Theo VOV, tờ trình nêu rõ huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08km2, quy mô dân số đạt hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Trên địa bàn huyện có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm thành phố Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai; đặc biệt địa bàn huyện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13km - cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.
Hà Nội tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh với 24 phường. Ảnh:Vneconomy
Về địa giới hành chính của huyện Đông Anh, phía Đông giáp TP Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía Tây huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía Nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.
Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ nội dung tờ trình vừa được thông qua cho biết, việc thành lập quận Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc thủ đô.
Cụ thể, hiện huyện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan...).
Thông báo lịch cắt điện Hà Nội ngày mai (5/7) – Cập nhật mới nhất
Khi được thành lập, quận Đông Anh sẽ dựa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và sẽ có 24 phường gồm: Đông Anh (thị trấn Đông Anh), Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.
Sau khi tờ trình được thông qua, UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2023.
Phương Uyên (T/h)