Dự án cầu vòm sắt dành cho xe máy đi thấp qua hồ Linh Đàm được khởi công xây dựng từ đầu năm 2021 với tổng đầu tư 65 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cầu thiết kế nằm giữa hai cầu vượt lên xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn cắt qua hồ Linh Đàm có mặt cắt ngang rộng 7,5 m, bề rộng phần xe chạy 6 m. Kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297,2 m.
Công trình được thực hiện với mục đích giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực Linh Đàm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Pv Đời sống & Pháp luật, sau nửa năm hoàn thành, cầu vòm sắt vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Ở lối vào đường dẫn nối đến cầu theo hướng Nghiêm Xuân Yêm - Pháp Vân bị chắn lại bằng hàng rào bê tông, chỉ trừ một khoảng trống đủ để một xe máy đi vào. Khi đến nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, các phương tiện xe máy đều rẽ trái để vào đường Nguyễn Hữu Thọ, hầu như ít đi thẳng vào cầu vòm sắt.
Đoạn đường này đang bị người dân biến thành bãi đô ôtô ngay dưới biển cấm.
Hai bên đường, rác thải vứt lộn xộn, bừa bãi.
Thậm chí, phế thải bị người dân vứt xuống lòng đường ngay giữa khu vực cột đèn giao thông.
Do đoạn đường chưa có phương tiện lưu thông nên rác thải không được dọn dẹp.
Hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị nhưng chưa đi vào hoạt động.
Lối vào cầu hiện được chắn lại bằng hàng rào bê tông, chỉ trừ một khoảng trống đủ để một xe máy đi vào.
Vì ít có xe máy qua lại nên người dân tận dụng đoạn đường qua cầu để đi bộ thể dục.
Anh Nguyễn Bá Long (33 tuổi, Bằng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, dù cầu sắt này đã hoàn thiện nhiều tháng nay, nhưng hầu như không có phương tiện xe máy qua lại. "Tôi không rõ cầu đã đủ an toàn và đi vào hoạt động chưa, chỉ thấy người dân tận dụng khu vực này để đi bộ thể dục, đạp xe vào mỗi buổi chiều, dù đây là cầu dành riêng cho xe máy lưu thông", anh Long nói.
Văn Phong