Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giao xe máy cho con khi chưa đủ tuổi, "tổ lái", náo loạn, trách nhiệm của cha mẹ ở đâu?

  • Thục Hiền (T/h)
(DS&PL) -

Hành vi "giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ" là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm.

Nhiều cha mẹ vẫn vô tư giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi

Trên địa bàn TP.Hà Nội vừa qua liên tiếp xảy ra hai vụ án nghiêm trọng mà đối tượng gây án đều là học sinh. Trường hợp em tham gia đoàn đua xe dẫn đến tai nạn chết người, em khác cùng nhóm bạn thực hiện hành vi cướp tài sản. Điểm chung của những học sinh này là thiếu sự quan tâm, giám sát, và giáo dục từ phía gia đình và nhà trường; một số trường hợp còn xuất phát từ hoàn cảnh gia đình "đặc biệt," dẫn đến sự thiếu thốn trong sự chăm sóc đầy đủ.

Báo VietNamNet thông tin, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra đột xuất bãi trông giữ xe trong trường, xung quanh trường THCS & THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) và THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho thấy, còn nhiều phụ huynh xem nhẹ việc giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.

Cụ thể vào sáng 31/10, bên trong bãi trông giữ xe bên trong trường THCS - THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện nhiều xe mô tô nhãn hiệu: Honda Vision, SH150... có phân khối từ 110cc - 150cc.

Xe máy 125cc độ chế được học sinh vô tư điều khiển đến trường. Ảnh: VietNamNet

Hay trong sáng 4/11, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 kiểm tra đột xuất điểm trông xe trong trường THPT Cầu Giấy và một số bãi trông giữ xe lân cận cũng phát hiện 3 trường hợp học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn.

Ngay sau đó cán bộ CSGT tuyên truyền đến đại diện nhà trường và các em học sinh điều khiển xe máy đi học; đồng thời cho các em ký cam kết.

Khi làm việc với CSGT, một số phụ huynh tự nhận mình là người điều khiển phương tiện đưa xe vào trường rồi lấy xe ra về. Tuy nhiên, lực lượng CSGT đã nhanh chóng phát hiện và đưa ra bằng chứng là hình ảnh học sinh tự đi xe đến trường. Không thể biện minh, phụ huynh đó đành thừa nhận và ký vào biên bản xử lý.

Đáng chú ý, vào ngày hôm đó, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hà Thành khẳng định rằng sau buổi làm việc, trường sẽ kiên quyết không cho phép học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện gửi xe trong khuôn viên. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, nhà trường sẽ phối hợp cùng học sinh và gia đình để xử lý.

Tuy nhiên, đến ngày 11/11, tổ công tác Đội CSGT Đường bộ số 6 vẫn phát hiện một số học sinh tự lái xe đến và gửi xe tại khu vực giữ xe của Trường THCS - THPT Hà Thành.

Để con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, mời phụ huynh đến làm việc và xử phạt

Vào tối 8/11, Đội CSGT Đường bộ số 1 cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kết hợp giữa công khai và hóa trang trên các tuyến phố trung tâm như Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Trần Quang Khải... đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, bao gồm không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, xe không có biển số, vượt đèn đỏ...

Một trường hợp điển hình là M.Đ.K (17 tuổi, trú tại Hà Nội), điều khiển xe máy chở bạn với tốc độ cao, lạng lách trên đường. K. thậm chí còn đi vào làn đường ngược chiều trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) và va vào người đi đường. Khi bị tổ công tác yêu cầu dừng xe kiểm tra, K. thừa nhận đã mượn xe máy đi chơi cùng bạn và nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình.

Trong vài giờ, tổ công tác đã kiểm tra hơn 20 phương tiện và đưa gần 30 nam, nữ vi phạm về trụ sở công an để phân loại và xử lý, trong đó có nhiều em học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy.

Ông Trần Mạnh T., phụ huynh của một người vi phạm, chia sẻ rằng thời gian gần đây tình trạng thanh thiếu niên đi xe máy ẩu rất phổ biến, thường chở 3, chở 4 và không đội mũ bảo hiểm. Ông cho biết: "Tôi cũng đã nhắc nhở con từ trước là không được đi xe máy và luôn phải đội mũ bảo hiểm" đồng thời cho hay con trai mình hiện đang đi học.

Đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm, tạm giữ phương tiện. Ảnh: Tiền Phong

Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Tổ trưởng tổ công tác Y2/141, cho biết qua quá trình kiểm tra, nhiều người vi phạm có tuổi đời còn rất trẻ và chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn. Ngoài việc lập biên bản vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về gia đình, mời phụ huynh đến làm việc và xử phạt về hành vi giao xe cho con em sử dụng.

"Đối với các vụ việc có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan Công an sẽ xác minh, làm rõ, khởi tố vụ án hình sự, xử lý nghiêm theo quy định" - Trung tá Hiền nói.

Gia đình chính là tấm gương phản chiếu đối với con cái

Báo Tiền Phong thông tin, theo chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, ở độ tuổi 13-18, thanh thiếu niên bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì với những thay đổi nội tiết lớn, dẫn đến cảm xúc dễ dao động và dễ có hành vi bốc đồng.

"Tâm lý chung của lứa tuổi này là bứt phá khỏi khái niệm “trẻ con” nên cố gắng để trở thành người trưởng thành, khẳng định sự độc lập cũng như ý thức về cái tôi. Chính vì muốn thể hiện bản thân “đã trưởng thành” nên các em có xu hướng thực hiện những hành vi mạo hiểm, để chứng tỏ mình là người lớn, đặc biệt là các em trai" - vị chuyên gia tội phạm học phân tích.

Ngoài ra, sự khao khát khẳng định cái tôi thường khiến các em không nghĩ thấu đáo về hậu quả của hành động, hoặc bỏ qua những hệ lụy trong tương lai.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng gia đình là tấm gương phản chiếu quan trọng đối với trẻ. Nếu gia đình thiếu bố, thiếu mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ... thì trẻ rất thiệt thòi, đặc biệt về tình cảm. Chính sự thiếu hụt về tình cảm, thiếu sự quan tâm, hơi ấm gia đình dần dần trẻ thiếu tự tin, cảm giác mất an toàn, dần dần là bất cần.

"Ở trong gia đình thiếu sự quan tâm, trẻ không được định hướng trước những hành vi lệch lạc và tìm cảm giác an toàn bởi bạn bè cùng trang lứa có những trải nghiệm tiêu cực như tụ tập đua xe, gây rối, lạng lách đánh võng, sau đó là những hành vi nguy hiểm hơn như cướp, cướp giật…", vị chuyên gia phân tích, cũng có gia đình đầy đủ bố mẹ nhưng kém ý thức, thường xuyên vi phạm pháp luật liên quan đến tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc hoặc giao tiếp ứng xử trong gia đình không văn hóa, không có sự tôn trọng giữa các thành viên… thì trẻ có xu hướng hư rất nhanh.

Mặt khác, việc cha mẹ quá nuông chiều, đáp ứng mọi yêu cầu, con cái chỉ cần tập trung vào học tập mọi hoạt động lớn nhỏ trong nhà bố mẹ sẽ lo hết, quá bao bọc dẫn đến trẻ hình thành cái tôi rất lớn, mất đi tính tự lập, trở thành cái rốn của vũ trụ, đòi gì được nấy… những trẻ này sẽ có xu hướng thiếu kỷ luật, nên khi vi phạm pháp luật trẻ sẽ ỷ lại và tin rằng việc giải quyết với cơ quan chức năng là của bố mẹ.

Chuyên gia cũng cảnh báo rằng tâm lý của trẻ hiện nay dễ bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, mạng xã hội có nội dung bạo lực, kích thích máu anh hùng, cổ vũ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, hoặc thử thách cơ quan chức năng để thể hiện bản thân.

Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn, tìm hiểu tâm lý của con em mình và làm bạn với con để hiểu, từ đó có cách giáo dục phù hợp hơn.

Cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện

Việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả người giao phương tiện khi gây tai nạn giao thông.

Một nhóm "quái xế" tuổi từ 15 đến 16 tuổi điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng trên khu vực quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội bị cảnh sát 141 hóa trang xử lý. Ảnh: Dân Trí

Chia sẻ trên báo VOV, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi “giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ” là trái pháp luật, bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 10 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Theo đó, nếu biết một người không đủ điều kiện để điều khiển xe cơ giới hoặc xe máy chuyên dùng (chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, hoặc không đủ điều kiện về sức khỏe theo quy định) mà vẫn giao phương tiện cho người đó điều khiển tham gia giao thông thì hành vi này là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo luật sư Hùng, tại điểm đ Khoản 5 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” sẽ bị phạt tiền từ 800 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Đối với hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” sẽ bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8- 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

Luật sư Hùng cũng phân tích, theo quy định tại Điều 264 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, người nào giao xe cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% trở lên; Hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ phạm vào “Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Các loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là: Phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-30 triệu đồng.

Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà đối tượng chính gây án đang ở tuổi học sinh là "hồi chuông cảnh tỉnh" về trách nhiệm của mỗi người trong việc quản lý và sử dụng phương tiện giao thông. Việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện không chỉ có nguy cơ dẫn đến tai nạn mà còn đặt họ vào nguy cơ vi phạm pháp luật, phải đối mặt với những hậu quả không mong muốn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng, để việc tham gia giao thông được an toàn và văn minh hơn.

Tin nổi bật