(ĐSPL) - Trước tình hình ô nhiễm không khí từ các khu công nghiệp, làng nghề và từ chính người dân, từ tháng 12/2016, Hà Nội sẽ phát thông báo tình trạng môi trường không khí hàng ngày.
Tin tức trên báo Đầu tư, dự kiến vào đầu tháng 12/2016, TP. Hà Nội lắp đặt xong 10 trạm quan trắc tự động về môi trường, như vậy hàng ngày người dân sẽ được thông báo cụ thể về chỉ số quan trắc môi trường xung quanh mình đang sống.
Tại Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025” tổ chức sáng nay, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay việc cùng chung tay xây dựng định hướng phát triển cho nền kinh tế tăng trưởng xanh trong đó có môi trường xanh là nội dung rất cần thiết và bức thiết.
Hà Nội sẽ phát thông báo tình trạng môi trường không khí hàng ngày. |
Về thực trạng môi trường của TP. Hà Nội, liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường chất thải rắn, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có trên 7,5 triệu người, hàng ngày thải ra khoảng 8-10 nghìn tấn rác thải, trong đó chỉ có khoảng 5% là được chôn lấp; tỷ lệ rác chưa được thu gom vẫn rất lớn, khu vực nội thành không thu gom hết 100% còn khu vực ngoại thành chỉ thu gom được khoảng 80%; chưa tính đến rác thải công nghiệp, ô nhiễm các dòng sông…
Ngoài ra, ô nhiễm nước ngầm đang là vấn đề đáng báo động, hiện tỷ lệ người dân được dùng nước sạch sinh hoạt trong đô thị trên 90%, còn vùng nông thôn mới đưa ra tiêu chí nước hợp vệ sinh.
Thành phố Hà Nội đã mời nhiều nhà khoa học phân tích và thấy rằng các mẫu phân tích ở tầng nước ngầm rất đáng báo động. Kết quả xét nghiệm cho thấy có những nơi ô nhiễm lên đến gấp 30-40 lần, đặc biệt là nước ao hồ. Vì vậy, Thành phố đã định hướng lại và đưa ra tiêu chí thống nhất về nước sạch chung là nước sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, đi kèm với định hướng này là quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn triển khai.
Thông tin trên TTXVN, trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ có sự phát triển cả về dân số, doanh nghiệp và đương nhiên trong đó có chất thải. Hiện thành phố có gần 180.000 doanh nghiệp, mỗi năm Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường được khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp. Nếu kiểm tra hết số này phải mất gần 90 năm, đó là điều không ai có thể làm được. Song nếu như có giám sát của nhân dân, chúng ta có thể thanh tra, kiểm tra đúng, trúng các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong lĩnh vực môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý, để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, các tổ chức đoàn thể phải làm tốt chức năng giám sát của mình. Trên các khu vực có nguy cơ vi phạm môi trường, các tổ chức đoàn thể thành viên phải có sự giám sát việc gây ô nhiễm môi trường và thực hiện thường xuyên, kéo dài trong nhiều năm. Phải có sự phân cấp, có quy trình giám sát. Người dân giám sát tại nơi mình sinh sống, thông tin đến bộ phận giám sát, tổ chức phụ trách sẽ phân tích, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo thanh tra, kiểm tra để có chế tài xử lý phù hợp.
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. 2. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Giấy xác nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Giấy chứng nhận túi ni lon (hoặc ni lông) thân thiện với môi trường; Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Giấy phép khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy phép nuôi, trồng các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Giấy phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai; Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Giấy phép nhập khẩu sinh vật biến đổi gen; Giấy chứng nhận an toàn sinh học; Giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi chung là Giấy phép môi trường) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành; b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính chất tham khảo. |
Quang Hưng (Tổng hợp)
Clip đang được xem nhiều:
[mecloud]wSj8mXfZq9[/mecloud]