Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giới trẻ Trung Quốc rủ nhau "đi bệnh viện" chỉ để mua bánh mì

  • Như Quỳnh (T/h)
(DS&PL) -

Thay vì xếp hàng chờ khám bệnh, giới trẻ Trung Quốc gần đây lại đổ xô đến Bệnh viện Y học cổ truyền Dương Châu, Trung Quốc để mua bánh mì.

Theo Saostar, thay vì mục đích thăm khám sức khỏe thông thường, gần đây, một lượng đáng kể giới trẻ Trung Quốc lại tìm đến Bệnh viện Y học cổ truyền Dương Châu với một động lực khác biệt đó là mua bánh mì.

Sản phẩm "gây sốt" này không phải loại bánh mì truyền thống, mà là "bánh mì thuốc". Đây là thành quả nghiên cứu và phát triển của căng tin bệnh viện, kết hợp hài hòa nguyên lý y học cổ truyền Trung Hoa với hình thức ẩm thực hiện đại.

Được chế biến từ các loại dược liệu quen thuộc như đương quy, phục linh, hạt sen, vỏ quýt, những chiếc bánh này có sáu hương vị đa dạng và được bán với mức giá bình dân, khoảng 10 nhân dân tệ (tương đương gần 35.000 đồng). Sự độc đáo trong thành phần và giá cả là yếu tố chính thu hút sự chú ý, đặc biệt là từ giới trẻ.

Mặc dù mang danh "dưỡng sinh", mục đích chính của nhiều người khi tìm mua loại bánh này không hoàn toàn nằm ở giá trị dinh dưỡng hay y học. Một số người thẳng thắn thừa nhận rằng, việc tiêu thụ bánh mì thuốc chủ yếu mang lại cảm giác "yên tâm" về mặt tinh thần, được xem như một hình thức "tự xoa dịu" mối bận tâm về sức khỏe.

Được chế biến từ các loại dược liệu quen thuộc như đương quy, phục linh, hạt sen, vỏ quýt, những chiếc bánh này có sáu hương vị đa dạng và được bán với mức giá bình dân. Ảnh: Saostar.

Ông Jiang Han, nhà nghiên cứu cấp cao tại Pangu Think Tank, lý giải rằng xu hướng tiêu dùng đương đại chịu ảnh hưởng lớn từ mong muốn trải nghiệm những điều mới lạ. Sự kết hợp giữa dược liệu truyền thống và bánh mì tạo nên một giao thoa độc đáo giữa văn hóa ẩm thực và y học, đáp ứng tâm lý tò mò và khao khát thử nghiệm của giới trẻ.

Trào lưu "bánh mì thuốc" không chỉ giới hạn ở Dương Châu mà đã lan tỏa đến nhiều cơ sở y học cổ truyền trên khắp Trung Quốc. Bệnh viện trực thuộc Đại học Y học cổ truyền Thiên Tân đã ra mắt tiệm bánh "Yaoshifang", trong khi Đại học Y Quý Châu, vốn nổi tiếng với bánh trung thu thảo dược, cũng giới thiệu sản phẩm "Bánh mì Zhe Ergen".

Tại Bắc Kinh, hàng loạt thương hiệu bánh "dưỡng sinh" mới xuất hiện, điển hình là Tong Ren Tang Zhima Health với các sản phẩm như bánh sừng bò kỷ tử, bánh quy táo quế vỏ quýt, bánh mì cà rốt hoàng kỳ mật ong... có giá từ 16 đến 36 nhân dân tệ (khoảng 57.000 đồng đến 130.000 đồng). Những địa điểm này nhanh chóng trở thành điểm "check-in" hấp dẫn đối với những người yêu thích lối sống ảo.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhận xu hướng này một cách tích cực. Một bác sĩ tại bệnh viện tuyến cuối ở Bắc Kinh bày tỏ quan ngại, nhấn mạnh rằng y học cổ truyền đòi hỏi sự cá biệt hóa cao trong việc sử dụng dược liệu. Thể trạng và tình trạng sức khỏe của mỗi người là khác nhau, do đó không có một loại bánh nào có thể phù hợp với tất cả mọi người.

Ông cảnh báo rằng, các sản phẩm "bánh mì thuốc" chủ yếu đang khai thác khía cạnh văn hóa và tâm lý người tiêu dùng hơn là mang lại hiệu quả điều trị thực sự. Người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt rõ ràng giữa thực phẩm có bổ sung thảo dược và thuốc chữa bệnh.

Trước đó, một hiện tượng tương tự cũng gây xôn xao dư luận tại nhà tang lễ Erlong ở tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), khi nơi này bất ngờ trở nên đông đúc bởi món mì phục vụ tang quyến "quá ngon".

Theo VnExpress, ban đầu, căng tin của nhà tang lễ chỉ phục vụ đồ ăn cho những người đến lo hậu sự. Tuy nhiên, khi món mì tại đây nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ hương vị đặc biệt, không ít người đã giả làm thân nhân người đã khuất chỉ để được thưởng thức.

Nhà tang lễ Trung Quốc đông khách chỉ vì món mì quá ngon. Ảnh: Douyin.

Khi nhu cầu tăng cao, ban quản lý nhà tang lễ Erlong đã cho phép người dân vào ăn nhưng yêu cầu không làm ảnh hưởng đến khách viếng.

Một nhân viên nhà tang lễ tiết lộ bí quyết món ăn được ưa chuộng nằm ở nguyên liệu tươi ngon, nước hầm xương ninh trong nhiều giờ cùng công thức sốt ớt độc quyền. Điều này lý giải vì sao nhiều thời điểm khách phải chờ đợi hàng giờ mới đến lượt.

"Lượng người đến quá đông khiến chúng tôi gặp khó khăn trong việc phân biệt đâu là khách đến ăn mì và đâu là người đến lo tang lễ", người này cho biết.

Nhà tang lễ phục vụ nhiều loại mì vào bữa sáng và tối, với giá 10 tệ một bát (khoảng 35.000 đồng). Món mì thịt băm trộn lạc được nhiều người gọi nhất. Cơn sốt mì tại nhà tang lễ Erlong bắt đầu từ tháng 2/2025 sau khi một người dùng mạng xã hội giới thiệu địa điểm ăn uống mới lạ này tại tỉnh Quý Châu.

"Bạn tôi giới thiệu đồ ăn tại nhà tang lễ Erlong ngon lắm", người này chia sẻ trên mạng xã hội Xiaohongshu. "Số khách xếp hàng chờ ăn mì còn dài hơn cả đoàn người đặt vòng hoa viếng người đã khuất".

Nhiều người từ khắp Trung Quốc đã tìm đến đây để trải nghiệm món mì. Trên Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc), không ít người đăng tải hình ảnh vé ăn tại căng tin nhà tang lễ cùng cảnh tượng dòng người xếp hàng dài.

"Mọi người đều nói mì ở đây rất ngon. Nghĩ đến cuộc đời ngắn ngủi, tôi lại muốn ăn thêm bát nữa", một bình luận trên mạng xã hội viết. Trong khi đó, một người dùng khác lại bình luận: "Dù có ngon thế nào thì tôi cũng không muốn ăn ở đó, vì nhà tang lễ mang lại cảm giác không may mắn".

Tin nổi bật