Cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên nên được xem là một chính sách ngoại giao hoàn toàn mới thay vì sự thất bại trước sức ép từ các siêu cường thế giới.
Tên lửa, vệ tinh, và đầu đạn hạt nhân là những gì quốc tế nhớ về thủ đô Bình Nhưỡng. Các buổi lễ kỷ niệm chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân như một lời nhắc nhở tới người dân Triều Tiên và các du khách quốc tế về tầm quan trọng của dự án này với hình ảnh và an quốc phòng của đất nước. Trong hơn sáu thập kỷ, trải qua ba đời lãnh đạo, chính phủ Triều Tiên đã theo đuổi loại vũ khí hủy diệt này bất chấp chi phí to lớn, nguồn nhân lực tinh hoa và cả lệnh cấm vận khắt khe từ Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, lời hứa đơn phương của lãnh đạo Kim Jong-un về việc ngăn chặn các cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, đóng cửa trang web chính thức của chương trình là một cam kết bất ngờ và lạc quan cho cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.
Lãnh đạo Kim Jong Un trong lễ kỷ niệm phóng thành công tên lửa Hwasong-14 tháng 11/2017 - Ảnh: Guardian |
Sau nhiều tháng đàm phán ngoại giao căng thẳng và phức tạp, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ ngồi vào bàn họp để chính thức thảo luận về vấn đề vũ khí hạt nhân.
Nhưng các chuyên gia về Triều Tiên đã cảnh báo rằng tuyên bố mới nhất của ông Kim thực chất chỉ là một hoạt động ngoại giao quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh đất nước với chi phí không hề tốn kém. Chính quyền Triều Tiên chưa có bất cứ một động thái chính thức nào với vấn đề vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, lãnh đạo Kim Jong Un đang phải chịu áp lực rất lớn trên cả hai lĩnh vực trọng yếu là quân sự và kinh tế. Những cuộc tập trận trên biển Thái Bình Dương của khối liên minh Mỹ – Hàn – Nhật cho thấy những dấu hiệu không mấy khả quan và nền kinh tế vốn mong manh sẽ nhanh chóng sụp đổ một khi “anh cả” Trung Quốc quay lưng.
Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên - Ảnh: DailyMail |
Đã đến lúc chính quyền Bình Nhưỡng cần thay đổi chính sách ngoại giao cứng rắn truyền thống để đạt được mục tiêu làm đầy ngân khố quốc gia nhưng đó chắc chắn sẽ không phải điều nước Mỹ mong chờ: sự kết thúc của chương trình hạt nhân. Những tấm gương các nguyên thủ từng đối đầu với Mỹ và từ bỏ chương trình vũ khí riêng như Saddam Hussein của Iraq hay Muammar Gaddafi ở Libya để lại một bài học đắt giá cho các quốc gia nhỏ bé.
Giáo sư Alex Wellerstein - nhà sử học khoa học và vũ khí hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens, cho biết: “Mọi người thường nói rằng tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là hung hăng và điên rồ nhưng từ bỏ chương trình đó mới là điều điên rồ với họ”.
Mục tiêu của Bình Nhưỡng vẫn chưa bộc lộ rõ ràng nhưng theo giáo sư Alex, đó có thể là một yêu cầu xóa bỏ lệnh cấm vận hoặc lần đầu tiên trong lịch sử, đưa quốc gia cộng sản nhỏ bé sánh ngang với cường quốc Mỹ.
Cùng với chuyến đi thành công của Giám đốc CIA Pompei, thái độ thiện chí của lãnh đạo Kim dường như là tiền đề thuận lợi cho một hội nghị thượng đỉnh thành công. Từ Olympic Pyeongchang 2018 tới chương trình văn nghệ hàn gắn quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc, các chuyên gia đều nhận thấy nỗ lực thay đổi hình ảnh của ông Kim theo hướng cởi mở và thân thiện hơn.
Giám đốc CIA Michael Pompeo vừa có chuyến thăm Triều Tiên bí mật nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến diễn ra vào tháng 6/2018. - Ảnh: HR |
Theo một nguồn tin mật, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên có ý định hòa hoãn. Vào năm 2011, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã dành những tuần cuối cùng trong đời để thực hiện một thỏa thuận bí mật với Mỹ. Nội dung bao gồm đình chỉ thử nghiệm tên lửa hạt nhân và khai thác urani. Đổi lại, nước Mỹ sẽ viện trợ lương thực và ngân sách quốc gia cho Triều Tiên. Thỏa thuận hòa bình này sau đó đã không được thực hiện khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền.
Hiện nay, ngay cả khi Triều Tiên đã cam kết sẽ phi hạt nhân hóa, thật khó để theo dõi tình hình thực tế với hệ thống truy cập thông tin luôn được kiểm soát chặt chẽ tại đây. Giáo sư lịch sử Peter Ward của Đại học Quốc gia Seoul, nói: “Triều Tiên có các hoạt động khai thác uranium, kho chứa, dây chuyền sản xuất và lưu trữ ngầm bí mật cùng rất nhiều nhà khoa học có kinh nghiệm. Rất khó để biết họ thật sự đang làm gì.”
Trước mắt, cuộc đàm phán lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6. Ngày 18/4 vừa qua, một quan chức Hàn Quốc cũng cho biết hai nước này sẽ sớm chính thức công bố kết thúc tình trạng chiến tranh kể từ sau lệnh ngừng bắn vào năm 1953. Đây là những động thái đáng mừng đối với an ninh quốc phòng khu vực Thái Bình Dương nói riêng và châu Á nói chung.
Thu Phương (Theo Guardian)