(ĐSPL) - Giữ cuốn sổ tiết kiệm mệnh giá 100.000 tệ trong suốt 60 năm, thế nhưng toàn bộ số tiền mà cụ ông 74 tuổi nhận được ước tính chỉ còn khoảng 10 tệ (khoảng 30.000 VNĐ).
Theo tin tức từ tờ People's Daily (Trung Quốc), ông Hồ Vạn Chí, 74 tuổi, người thôn Ngư Phong, huyện Tây Hương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc không thể tin được khi số tiền mình nhận được sau 60 năm gửi tiết kiệm chỉ còn 10 tệ. "Cuốn sổ tiết kiệm là bảo bối của tôi, thường không cho người khác nhìn bao giờ", ông cho biết.
|
Ông Hồ cầm trên tay cuốn sổ tiết kiệm cất giữ 60 năm qua. |
Quyển sổ có thời hạn từ 18/12/1954 đến 18/1/1955. Trên sổ ghi: Gửi vào chi nhánh tỉnh Thiểm Tây, ngân hàng nhân dân Trung Quốc, với số tiền 100.000 tệ.
"Tôi xây nhà đã mấy năm rồi, nợ người ta mấy chục nghìn tệ, giờ muốn rút tiền gửi trong sổ này ra để trả nợ", ông chia sẻ. Đứa con trai duy nhất của ông đang phải đi làm thuê làm mướn. Ông Hồ hy vọng sẽ rút được tiền trang trải phần nào cho con trai.
Khi ông Hồ mang quyển sổ đến ngân hàng đổi tiền, đại diện chi nhánh ngân hàng cho biết, ông phải chờ ngân hàng xác minh xem sổ là thật hay giả, có đổi tiền được hay không và đổi theo tỷ giá nào.
Chuyên gia khoa kinh tế, đại học Bách Khoa tỉnh Thiểm Tây cho biết nếu tính theo tỷ giá mới, quyển sổ trong tay ông Hồ gần như là vô giá trị.
Cư dân mạng Trung Quốc đã làm phép so sánh về giá trị theo thời gian của đồng tiền nước này. Theo đó, những năm 50 ở Trung Quốc, 100 tệ có thể mua được 400 kg gạo hoặc 70kg thịt lợn; năm nay, với 100 tệ chỉ mua được 15 kg gạo hay 3 kg thịt lợn. Có thể nói, cụ thân sinh ông Hồ Vạn Chí tiết kiệm được 100.000 tệ là cả một gia tài thời đó.
Trước đó ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, năm 2012 cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Sổ tiết kiệm 100.000 nhân dân tệ của cụ ông Vương Quảng Can, gửi ở chi nhánh tỉnh Thiểm Tây, ngân hàng nhân dân Trung Quốc 60 năm trước, chỉ đổi được 12,9 tệ (khoảng 50.000 VNĐ), tính theo quy định hiện nay của ngân hàng.