Theo RT, Bộ Quốc phòng Israel cho biết trong một tuyên bố hôm 26/9 rằng, Mỹ đã cung cấp cho Tel Aviv gói viện trợ quân sự trị giá 8,7 tỷ USD, phần lớn trong số đó sẽ được sử dụng để bổ sung cho kho vũ khí phòng không đang cạn kiệt của nước này.
Gói viện trợ bao gồm 3,5 tỷ USD mà Israel đã nhận được, dành riêng cho các hoạt động mua sắm quân sự quan trọng. Trong khi đó, 5,2 tỷ USD còn lại được lên kế hoạch chi cho các hệ thống phòng không bao gồm hệ thống chống tên lửa Iron Dome, hệ thống tên lửa đất đối không David’s Sling và hệ thống laser tiên tiến.
“Khoản đầu tư quan trọng này sẽ tăng cường đáng kể các hệ thống quan trọng như Iron Dome và David’s Sling, đồng thời hỗ trợ tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ laser công suất cao tiên tiến hiện đang ở các giai đoạn phát triển sau”, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Israel.
Cũng theo Bộ Quốc phòng Israel, thỏa thuận nói trên nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt và lâu dài giữa Israel và Mỹ, cũng như cam kết vững chắc đối với an ninh của Israel”, đặc biệt là trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh khu vực từ Iran và các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn.
Israel hiện đang chiến đấu trên hai mặt trận, chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza và lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Ảnh minh họa: Reuters
Thông báo về gói viện trợ được đưa ra sau khi Tổng vụ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Eyal Zamir gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Amanda Dory tại Lầu Năm Góc vào đầu ngày 26/9. Lầu Năm Góc xác nhận cuộc gặp đã diễn ra như không đề cập tới bất kỳ cuộc thảo luận nào về viện trợ quân sự.
Nguồn ngân sách cho gói viện trợ này có thể đến từ dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký duyệt hồi tháng 4. Được biết, dự luật này đã phân bổ 14,5 tỷ USD cho Israel, bên cạnh khoản viện trợ hàng năm khoảng 3 tỷ USD của Washington cho Tel Aviv.
Israel hiện đang chiến đấu trên hai mặt trận, chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza và lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Theo số liệu mới nhất từ cơ quan y tế ở Gaza, các cuộc giao tranh đã khiến 41.534 người ở dải đất này thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Trong khi đó, Bộ Y tế Lebanon cho hay, hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel vào Lebanon kể từ tuần trước, với hơn 550 người thiệt mạng kể từ thứ Hai.
Xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ sau khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào các khu định cư của Israel hôm 7/10/2023, khiến khoảng 1.100 người thiệt mạng và bắt khoảng 250 con tin đến Dải Gaza.
Giao tranh cường độ thấp giữa Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và Hezbollah diễn ra dọc biên giới Israel – Lebanon cho đến khi hàng nghìn thiết bị liên lạc mà Hezbollah sử dụng đồng thời phát nổ. Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và thề sẽ đáp trả.
Liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant hồi tuần trước cho biết rằng, làn sóng nổ này đã mở ra một “giai đoạn mới” trong cuộc chiến của Israel, trước khi chiến dịch trên không bắt đầu.
Chưa đầy 1 ngày trước khi phía Israel thông tin về gói viện trợ quân sự mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles đã đưa ra lời kêu gọi chung về lệnh ngừng bắn trong 21 ngày giữa Israel và Hezbollah.
“Chúng ta hiện đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, một cuộc xung đột toàn diện khác có thể tàn phá của Israel và Lebanon”, Bộ trưởng Austin nói.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 26/9 (giờ địa phương), Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp viện trợ quân sự cho Israel.