Đau đớn trước việc chồng treo cổ tự vẫn sau khi bị khởi tố, bà Vui bỏ làm dành thời gian đi kêu oan, đòi lại danh dự cho ông - cựu trưởng phòng công chứng.
Cuối tháng 4, trong căn nhà nhỏ trên phường Kỳ Bá, TP Thái Bình (Thái Bình), bà Hoàng Thị Vui (51 tuổi) nghẹn ngào kể lại nỗi oan khuất của chồng là ông Vũ Thanh Hải. Năm 1990, sau khi kết hôn, vợ chồng bà Vui rời quê vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập nghiệp. Bà làm giảng viên trường chính trị của tỉnh, còn chồng là trưởng phòng công chứng số 3.
Tháng 4/2004, cuộc sống êm ấm của gia đình bà bị đảo lộn khi ông Hải bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố tội Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan việc công chứng hợp đồng mua bán căn nhà số 60 Lê Hồng Phong của gia đình ông Nguyễn Văn Tuân.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1983 và 1990, ông Tuân được ông Nguyễn Văn Nữ (bác ruột) làm giấy ủy quyền xin lại 3 căn nhà đều ở địa chỉ 60 Lê Hồng Phong, thuộc các thửa đất 46, 51 và 52 (TP Bà Rịa - Vũng Tàu) đã giao cho Ban Nông hội phường Thắng Tam (nay là phường 8) quản lý từ năm 1977.
Sau khi xin lại tài sản, ông Tuân được ông Nữ cho căn nhà thuộc thửa đất 46. Căn nhà nằm trên thửa đất 52 được ông Nữ bán cho 10 hộ khác trước khi qua đời. Riêng căn số 60 Lê Hồng Phong nằm trên thửa đất 51 được vợ ông Nữ làm giấy ủy quyền cho ông Tuân sử dụng vào năm 1993.
Năm 1996, ông Tuân khi công chứng hợp đồng mua bán căn nhà ở thửa đất 51 đã bị người nhà ông Nữ tố cáo có hành vi gian dối cố tình chiếm đoạt tài sản khi thêm chữ "A" vào địa chỉ này. Liên quan trách nhiệm công chứng, ông Tuân bị khởi tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, còn ông Hải bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Hoàng Thị Vui (vợ ông Hải). Ảnh: L.T |
Ông Hải sau đó tính tình lẩn thẩn, thường bỏ nhà lang lang. Sau thời gian chữa trị bệnh trầm cảm ở Bệnh viện Lê Lợi (Bà Rịa – Vũng Tàu) song không thuyên giảm, ông được gia đình chuyển xuống Bệnh viện tâm thần Biên Hòa (Đồng Nai), rồi về nhà điều trị.
Ngày 16/8/2004, 4 tháng sau khi bị khởi tố, ông Hải treo cổ tự vẫn tại nhà em vợ. Nhớ lại thời kỳ đó, bà Vui tâm sự "nhiều đêm khóc đến tận sáng, muốn nhảy cầu tự tử cho xong nhưng thấy hai con lại không đành lòng".
Trước những lời bàn tán, nghi hoặc của nhiều người bà đã nghỉ việc. “Cứ mỗi khi đứng giảng, nhìn thấy ánh mắt hoài nghi của mọi người, mình không đủ tự tin để tiếp tục công việc”, bà chia sẻ.
Cuộc sống của ba mẹ con ban đầu gặp khó khăn, song bà Vui được nhận vào làm tư vấn luật cho một công ty. Người thân trong gia đình cũng đỡ đần để bà có thời gian đi kêu oan cho chồng. Hầu như tháng nào bà cũng gửi đơn kêu oan đến các cơ quan tố tụng địa phương cho rằng việc thêm chữ "A" vào địa chỉ là do Sở Xây dựng ghi trong hồ sơ từ trước do vậy ông Hải không sai khi công chứng. Tuy nhiên, thông tin bà gửi không được trả lời vì cho là chưa đủ căn cứ.
“Là người giảng dạy về pháp luật, biết đúng sai chỗ nào vậy mà đành bất lực. Đó là cái đau, biết nghề mà phải chịu đau vì nghề”, bà Vui chia sẻ.
Hơn 2 năm khởi tố vụ án, tháng 4/2006, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án. Ông Tuân bị phạt 11 năm tù, chồng bà Vui tuy được đình chỉ điều tra do đã chết, song trong cáo trạng vẫn bị xác định có tội.
Sau khi ông Tuân kháng cáo, tháng 12/2006, TAND Tối cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, xác định nhà số 60 và số 60A Lê Hồng Phong là một, thuộc quyền sử dụng của ông Tuân do ông Nữ ủy quyền, nên được bán cho người khác. Việc sửa 60 thành 60A trong hợp đồng công chứng không có gian dối. Ông Tuân được tuyên vô tội, do vậy hành vi của ông Hải cũng không phải là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Vui yêu cầu VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có trách nhiệm trong xử lý vụ án, liên quan đến việc ông Hải tự vẫn vì oan ức nên gửi đơn yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên mọi việc rơi vào im lặng. Bà liên tục lặn lội về VKSND Tối cao và một số cơ quan ở trung ương gửi đơn song đều nhận được trả lời "không thuộc thẩm quyền xử lý". Sau nhiều lần như vậy, bà Vui cảm thấy kiệt quệ, nhưng nghĩ đến chồng suốt những năm công tác luôn là cán bộ mẫn cán, công tâm bà càng thêm quyết tâm để không bỏ cuộc.
Sau 8 năm miệt mài kêu oan cho chồng, nỗ lực của bà đã được ghi nhận. Ngày 9/1, bà nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án của VKS với nội dung: "Việc quy kết hành vi của ông Vũ Thanh Hải thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không có căn cứ pháp lý, hành vi của Vũ Thanh Hải không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Quang cảnh buổi xin lỗi của VKSND Bà Rịa - Vũng Tàu tại phường Kỳ Bá, Thái Bình. Ảnh: T.B |
Ngày 18/4 vừa qua, VKS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức buổi xin lỗi công khai, xin lỗi nhân thân ông Hải, tại quê ông ở Thái Bình. Đáp lời khi các cơ quan tố tụng thừa nhận gây oan sai, bà Vui đề nghị xử lý nghiêm các cán bộ đã khiến ông Hải chết trong oan ức, gia đình bà lâm vào cảnh bi đát suốt 10 năm qua.
“Cái chết của chồng khiến gia đình tôi hoàn toàn suy sụp về thể chất và tinh thần, cho đến bây giờ cả tôi và mẹ tôi vẫn phải điều trị thuốc liên tục”, bà Vui chia sẻ.
Sau 10 năm chịu tủi nhục, bà Bùi Thị Thanh Nga (75 tuổi, mẹ ông Hải) nghẹn ngào: “Chưa kịp báo hiếu cha mẹ thì nó phải chết". Gạt dòng nước mắt, bà Nga yêu cầu cơ quan tố tụng phải nhanh chóng bồi thường tổn thất mà gia đình phải gánh chịu.