IPD đề xuất hai phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%; tuy nhiên, IPC (công ty mẹ) lại trình tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65%, rồi 75% vốn điều lệ để IPC có quyền chi phối…
Cuối năm 2018, Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Chánh Thanh tra thành phố lập đoàn thanh tra để tiếp tục làm rõ và kết luận về quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn để chuyển thành Công ty ESL.
Mới đây, Thanh tra TP HCM đã có kết luận việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hóa, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh của IPC và các công ty có vốn góp của Công ty IPC.
Theo kết luận của Thanh tra thành phố, có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Sài Gòn.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn IPD (gọi tắt là Công ty IPD) có 100% vốn nhà nước, là công ty con của Công ty IPC. Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt và quyết định của UBND TP, IPD phải cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thời điểm cổ phần hóa, IPD đang được UBND TP cho thuê hơn 69ha đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng KCN Cát Lái.
Tháng 5/2016, IPD hoàn tất cổ phần hóa trở thành Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỉ đồng. Đồng thời, Thanh tra TP cũng chỉ ra việc đề xuất tỉ lệ vốn nắm giữ 75% nhằm quản lý khai thác cảng là trái với phương án mà Thủ tướng và UBND TP phê duyệt.
UBND TP.HCM đang làm rõ thiệt hại, xem xét xử lý việc cổ phần hóa sai quy định tại Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn IPD. Ảnh minh họa |
Cụ thể, khi thực hiện cổ phần hóa (giữa năm 2015), IPD đề xuất hai phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, IPC (công ty mẹ) lại trình tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65%, rồi 75% vốn điều lệ để IPC có quyền chi phối, sau một thời gian sẽ giảm xuống 51%.
Đặc biệt là IPC đề nghị sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhưng cổ đông nhà nước sẽ không tham gia mua cổ phần. "Khi đó Nhà nước không phải là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty IPD, có nghĩa việc quản lý, khai thác cảng biển Cát Lái không do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ..." - kết luận thanh tra đánh giá.
Kết luận của Thanh tra TP cho biết một lãnh đạo UBND TP đã bút phê chấp thuận các đề xuất tỉ lệ vốn trên và giao cho các đơn vị có liên quan triển khai vào tháng 11/2015. Kết luận thanh tra nêu rõ tổ giúp việc, Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp, Ban chỉ đạo cổ phần hóa triển khai hoàn tất các bước và trình UBND TP để ký phê duyệt tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại IPD tạm thời sau cổ phần hóa là 75% vốn điều lệ.
Theo nội dung kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hóa, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh của Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và các công ty có vốn góp của Công ty IPC của Thanh tra TP.HCM, sau khi cổ phần hóa, Công ty IPD trở thành Công ty ESL. Tuy nhiên, ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng vào công ty cổ phần... cần được làm rõ.
Vũ Đậu (T/h)