảnh tượng giao thông càng hỗn loạn.

Áp lực ở 2 nút giao khiến đường Trường Chinh càng thêm hỗn loạn.

PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phỏng vấn ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội - để làm rõ câu chuyện này.

PV: Xin ông cho biết, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng sau khi đường Vành đai 2 được thông xe đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng?

Ông Cao Văn Hiệp: Sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, lượng phương tiện và người tham gia giao thông vào giờ cao điểm rất lớn. Các điểm từ đường Lê Trọng Tấn, Tôn Thất Tùng đều đổ về đường Trường Chinh. Đây đều là những khu vực có đông phương tiện lưu thông qua lại.

Về thông tin nói rằng, sau khi thông đường, tình trạng giao thông càng trở nên ùn tắc, tôi cho rằng một phần do người dân chưa quen cách tổ chức giao thông mới. Ví dụ hướng đi từ Tây Sơn quay về đường Trường Chinh, bình thường rẽ trái là tới nhưng bây giờ phải đi rẽ phải vào đường Láng rồi vòng ngược lại nên sẽ mất một ít thời gian. Nhưng lượng người tham gia giao thông theo hướng này rất ít, vấn đề chính ở đây là giải quyết nút giao cho tổng thể.

PV: Vậy thì đường Vành đai 2 thông xe đã chưa giải quyết được bài toán về tắc đường, ùn ứ đã xảy ra bao lâu nay ở đoạn Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng chỉ khoảng 1,9km, thưa ông?

Ông Cao Văn Hiệp: Nói là thông đường, nhưng chỉ có một đoạn ngắn, chính vì thế khi các phương tiện đi nhanh sẽ gây ùn tắc, áp lực cho 2 điểm nút giao là Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng, điều này là không tránh khỏi.

PV: Ngoài nguyên nhân ông nói là do mới thông một đoạn ngắn, thì còn lý do gì khiến câu chuyện tắc càng thêm tắc xảy ra mấy ngày qua không?

Ông Cao Văn Hiệp: Tôi nghĩ, ý thức người tham gia giao thông chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. Hiện nay, vẫn đang trong thời gian thí điểm, lực lượng CSGT chưa xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Theo quy định sau 7 ngày, việc xử lý vi phạm giao thông được thực hiện, cùng với việc có thêm hệ thống biển báo và hệ thống tín hiệu giao thông thì tình trạng ùn tắc sẽ ổn hơn.

Khi nào hết tắc?

PV: Có nghĩa là, phía sở GTVT đã có những phương án để giải quyết vấn đề ùn tắc nghiêm trọng này?

Ông Cao Văn Hiệp: Trong thời gian thí điểm 10 ngày, sở GTVT Hà Nội đã lập tức chỉ đạo điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên đường Trường Chinh, trước tiên là tổ chức lại giao thông ở 2 nút này.

Cụ thể, nút Ngã Tư Sở, chúng tôi tổ chức cho các hướng đi, một hướng đi từ Tây Sơn rẽ trái về Trường Chinh và đi thẳng về Nguyễn Trãi đã cấm, các phương tiện phải rẽ phải, đi cắt qua đường Láng rồi vòng ngược lại. Qua 3 ngày, nút giao thông tại Ngã Tư Sở tương đối ổn định, cơ bản đã khắc phục được tình trạng ùn tắc kéo dài.

Đối với nút giao thông Ngã Tư Vọng, các đơn vị liên quan đã xén giải phân cách giữa để mở rộng nút quay đầu trên đường Trường Chinh, đồng thời điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông ở nút ngã tư này.

Chúng tôi đã làm hết các giải pháp để giảm tải ùn tắc ở 2 nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở, đồng thời điều chỉnh lại đèn tín hiệu giao thông, tăng thêm 20 giây đèn xanh thay vì trước kia là 70 giây và giảm 20 giây đèn đỏ thay vì trước kia là 90 giây.

Đây là phương án tổ chức giao thông của sở GTVT Hà Nội, tuy nhiên trong 10 ngày thí điểm kể từ khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, sở GTVT vẫn tiếp tục theo dõi để điều chỉnh kịp thời.

PV: Phương án thí điểm này sẽ được thực hiện đến bao giờ và khi nào thì người tham gia giao thông không còn cảm thấy “nghẹt thở” vì tắc đường ở khu vực này, thưa ông?

Ông Cao Văn Hiệp: Khi giao thông đã ổn định hẳn thì phương án tôi đã nói ở trên sẽ thành phương án chính thức và cơ bản giải quyết được vấn đề ùn tắc ở đường Trường Chinh và thông xe đường trên cao Vọng - Mai Dịch. Mục tiêu là giảm tối thiểu sự ùn tắc kéo dài.

Chúng tôi đang cố gắng điều chỉnh 2 đến 3 nhịp đèn ở giờ cao điểm là người tham gia giao thông sẽ qua được luôn. Hơn nữa với cách tổ chức giao thông mới tại Vành đai 2, người tham gia giao thông đi từ Tây Sơn về Nguyễn Trãi và từ Nguyễn Trãi đi đường Láng, Trường Chinh bình thường, không có vấn đề gì.

Trong phương án xây dựng, hướng từ Vành đai 2 trên cao nối cầu Vĩnh Tuy chạy thẳng lên hết đường Vành đai 2, qua đường Láng và về tới Cầu Giấy, Võ Chí Công là mạch khép kín, hiện nay đang làm từng giai đoạn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Sau hơn 2 năm thi công, sáng 9/11, đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (Hà Nội) đã được thông xe, đưa vào sử dụng. Theo phân luồng giao thông, xe ô tô được phép lưu thông, cấm các phương tiện: Xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ. Đường Vành đai 2 trên cao là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1km, rộng 19m. Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2018-2020. Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách TP.

Lê Liên 

Bài viết được đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (46)

Tin nổi bật