(ĐSPL) – Mới đây, Hà Nội đã có đề xuất kiến nghị tăng mức phạt hành chính đối với người mua dâm, đồng thời công khai danh tính của những người này để địa phương giáo dục, kiểm điểm.
Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm.
Theo đó, Hà Nội cũng đề nghị bổ sung Điều 22 với nội dung: Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục. Kiến nghị bổ sung sửa đổi khái niệm bán dâm tại Khoản 1 Điều 3. Sửa cụm từ “giao cấu” thành cụm từ “thỏa mãn tình dục”, để xử lý được hành vi kích dục của người khác giới và hành vi mua bán dâm của người đồng giới.
Hà Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm. Ảnh minh họa. |
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm 6 tháng đầu năm được tổ chức vào chiều 22/7, ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội đã nêu ra nhiều bất cập trong các chính sách gây khó khăn cho công tác phòng chống mại dâm.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội nhận định, sau khi Nghị quyết về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính của Quốc hội có hiệu lực thì tình hình mại dâm ở nơi công cộng vẫn có xu hướng công khai và gia tăng.
Giải thích rõ hơn, ông Thái lấy dẫn chứng: “Luật xử lý vi phạm hành chính quy định người bán dâm chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng nên họ ngầm hiểu là “phạt để tồn tại”. Việc xử phạt như quy định hiện nay hiệu quả răn đe không cao, hầu hết người bán dâm vẫn tiếp tục tái phạm”.
Cũng theo thông tin mà ông Thái cung cấp, thì trong tháng 12/2012, toàn bộ hơn 180 người bán dâm đang được quản lý, chữa bệnh tại Trung tâm số II đã được giải quyết đưa về cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Hà Nội cũng cho rằng, đối với những người bán dâm sau khi đã hoàn lương, thì việc thực hiện hỗ trợ, đào tạo việc làm cho họ cũng không hề dễ dàng, bởi theo quy định, người bán dâm có nhu cầu hỗ trợ việc làm phải đã hoàn lương, có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, có đơn xin hỗ trợ và được chính quyền địa phương xác nhận...
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở thì với mức hỗ trợ học nghề là 2 triệu đồng/người; hỗ trợ tìm việc làm 1 triệu đồng/người thì được cho là không đủ để học nghề và tạo việc làm, ổn định cuộc sống, do đó, từ năm 2010 đến nay chưa có trường hợp nào nhận hỗ trợ tạo việc làm từ ngân sách nhà nước.