(ĐSPL) - Thành ủy Hà Nội nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức đi thăm, tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Theo tin tức từ UBND TP Hà Nội, ngày 28/12, Thành ủy Hà Nội đã ra công văn số 519-CV/TU chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy trực thuộc Thành ủy về công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
TP. Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. (Ảnh: Zing.vn) |
Theo đó, Thành ủy Hà Nội nghiêm cấm các cán bộ, công chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức. Cán bộ không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động cá nhân.
Thực hiện chỉ đạo từ Ban Bí thư, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa, dành thời gian, kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách.
“Các cấp cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản trái quy định”, văn bản nêu rõ.
Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải chủ động tổ chức thăm hỏi các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang…
Các hoạt động văn hóa, thể thao thiết thực chào mừng Xuân Đinh Dậu, kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, được Hà Nội tổ chức tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán của từng địa phương.
Cũng theo Thành ủy Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, các cấp ngành phải tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, thực hiện nghiêm chủ trương cấm đốt pháo. Hà Nội cần hạn chế đến mức tối đa tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm…
Trước đó, ngày 27/12, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, cho biết thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư, không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng cho hay, trong tuần này, TP. Hà Nội sẽ thành lập 3 đoàn công tác đi thăm và tặng quà, ủng hộ các tỉnh miền Trung bị lũ lụt, với tổng số tiền 12 tỷ đồng.
Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau: "1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm: a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả; c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai; e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |