VTC News dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 29/3 đến 5/4, địa bàn ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 47 trường hợp so với tuần trước đó).
Bệnh nhân phân bố rải rác tại 26 quận, huyện, trong đó, một số nơi có nhiều bệnh nhân như Bắc Từ Liêm ghi nhận 10 ca, tiếp đến là Mê Linh, Nam Từ Liêm mỗi nơi có 9 ca, Hà Đông, Hoàng Mai mỗi nơi có 8 ca.
Cũng trong tuần qua, Hà Nội phát hiện thêm 1 ổ dịch tay chân miệng tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì với 2 ca bệnh.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 424 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 155 ca so với cùng kỳ năm 2023). Đơn vị phát hiện và ghi nhận tổng 6 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn 4 ổ dịch.
Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Do đó, chú trọng phòng bệnh trong cộng đồng là biện pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ và gia đình.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 8 - 9 hằng năm.
Hà Nội phát hiện nhiều ổ dịch tay chân miệng mới trong tuần qua. Ảnh minh họa.
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, báo Lao động dẫn lời TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin: Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).
Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.
"Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm", TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo.
H.T (T/h)