(ĐS&PL) Ngày 04/7/2018, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên đến nay việc điều tra gần như “dậm chân tại chỗ”, thời hạn điều tra cũng sắp hết mà chưa khởi tố được bị can. Việc chậm chễ trong quá trình điều tra đang khiến dư luận hoài nghi
Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở KHĐT tỉnh Hà Nam của Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Nam. |
Chậm khởi tố bị can, hậu quả ai chịu trách nhiệm?
Như Tòa soạn đã phản ánh, trong vụ án hình sự này, luật sư Hoàng Huy Được (Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Minh) thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Văn Ảnh (Chủ tịch, Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn ATA) địa chỉ lô P, Khu Công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.
Bản Kiến nghị của Văn phòng luật sư Hoàng Minh. |
Trong các ngày 25/01/2019 và 12/02/2019, luật sư Hoàng Huy Được đã liên tục gửi đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam hai bản kiến nghị đề nghị khởi tố các bị can. Tại hai bản kiến nghị này, luật sư Được nêu rõ: Ngày 21/4/2007, công ty cổ phần ATA do ông Phạm Văn Ảnh làm đại diện cho các cổ đông sáng lập sở hữu 93,35% cổ phần tại công ty CP Phát triển Hà Nam và bà Nguyễn Thị Thương là cổ đông sáng lập sở hữu 4,68% cổ phần (bên A, bên chuyển nhượng) ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP với bên B (bên nhận chuyển nhượng) là công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam do ông Trần Anh Tuấn làm đại diện.
Tại Hợp đồng này đã có những quy định, điều khoản rất rõ ràng và cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Dự án Khu công nghiệp Đồng Văn II và nhận tài sản do ông Ảnh bàn giao, bên B đã không nghiêm chỉnh chấp hành theo cam kết dẫn đến hàng loạt “bê bối” gây hậu quả nghiêm trọng, phức tạp rất khó giải quyết, khắc phục sau này.
Cũng theo luật sư Được thì người giữ vai trò quan trọng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc này chính là ông Nguyễn Văn Hợi (nguyên Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Hà Nam). Cụ thể: sau khi tiếp quản hồ sơ Dự án Khu Công nghiệp Đồng Văn II và Khu nhà ở phục vụ Khu Công nghiệp Đồng Văn và nhận tài sản do ông Phạm Văn Ảnh bàn giao theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2007/HĐCNCP, đại diện công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam đã tạo dựng hồ sơ (dù không tổ chức họp Đại hội cổ đông) nhằm hợp thức hóa thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập tại Phòng Đăng ký kinh doanh. Mặc dù hồ sơ xin cấp thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 của công ty CP phát triển Hà Nam còn thiếu rất nhiều theo quy định của pháp luật nhưng vẫn được Phòng ĐKKD mà cụ thể là ông Nguyễn Văn Hợi đồng ý.
Do đó luật sư Được tiếp tục khẳng định, hành vi của ông Hợi đã có đầy đủ dấu hiệu phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm quyền khi thi hành công vụ”. Từ đó gây thiệt hại cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ATA và các nhà đầu tư khác hàng nghìn tỷ đồng.
Đến nay, thời hạn điều tra vụ án sắp hết nhưng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Nam vẫn chưa khởi tố được bị can, vụ án gần như “dậm chân tại chỗ”. Trước diễn tiến “rùa bò” của vụ án, ngày 18/6/2019, Văn phòng luật sư Hoàng Minh tiếp tục phát đi Bản kiến nghị gửi tới các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương. Theo đó tiếp tục tái khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Hợi. Đối với ông Trần Anh Tuấn, theo luật sư Được thì hành vi của ông này đã có đủ dấu hiệu phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đặc biệt, luật sư Được cũng cho rằng có đủ cơ sở vững chắc để đề nghị Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam xác định tư cách tham gia tố tụng của các cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam (do ông Phạm Văn Ảnh làm đại diện) là người bị hại trong vụ án. Việc Cơ quan An ninh điều tra xác định họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng với quy định của pháp luật, không đúng với thực tế khách quan của vụ án. Bởi sau khi ký xong Hợp đồng, ông Trần Anh Tuấn đã thực hiện hàng loạt các hành vi gian dối trong việc làm thủ tục thay đổi ĐKKD lần 4 và đã được ông Nguyễn Văn Hợi (nguyên Trưởng phòng ĐKKD) “nhắm mắt làm ngơ” bỏ qua các quy định pháp luật cấp giấy thay đổi ĐKKD lần 4 cho công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam.
Từ đó tạo điều kiện để ông Trần Anh Tuấn và Phạm Như Hùng chuyển nhượng tài sản và gây thiệt hại trực tiếp cho các cổ đông sáng lập sở hữu 98,03% cổ phần tại công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam hàng nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, để hạn chế những hậu quả và thiệt hại tiếp tục gia tăng, luật sư Được cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm thu hồi các lần đăng ký thay đổi ĐKKD lần 4, lần 5 và các lần tiếp theo của công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam.
Phớt lờ các văn bản chỉ đạo…!
Trong một diễn biến khác, việc công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam (chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên) liên tục “phớt lờ” các văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã cho thấy mức độ vi phạm trắng trợn, coi thường pháp luật, cố tình lừa dối khách hàng hòng chiếm đoạt tài sản của công ty này.
Cụ thể, ngày 06/12/2017, Ban quản lý phát triển Khu đô thị mới tỉnh Hà Nam có văn bản số 129/BQL-KTHT gửi UBND huyện Duy Tiên và Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam. Trong đó nêu rõ: Ban Quản lý phát triển khu đô thị mới đã có công văn số 126/BQL-KTHT ngày 20/11/2017 yêu cầu Công ty CP Phát triển Hà Nam (chủ đầu tư) không được thực hiện việc kinh doanh các sản phẩm của Dự án Khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên dưới mọi hình thức. Nhưng đến nay, Công ty CP Phát triển Hà Nam và các sàn giao dịch vẫn cố tình thực hiện việc thông tin giao bán sản phẩm của dự án.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban quản lý phát triển khu đô thị mới có ý kiến: “Một lần nữa yêu cầu Công ty CP Phát triển Hà Nam không được thực hiện việc kinh doanh sản phẩm của Dự án (lý do: chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm dự án theo quy định của pháp luật)…”.
Song bất chấp tất cả, đến nay đã có hàng nghìn khách hàng bị công ty này cho “ăn quả đắng” vì họ nộp đến 95% giá trị sản phẩm nhưng không thể nhận được tài sản. Quá bức xúc trước kiểu làm ăn gian dối, coi thường pháp luật của Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam, trong suốt thời gian qua, nhiều nhà đầu tư và khách hàng đã tập trung, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư lừa đảo, chiếm đoạt tiền của dân. Đỉnh điểm của sự bức xúc là ngày 30/6/2019, hàng trăm người lại tiếp tục kéo đến, căng băng rôn “vây” Dự án này, phản đối, đòi chủ đầu tư phải trả lại quyền lợi chính đáng cho họ. Thậm chí trong chiều ngày 30/6, người dân còn chở nguyên vật liệu xây dựng đến Dự án để xây cất nhà ở, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, mất an ninh trật tự.
Hàng trăm khách hàng tập trung phản đối, tố Công ty Cổ phần Phát triển Hà Nam lừa đảo, chiếm đoạt tiền của dân (ngày 30/6/2019) |
Trước những diễn biến ngày càng nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc, rất cần sự chỉ đạo kịp thời, chính xác từ các cơ quan Trung ương nhằm tạo “cú hích” cho Hà Nam khẩn trương làm sáng tỏ vụ việc, nhanh chóng khởi tố bị can, quy trách nhiệm với những người liên quan, đưa vụ án ra xét xử công bằng trước pháp luật. Từ đó hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho các nhà đầu tư và khách hàng, sớm ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Báo Đời sống & Pháp luật tiếp tục theo dõi và phản ánh vụ việc tới bạn đọc
Phước Long/ Sức Khỏe 365