(ĐSPL) - TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án “chống người thi hành công vụ” tại xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho cơ quan truy tố để làm rõ nhiều... uẩn khúc.
Trả hồ sơ...
Hồi cuối năm 2011, Uỷ ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội ban hành quyết định thu hồi 168.456m2 đất tại xã Hương Sơn để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường du lịch nối hai khu du lịch Hương Sơn (Mỹ Đức) với khu Tam Trúc – Khả Phong (thuộc tỉnh Hà Nam). Trong đó UBND huyện Mỹ Đức chịu trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trong quá trình thực hiện công tác GPMB, UBND huyện Mỹ Đức không ban hành quyết định thu hồi đất đến nhiều hộ gia đình có đất nằm trong diện giải tỏa để thực hiện dự án. Thấy lạ với cách làm của chính quyền sở tại, rất đông người dân (tập trung chủ yếu ở xã Hương Sơn) đã khiếu nại. Tuy nhiên, cấp huyện này vẫn cho rằng mình đúng và tiến hành thực hiện cưỡng chế vào ngày 12/7/2013, trong khi những khúc mắc của người dân vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Viện dẫn từ bản cáo trạng của VKSND huyện Mỹ Đức cho thấy, trước buổi GPMB một ngày, Đinh Văn Chính (người dân có liên quan đến việc thu hồi đất dự án ở thôn Đục Khê, xã Hương Sơn) đã đi mua 2 chiếc quan tài nhằm mục đích cản trở việc thi công công trình.
|
TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án “chống người thi hành công vụ” tại xã Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) cho cơ quan truy tố để làm rõ nhiều... uẩn khúc. (Ảnh minh họa). |
Ngày 12/7, khi đơn vị thi công đưa các phương tiện vào công trường bị một số người dân đứng ra chặn đường, không cho phương tiện vào và có lời to tiếng. CQĐT công an huyện đã tiến hành lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang đối với hai người là Lê Thị Thu và Trịnh Thị Nhung (cùng trú tại thôn Đục Khê, xã Hương Sơn).
Ngày 13/7/2013, cơ quan này cũng tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp đối với ông Chính. Trong khi ông Chính không có mặt tại buổi cưỡng chế. Ngoài những người trên, còn có 7 người dân khác (đều thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đều bị VKSND huyện Mỹ Đức truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”.
Mới đây, TAND huyện Mỹ Đức đưa vụ án ra xét xử, tuy nhiên, ngay trong buổi sáng cùng ngày, cấp tòa này đã quyết định trả hồ sơ vụ án về cơ quan truy tố sau khi nhận thấy nhiều điểm còn chưa được làm rõ trong vụ án.
Những điểm “mờ” khó hiểu
Luật sư Hoàng Ngọc Biên, Trưởng Văn phòng Luật sư Cát Tường (Hà Nội) cho rằng: Người được cho là thi hành công vụ khi người đó đã làm đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định nhưng bị người khác cản trở không cho làm hoặc ép buộc họ phải làm trái pháp luật thì mới xuất hiện tội phạm chống người thi hành công vụ. Nhưng trong vụ án này, xem ra đã có việc: “hình sự hóa các quan hệ pháp luật hành chính”.
Cũng theo luật sư Biên, pháp luật đã quy định, trong mọi trường hợp cho dù là đất giao cho hộ gia đình, cá nhân hay đất công ích đang có người sử dụng hay để thực hiện dự án đầu tư thì bắt buộc UBND cấp huyện đều phải ra quyết định thu hồi đất đó. Việc không ra quyết định thu hồi đất kể cả trong trường hợp đối với người sử dụng đất bất hợp pháp... cũng đều là thiếu xót trái pháp luật của chính quyền địa phương.
Đáng nói, sau khi tiếp cận hồ sơ, Luật sư bảo vệ các bị cáo cho biết, trước tòa cũng vạch rõ vấn đề mập mờ trong ban hành văn bản của Công an huyện Mỹ Đức. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Văn, Phó Trưởng Công an huyện Mỹ Đức chỉ được ông Trưởng công an huyện ủy quyền ký quyết định xử phạt hành chính từ ngày 28/8 – 3/9/2013. Thế nhưng, không hiểu sao, ngày 28/9/2013 (tức vượt thời hạn gần một tháng), ông Văn vẫn ký tới 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với nội dung giống nhau đến từng dấu phẩy. Trong khi đó, người dân lại khẳng định chưa một lần được nhìn “mặt”... quyết định xử phạt mình.
Một trong những căn cứ khác để cấp tòa yêu cầu cơ quan truy tố làm rõ là việc “bức cung” đối với bị cáo Lê Thị Thu (vợ ông Chính), mặc dù bà Thu đã làm đơn đề nghị được đi giám định thương tích sau khi bị cán bộ điều tra ép dung khiến bà phải dùng tự cắt tay phản đối. Nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan nào đứng ra giải quyết.
Điều khó hiểu nữa là cả hai vợ chồng ông Chính bà Thu đều bị bắt với bản cáo trạng nêu rõ cả hai đang có 3 con (lớn nhất SN 1996, nhỏ nhất năm 2001), vậy nhưng tuyệt nhiên các cơ quan pháp luật của huyện này lại không hề đề cập việc giám hộ. Tình tiết này càng khiến dư luận phải đặt câu hỏi về sự vội vàng trong việc “gói” hồ sơ vụ án cho mục đích hoàn thành dự án. Bản báo sẽ tiếp tục đi sâu làm rõ.
P.V