Ngày 16/5, Công an TP.Hà Nội cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt khẩn cấp, tạm giữ Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Hữu Tuấn để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội đã triệt phá thành công chuyên án ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, địa chỉ số 1, LK 11, KĐT Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Sau gần 1 năm điều tra bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và đấu tranh với “hệ sinh thái” do Tiến và đồng bọn tự lập nên và thực hiện phương thức thủ đoạn mới để đối phó với các cơ quan chức năng.
Theo đó, Phạm Ngọc Tiến đã chỉ đạo Lương Thị Yến (là kế toán công ty) thành lập 17 công ty trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Thời gian đầu, Tiến nhập các loại thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất về phân phối trong nước, khi thấy thị trường phản hồi tốt, bán được nhiều hàng nên Tiến đã nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán.
Bản thân là dược sỹ nên Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang và đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, và thiết bị y tế...Các đối tượng vẫn duy trì việc nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài chỉ để lấy thương hiệu, đánh vào tâm lý người tiêu dùng và hợp pháp giấy tờ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Tiến còn mua nguyên vật liệu trong nước rồi chuyển về xưởng sản xuất hàng giả do Tiến thành lập tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và thành lập Công ty in Âu Việt tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc để in màng nhôm phục vụ ép vỉ sản phẩm. Các loại vỏ lọ Nguyệt đặt mua trên mạng, các loại vỏ hộp Nguyệt chuyển bản thiết kế để đặt in của các cơ sở in tại thành phố Hà Nội.
Thông tin trên các vỏ hộp được in bằng tiếng nước ngoài thể hiện hàng hóa xuất xứ từ nước ngoài. Tem nhãn phụ được Tiến và Nguyệt thuê người dán tại xưởng Hưng Yên và kho hàng tại địa chỉ 114 Xa La, Hà Đông, Hà Nội.
Lực lượng chức năng khám xét ổ nhóm của các đối tượng. (Ảnh: CACC)
Thời gian vừa qua, do các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất với nhau về việc tẩu tán hàng hóa để tránh bị kiểm tra. Tiến và Nguyệt đã chỉ đạo các nhân viên đưa hàng hóa đi cất giấu tại nhà mẹ đẻ của Nguyệt ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; cất giấu tại nhà mẹ đẻ của Yến và nhà người giúp việc tại Bắc Giang.
Khi phát hiện dấu hiệu phạm tội của ổ nhóm này, Phòng PC03 đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như trinh sát ngoại tuyến, trinh sát kỹ thuật, áp dụng biện pháp nghiệp vụ KT5, sử dụng cộng tác viên bí mật… Ngày 07/5/2025, Phòng PC03 đã phá án và đồng loạt tổ chức khám xét khẩn cấp gần 20 điểm liên quan đến ổ nhóm này là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa rải rác trên 20 tỉnh thành trong toàn quốc.
Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm thu giữ được: 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau). Các đối tượng khai nhận đã sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020, và bán trên tất cả các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc.
Tang vật của vụ án. (Ảnh: CACC)
Tất cả các nhãn mác trên sản phẩm này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài (Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ,..). Ngoài ra còn nhiều điện thoại, máy tính, ổ cứng các loại… Mở rộng xác minh xác định, các công ty của Tiến và Nguyệt đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. Phòng PC03 đã tổ chức thu hồi tại nhiều tỉnh thành với nhiều loại mẫu mã sản phẩm khác nhau.
Căn cứ hành vi của các đối tượng, Phòng PC03 đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với các đối tượng: Phạm NgọcTiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Hữu Tuấn.
Hiện, phòng PC03, Công an TP.Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ toàn bộ sai phạm của các đối tượng để xử lý nghiêm trước pháp luật.