Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Hà Nội về việc giữ lại số tiền này để phục vụ xây dựng hạ tầng.
Sáng 9/6, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội.
Hà Nội được UB Tài chính - Ngân sách đồng ý cho giữ lại 11.000 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về các nội dung của dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban cũng có ý kiến về một số nội dung trong dự thảo nghị quyết.
Cụ thể, về việc ngân sách TP Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị UBND TP cần chủ động có đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đề xuất cho phép TP Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.
Để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho UBND TP sử dụng nguồn thu này nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố và tương đồng với cơ chế thí điểm đối với TP. HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị thành phố báo cáo số liệu cụ thể về dự kiến nguồn thu này.
Được biết, về mục đích sử dụng số tiền xin giữ lại, trước đó, Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng đường sắt đô thị. Theo Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội đang triển khai 2 dự án đường sắt đô thị, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Theo đó, tuyến đường sắt ga Hà Nội - Hoàng Mai trị giá hơn 40.000 tỷ đồng và tuyến đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc trị giá 66.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hà Nội, cả 2 dự án xây dựng hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ nguồn vốn CPH, hai là vốn từ ngân sách thành phố trong 5 năm bỏ ra 15.000 tỷ đồng và thứ 3 là phát hành trái phiếu.
Vũ Đậu (T/h)