(ĐSPL) - Dải phân cách cứng sẽ được thiết kế bằng kết cấu nhẹ tại một số vị trí từ nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế lấn làn, tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho buýt nhanh BRT.
Theo tin trên báo Tri thức trực tuyến, đại diện Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, đơn vị này vừa đề xuất UBND, Sở GTVT Hà Nội về việc thí điểm lắp dải phân cách cứng tại các nhà chờ gần nút giao trên đường BRT.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành giao thông đô thị Hà Nội thông tin: "Dải phân cách cứng sẽ được thiết kế bằng kết cấu nhẹ tại một số vị trí từ nhà chờ đến nút giao thông liền kề để hạn chế lấn làn, tăng khả năng qua nút nhanh hơn cho BRT. Chúng tôi đề xuất lắp thí điểm ở một số vị trí nút giao từ vành đai 3 trở vào nội thành".
Thực tế cho thấy, trong thời gian đi vào hoạt động vừa qua, buýt nhanh phải chạy chậm, tắc nghẽn ở các nút giao. Những đoạn này người dân thường lấn làn, tạt đầu để quay xe.
Tình trạng xe máy, ô tô lấn làn buýt nhanh BRT vẫn xảy ra. Ảnh: Tri thức trực tuyến. |
Theo vị Giám đốc Trung tâm, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT đều tán thành đề xuất này. Hiện, Trung tâm đang khảo sát và dự kiến lắp ở 5 - 6 điểm trong thời gian tới.
Nguồn tin cho hay, sau 10 ngày vận hành, buýt nhanh BRT đã vận chuyển được gần 130.000 hành khách, bình quân 31,2 khách mỗi lượt. Tình hình hoạt động được đánh giá tương đối khả quan, thu hút lượng khách sử dụng khá lớn và tuyến hoạt động cơ bản ổn định.
Trước đó vào sáng 31/12/2016, Sở GTVT Hà Nội đã khai trương tuyến buýt nhanh BRT, tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa tại bến xe Kim Mã.
Tuyến xe buýt nhanh BRT được khai trương có số hiệu tuyến là BRT 01, do Tổng công ty Vận tải Hà Nội vận hành.
Các điểm đầu cuối là đầu A tại bến xe Yên Nghĩa (Quảng trường Bến xe Yên Nghĩa), đầu B tại Kim Mã (số 1 Kim Mã).
Theo báo Dân Việt, lộ trình tuyến xe buýt nhanh được xác định như sau:
Chiều đi: Bến xe Yên Nghĩa - Quốc lộ 6 - Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã.
Chiều về: Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) - Ba La - Quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa.
Tổng chiều dài tuyến này khoảng gần 15km, với 358 lượt xe/ngày thường (5 - 10 - 15 phút/lượt), 264 lượt xe đối với ngày chủ nhật (7 - 10 - 15 phút/lượt). Thời gian hoạt động tuyến tại đầu A là 5h, đầu B là 5h; giờ đóng tuyến đầu A là 22h, đầu B là 22h.
Theo kế hoạch, có khoảng 20 xe buýt nhanh vận hành vào ngày thường và 14 xe vận hành vào ngày chủ nhật.
Để đảm bảo trung chuyển hợp lý giữa các tuyến xe buýt thường và buýt nhanh BRT, thuận lợi, an toàn cho hành khách, mới đây, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT nghiên cứu tăng cường các tuyến buýt kết nối, trung chuyển với tuyến BRT.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng giao Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại tuyến buýt 22 thành 3 tuyến kết nối, trung chuyển với tuyến BRT như sau: Tuyến từ Kim Mã - Bến xe Gia Lâm; tuyến từ các khu đô thị: Kiến Hưng, Xa La kết nối với tuyến BRT theo hướng đường Mỗ Lao; tuyến từ các khu đô thị: Kiến Hưng, Xa La kết nối với tuyến BRT theo đường Vạn Phúc.
Ngoài việc điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt 22, Sở GTVT Hà Nội còn điều chuyển lộ trình tuyến xe buýt 16, 18, 33, 50.
Trong tháng đầu tiên hoạt động, hành khách được đi xe buýt nhanh miễn phí. Sau ngày 31/1, giá vé sẽ là 7.000 đồng/lượt, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường.
Từ ngày 1/1/2017, các phương tiện cố tình đi vào phần đường dành cho xe buýt nhanh BRT sẽ bị CSGT Hà Nội xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính giao thông nếu người điều khiển ô tô chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy sai làn, trên vỉa hè từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. |
(Tổng hợp)