Vietnamnet đưa tin, Khoa cấp cứu - Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) - đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H (49 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi đường máu cao, phù hai chân và có nhiều vết mụn mủ ở vùng bụng và cẳng hai chân. Sau khi thăm khám và khai thác bệnh sử, bệnh nhân mắc đái tháo đường - đa biến chứng, bị thoái hóa cột sống đi lại khó khăn.
Thầy lang cho ong đốt chữa đau nhức. Ảnh: Dân Việt
Được biết, khoảng một tháng trước khi được mách dùng ong châm để giảm đau tay chân, người nhà đã mời thầy lang đến nhà điều trị. Tuy nhiên, tình trạng đau nhức chân tay, đi lại khó khăn vẫn không thuyên giảm.
Sau khoảng thời gian điều trị theo phương pháp của thầy lang, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó thở nên đã đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm các bác sĩ cho biết, đường máu bệnh nhân tăng cao, nhiễm trùng da, với nhiều vết mưng mủ vùng bụng và hai chân do ong châm. Bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Khi nhập viện, đường máu bệnh nhân tăng cao càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành vết thương, thâm chí hoại tử các vùng mưng mủ do ong châm rất dễ xảy ra.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý điều trị triệu chứng bệnh bằng các biện pháp tiêu cực không được khoa học chứng minh, cần tuân thủ điều trị để quản lý tốt đường máu.
Nhiều vết chi chít xuất hiện ở chân và bụng của bệnh nhân. Ảnh: Dân Việt
Báo Dân Việt dẫn lời TS, bác sĩ Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, nhiều người nghe theo quảng cáo, lời truyền miệng dùng các bài thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc để tự chữa đái tháo đường.
Việc này không chỉ khiến bệnh nặng thêm mà còn gây ra nhiều nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng, có bệnh nhân phải tháo chân, cắt tay chỉ vì bỏ điều trị, dùng các thuốc không rõ nguồn gốc.
"Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường như một số lời quảng cáo trên mạng xã hội.
Ở giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ, sử dụng một số loại thuốc đông y có thể giúp giảm đường huyết. Khi người bệnh đến khám ở các phòng mạch và cơ sở khám chữa bệnh thì thấy đường huyết ở ngưỡng bình thường và nghĩ rằng đã điều trị bệnh khỏi hẳn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng.
Người bệnh đái tháo đường có lượng đường trong máu bình thường là do sử dụng thuốc – không phải vì bệnh đã biến mất. Khi đó, họ cần tiếp tục sử dụng thuốc kết hợp với luyện tập và ăn uống hợp lý, nếu không glucose máu sẽ tăng trở lại.
Do đó, người dân không nên nghe theo các quảng cáo "chữa khỏi bệnh đái tháo đường" để mất tiền mua thuốc, trì hoãn điều trị khiến bệnh nặng thêm, tiền mất tật mang", TS Toàn nhận định.
Thùy Dung (T/h)