Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bình Định không bắn pháo hoa dịp Tết, dành tiền lo cho người dân vùng lũ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trước việc nhiều người đang phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất", tỉnh Bình Định sẽ không bắn pháo hoa dịp tết để dành tiền lo cho người dân vùng lũ.

(ĐSPL) - Trước việc nhiều người đang phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất", tỉnh Bình Định sẽ không bắn pháo hoa dịp tết để dành tiền lo cho người dân vùng lũ.

Trước thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra ở các tỉnh miền Trung, Ban Bí thư cũng đã có chỉ thị không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết.

Trao đổi trên báo Dân trí, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Dù Ban Bí thư không có chỉ thị thì tỉnh Bình Định cũng không có chủ trương bắn pháo hoa. Sau mấy trận lũ liên tiếp, chúng tôi dồn hết các nguồn lực để chăm lo đời sống của nhân dân.

Những năm trước, kinh phí bắn pháo hoa ở một điểm là 600 triệu đồng. Với số tiền này, có thể dùng để xây được 11 ngôi nhà hoặc tặng 11 sổ tiết kiệm cho người dân để ổn định cuộc sống”.

Vị Chủ tịch tỉnh cho rằng điều lo lắng nhất là, lũ liên tiếp tàn phá làng quê Bình Định khiến nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi sạch, cuộc sống trắng tay, nhiều người dân hiện đang lâm cảnh “màn trời chiếu đất”.

Lũ chồng lũ gây sập hoàn toàn hàng trăm ngôi nhà của người dân Bình Định. Ảnh: Tri thức trực tuyến.

“Trước mắt, chúng tôi sẽ lo ổn định cuộc sống của người dân, sau đó sẽ khắc phục hạ tầng. Trong đó, việc đầu tiên là tập trung nguồn lực để khắc phục sự cố sa bồi, thủy phá trên đồng ruộng, khôi phục hệ thống kênh mương, khơi thông gần 300 km kênh mương bị vùi lấp, sạt lở để bảo đảm đường dẫn nước tưới..." - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo tin trên báo Tri thức trực tuyến, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chỉ trong 2 tháng, tỉnh Bình Định liên tiếp gánh chịu 5 trận lũ dữ.

Lũ đi qua đã khiến 39 người chết, mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng nghìn ha hoa màu hư hại… ước tính thiệt hại 1.945 tỷ đồng.

Để ổn định đời sống, kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng lũ khắc phục khó khăn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay 2.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho Bình Định để cứu đói cho người dân địa phương.

Cùng ngày, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cũng phát đi thông báo dừng tổ chức các hoạt động bắn pháo hoa nhân dịp kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 để dành tiền hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung. 

Điều 30 Luật phòng chống thiên tai năm 2013 quy định Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai như sau:

"1. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm:

a) Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

b) Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả;

c) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

d) Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

đ) Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

e) Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

2. Trách nhiệm thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai được quy định như sau:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai đối với cơ sở hạ tầng, tài sản thuộc phạm vi quản lý; tham gia hỗ trợ hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;

b) Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm chủ động khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi quản lý và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu;

d) Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ từ các địa phương và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai và báo cáo Chính phủ về biện pháp và nguồn lực để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai".

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Tin nổi bật