Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giáp mặt “công chúa giáng trần” ngộ nhận có khả năng “cứu nhân độ thế”

(DS&PL) -

Trong quá trình trò chuyện, “Công chúa” tâm sự, bà làm việc giúp nhiều người là thế nhưng không ai biết, rồi có người muốn dỡ cung điện mà bà đang xây trên Ba Vì...

Được người quen “mách nước” về sự “giáng trần” của “Bà chúa Năm Thượng Thiên” và “Công chúa Tám Thượng Thiên” đang ngự tại xóm 2, thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, PV đã tìm đến địa chỉ này để được tận mục sở thị.

Huyễn hoặc khả năng giúp người

Được biết, “Bà chúa” và “Công chúa” nổi lên với biệt tài cho “uống nước lọc cũng khỏi bệnh”, bệnh nào khó quá bà mời “quan ngự y” là người trời giúp. Tuy nhiên, khi đến xóm 2, thôn Cao Giang, hỏi thăm nhà “Bà chúa” và “Công chúa” với biệt tài trên thì không mấy người biết. Những người nắm được thông tin thì cho biết, phải hỏi đến nhà M.C. hoặc A.C.

Căn nhà hai tầng của bà M.C. (tên thật là A.T.M., SN 1971) nằm sâu trong một ngõ nhỏ với hệ thống camera được bố trí khá dày. Tại đây, có khoảng chục người cả nam và nữ, già có, trẻ có giới thiệu là con của “Công chúa”. Họ đến từ nhiều nơi và làm những ngành nghề khác nhau nhưng đều có niềm tin tuyệt đối vào sự “giáng trần” của những nhân vật trên.

Qua giới thiệu được biết, “Công chúa” sẽ làm việc suốt tại trần, tới khoảng 21h, 21h30, “Công chúa” sẽ “thăng” và “Bà chúa” lại xuống trần làm việc. Hôm nào “Công chúa” mệt thì “Bà chúa” xuống làm việc thay từ tầm 20h. Đến 23h, 24h hàng ngày, “Bà chúa” thăng.

Bên cạnh đó, những “người con” này còn thông tin thêm, “Công chúa” không chỉ làm việc ở đây mà làm việc cả trên... thế giới. “Bà chúa” và “Công chúa” không bao giờ ngủ, chỉ có “cục thịt” nằm đó.

“Nói về khái niệm chữa bệnh, tới đây không chữa bệnh, không lễ nghi gì mà tới tự cảm nhận bằng tâm của mình tới đâu và có vấn đề gì. “Bà chúa”, “Công chúa” soi được sẽ giúp. Cách đây vài năm, “Công chúa” giáng trần (tức phần hồn – PV). Kể từ đó, “Công chúa” đi làm việc giúp nhiều người (việc này liên quan đến phần âm, người thường không nhìn thấy được - PV)”, một “người con” của “Công chúa” nói.

"Bà chúa" đang làm việc

"Bà chúa" đang làm việc.

Theo đó, lý lịch trích ngang của “Công chúa” cũng được một “người con” khác đưa ra: “Công chúa Tám Thượng Thiên là con gái Đức vua cha Ngọc hoàng Thượng đế, Mẫu mẹ Thượng Thiên. Người là em gái Công chúa Liễu Hạnh”. Và người này cũng khẳng định sự tin tưởng của mình vào “Công chúa”: “Nhà trời là thực thể hoàn toàn có thật, sự kiện Bà chúa Năm Thượng Thiên và Công chúa Tám Thượng Thiên giáng trần là điều đặc biệt may mắn đối với nhân dân, đất nước cũng như toàn thế giới. Đây là sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử loài người...”. Và câu chuyện ấy đã được anh gửi tới cấp lãnh đạo nơi mình đang công tác.

Khi được diện kiến “Công chúa”, người này xưng “ta” và gọi chúng tôi là “nhà ngươi”. Tuy nhiên, “Công chúa” cho biết, bản thân “Công chúa” không biết tiêu tiền, nên không cần đặt lễ. “Tất cả mọi người đến đây là thành tâm để cảm nhận những điều ta làm, điều ta nói”, “Công chúa” nhấn mạnh.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, “Công chúa” nói rằng cơ thể bà lúc là “Công chúa” như một đứa trẻ, lúc là “Bà Chúa Năm”. Sau màn chào hỏi, “Công chúa” lấy chiếc iPad ra chỉ cho chúng tôi xem hình ảnh mà người phụ nữ này lưu trong máy nói là người thân trên thiên đình có Đức vua cha, mẹ, các chị và “Công chúa” là thứ 8 trong gia đình ấy.

Tuy nhiên, hình ảnh mà người phụ nữ này cho chúng tôi xem thì thực chất là các nhân vật trong phim cổ trang. Đức vua cha là vua Càn Long, rồi có cả hình ảnh nữ diễn viên Phạm Băng Băng...

Trong quá trình trò chuyện, “Công chúa” tâm sự, bà làm việc giúp nhiều người là thế nhưng không ai biết, rồi có người muốn dỡ cung điện mà bà đang xây trên Ba Vì...

“Công chúa” bảo sẽ kiện những ai nói hoạt động của 2 người này ở đây là mê tín dị đoan và cả việc đình chỉ thi công cung điện trên Ba Vì. Đồng thời, người phụ nữ này cũng lên sẵn danh sách những nơi mà mình sẽ... đi kiện.

Sau đó, “Công chúa” tiếp tục nói về vấn đề thời sự mà phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương ngày 7/5. Nguyên nhân hoãn phiên tòa được “Công chúa” đưa ra là do... “Công chúa” hoãn, không cho xử?!

“Phiên tòa bố trí dày đặc công an hàng km từ ngoài vào, trong cũng vậy “nhan nhản” nhưng 9h kém, tự nhiên luật sư của Hoàng Công Lương đứng lên nói 1 câu và người chủ phiên tòa tự nhiên nói thôi hoãn nên hoãn. Còn hôm đó xử không thể rõ được. Họ tưởng rằng họ ngon ăn nhưng “Công chúa” lên Hòa Bình rồi. “Công chúa” làm việc thiện nhưng sẽ cứu bác sĩ Hoàng Công Lương đầu tiên”... Cứ thế, “Công chúa” nói nhưng không cảm thấy mệt hay mỏi miệng mà không biết, những gì mình nói khác với thực tế xảy ra. Bởi lẽ, phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương không bố trí công an hàng km từ ngoài vào, cũng không có luật sư bào chữa của bị cáo Hoàng Công Lương...

Thêm vào đó, “Công chúa” còn tự tin khẳng định: “Sáng nay (ngày 7/5 – PV) ta cứu “2 mẻ tòa”, thêm “mẻ” ở gì gì đó, cướp đất của dân. Hai “mẻ” kẻ cướp”.

Trước khi “thăng thiên” để “Bà chúa” xuống làm việc, “Công chúa” không quên nhắn mọi người rằng “Công chúa” cũng sắp phải đi tới 1 nơi rất xa để dựng lại đền của thần rắn.

Khi được chứng kiến cảnh “thăng thiên” của “Công chúa” và cảnh “hạ trần” của “Bà chúa”, chúng tôi thấy rất nhẹ nhàng, chỉ một cái rùng mình là đã thay đổi con người trong “cục thịt” của bà A.T.M.

Cung điện xây dựng trái phép

Nói về cung điện xây dựng tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội, một "người con” của “Công chúa” giới thiệu: “Cung điện là công trình tâm linh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận mệnh quốc gia, dân tộc Việt Nam cũng như toàn thể nhân loại”.

Khi PV có mặt trực tiếp tại cung điện, mặc dù bị đình chỉ xây dựng nhưng theo ghi nhận, có khoảng gần 10 “người nhà” của “Công chúa” đang có mặt tại đây để vừa trông coi cung điện, vừa trồng hoa cây cảnh. “Hiện tại trông coi đêm và thực thi nhiệm vụ ở đây có 3 người, còn lại có khoảng 30 người đi đi, về về.

Việc mua đất ở đây đã được nông trường Việt Mông và UBND xã Yên Bài ký. Trong hồ sơ giấy tờ, các đơn vị cho phép họ xây dựng 300m2, được phép xây nhà cấp 4 là 30mkiên cố. Chúng tôi làm chưa vượt quá cái gì nhưng trong quá trình xây dựng gặp khó khăn. Những việc này đang trong lịch trình rồi nên chúng tôi không muốn dừng lại ở cấp huyện mà phải dừng lại ở cấp Trung ương”, một “người con” trình bày.

Cung điện trên Ba Vì đang bị đình chỉ thi công

Cung điện trên Ba Vì đang bị đình chỉ thi công.

Dẫn PV đi tham quan cung điện, ông Nguyễn Văn Hào, người trông coi cung điện bảo, kinh phí xây cung điện là kinh phí nhà trời và nhà trời là của toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam!? Kiến trúc cung điện là nơi khác thiết kế nhưng dựa trên ý của “Công chúa” và được xây bằng gỗ mít.

Trao đổi với PV báo Điện tử Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài cho hay, đây là công trình sai phạm, sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy hoạch của địa phương. Ngày 3/4/2018, UBND xã đã đình chỉ thi công, yêu cầu toàn bộ máy móc, người và phương tiện đang thi công ở công trình ra khỏi khu vực. Ủy ban cử lực lượng an ninh ra chốt trạm tại khu vực này.

Đến nay công trình này hoàn toàn không xây dựng nữa, Ủy ban xã đã ra thông yêu cầu gia đình ông Long tự tháo dỡ công trình, đến ngày 4/5 phải tháo dỡ xong. Tuy nhiên ông Lê Viết Long là người đứng ra xây dựng công trình đã không tiến hành tháo dỡ. UBND huyện Ba Vì đã thành lập tổ công tác để xử lý công trình vi phạm này. Sau ngày 20/5, ông Long không tiến hành tháo dỡ công trình, phía UBND huyện sẽ xử lý theo quy định là cưỡng chế.

Hiện nay công trình đã hoàn thiện một số phần thô có quy mô diện tích xây dựng là 118m2. Trước đó, khi đoàn kiểm tra của UBND xã đến làm việc, họ cho toàn bộ công nhân và máy móc nghỉ, không ai ở đấy. Đoàn rời đi, họ lại cho công nhân xây dựng với tốc độ rất nhanh. Phần khung gỗ họ cho thi công ở nơi khác và mang về đây lắp ráp. Chính vì thế, việc giám sát gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV báo Điện tử Người Đưa Tin, ông Phạm Văn May – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, từ năm 2015 tới nay, chính quyền địa phương chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của người dân địa phương về việc bà A.T.M. có hoạt động truyền đạo trái phép hay chữa bệnh cho người dân.

“Bà M. trước đây làm nghề gốm nhưng có thời gian bà M. thường xuyên bị đau lưng. Rồi một ngày, mọi người truyền tai nhau, bà M. được ăn “lộc trời”. Sau đó, người dân ở nhiều nơi tới đây khám chữa bệnh, chủ yếu là bệnh đau lưng. Qua kiểm tra, bà M. không có bằng cấp nào liên quan tới ngành y. Tuy nhiên, vì bà M. không đăng biển khám chữa bệnh, thời điểm chính quyền xã kiểm tra, bà này cũng không truyền đạo trái phép nên rất khó để xử phạt hành chính” - ông May nói.

Nhóm PV (Theo Người Đưa Tin)

Tin nổi bật