The Guardian dẫn lời các chuyên gia vũ khí cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ có thể sẽ bắt đầu từ năm 2021, sau khi các ràng buộc quốc tế hết hạn.
Một nhóm cựu quan chức, chuyên gia từ Mỹ, châu Âu và Nga đã cảnh báo rằng các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga có thể sớm không bị ràng buộc bởi bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào vào năm 2021, sau khi thỏa thuận kiểm soát vũ khí từ năm 1972 hết hạn. Trừ khi một một ràng buộc khác được ký kết, nếu không, một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm có thể bắt đầu ngay sau đó.
Trong một tuyên bố hôm 18/4, các chuyên gia thuộc Tổ chức kiểm soát vũ khí đã ra một thông báo, trong đó khẳng định hiệp ước cấm phổ biến các hệ thống vận chuyển đầu đạn của Mỹ và Nga sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, cần thực hiện các bước khẩn cấp để mở rộng nó.
Nga, Mỹ có thể sẽ bắt đầu chạy đua vũ trang từ năm 2021. Ảnh: Guardian |
Cùng với đó, Hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) có nguy cơ sụp đổ vì Mỹ cáo buộc Nga vi phạm, phát triển một tên lửa hành trình mới. Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa phát triển một vũ khí tương tự.
Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin - trong những tuyên bố gần đây, và người đồng cấp Mỹ Donald Trump - trong bài đánh giá hạt nhân của chính quyền đều đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân mới.
Nguy cơ quay trở lại chạy đua vũ trang giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng giữa bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Washington và Moscow, khi mà quân đội của Mỹ, NATO và Nga đang hoạt động sát nhau tại Đông Âu Syria.
Các chuyên gia cảnh báo: "Nếu không có quyết định tích cực để mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), và nếu Hiệp ước INF kết thúc, sẽ không có giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý đối với 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, lần đầu tiên kể từ năm 1972. Mỹ và Nga khi đó không còn bị giới hạn, rất có thể sẽ bắt đầu phát triển cạnh tranh hạt nhân quy mô lớn”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu đề cập tới đàm phán mở rộng, ra hạn thỏa thuận. Ảnh: The Hill |
Mỹ và Nga đã bị ràng buộc với các điều khoản của New START, được ký kết 8 năm trước bởi các Tổng thống lúc đó của họ - Barack Obama và Dmitry Medvedev. Hiệp ước này là một ngoại lệ đối với quyết tâm thay đổi chính sách đối ngoại từ người tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vào cuối tháng 2/2018, cả Nga và Mỹ đều tuyên bố họ đã đạt tới giới hạn 1.550 đầu đạn chiến lược và 700 vũ khí mang chúng như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân.
Hiệp ước cho phép gia hạn 5 năm bằng sự đồng ý chung. Moscow cho biết họ để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề này. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3, ông Putin khẳng định ông quan tâm đến việc gia hạn hoặc thậm chí có thể đồng ý cắt giảm thêm số đầu đạn.
Khi chúc mừng ông Putin tái đắc cử hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi lời mời đến người đồng cấp Nga, đề nghị tham gia một hội nghị thượng đỉnh “trong tương lai không xa để thảo luận về cuộc chạy đua vũ trang”.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump từ chối xem xét về một thỏa thuận mới cho tới khi Mỹ đánh giá lại chính sách hạt nhân.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Guardian)