Trước sức ép của dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Liên Hiệp Quốc, vì sao chính quyền Bắc Kinh vẫn ngần ngại trong việc thi hành lệnh cấm vận với Triều Tiên sau vụ thử tên lửa hạt nhân?
Trong lịch sử hiện đại, năm 2017 không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc bị yêu cầu thi hành lệnh cấm vận thương mại với Triều Tiên nhưng sau vụ thử tên lửa hạt nhân Hwasong-15 vào tháng 9 vừa qua, sức ép ngày càng lớn. Vậy đâu mới là nguyên do chính của sự lưỡng lự này?
Bình Nhưỡng không phải là mối đe dọa với Trung Quốc
Trên thực tế, với cơ chế chính trị và đường lối phát triển hoàn toàn tương đồng, Triều Tiên chưa bao giờ là một mối đe dọa với Trung Quốc. Ngược lại, với mức độ tăng trưởng nhanh của ngành xuất khẩu nhiên liệu thô (than đá, dầu mỏ…) giữa hai nước, đây là lợi ích kinh tế song phương hoàn toàn đáng được duy trì.
Về thương mại, Trung Hoa Đại lục và Hong Kong từ lâu đã trở thành “thiên đường” cho chính phủ và giới thượng lưu Triều Tiên thực hiện các giao dịch ngoại tệ một cách khéo léo và bí mật dưới lệnh cấm vận của Mỹ. Trong tình hình an ninh khu vực Thái Bình Dương bị đe dọa bởi đầu đạn hạt nhân từ thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Kinh cũng hoàn toàn nằm ngoài tầm ảnh hưởng và sự bất ổn này, về lâu dài, chỉ nâng cao thêm vị thế của Trung Quốc tại châu Á và với phương Tây.
Trong chuyến công du tới Bắc Kinh tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng phát biểu: “Chủ tịch Tập Cận Bình có mọi quyền lực cần thiết để giải quyết các vấn đề của Triều Tiên…” nhưng một quan chức Nhà Trắng khác đã cảnh báo “…và ông ấy sẽ không làm vậy”.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tử Cấm Thành tháng 11/2017 - Ảnh: AsiaOne |
Những ảnh hưởng kinh tế đối với các tỉnh biên giới giáp Triều Tiên
Theo CNN, thị trấn Đan Đông giáp biên giới Triều Tiên đã có nhiều thay đổi đáng kể từ khi Trung Quốc thực hiện lệnh cấm vận.
Các ngành dịch vụ và hàng hóa trước đây cung cấp cho người dân Triều Tiên bên kia sông Áp Lục đã hoàn toàn biến mất. Rất nhiều người dân mất nguồn thu nhập ổn định hoặc thất nghiệp. Các xe chở hàng từ Triều Tiên chủ yếu chỉ còn một số loại hải sản và không còn nhộn nhịp như trước do thiếu nhiên liệu vận hành.
Với 2,3 triệu dân (tính đến năm 2010), nền kinh tế của tỉnh Đan Đông sẽ trở thành vấn đề lớn nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự siết chặt các trao đổi thương mại về nhiên liệu. Trong tình hình hiện nay, lệnh cấm vận sẽ gây ra thiệt hại cho cả hai phía và Trung Quốc chắc chắn không mong chờ điều đó.
Quảng trường tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên - Ảnh: Dailymail |
Trung Quốc – cường quốc tiên phong còn nhiều bỡ ngỡ
Trong nửa cuối năm 2017 và tháng 1/2018, cán cân quyền lực quốc tế đã nghiêng về Trung Quốc trong khi Mỹ đang phải đối mặt với vô số bất ổn về chính trị, đồng USD trượt giá và nguy cơ phải đóng cửa Nhà Trắng sau cuộc khủng hoảng Jerusalem. Nước Anh 'sa lầy' sau Brexit cũng đang tìm tới Trung Quốc như vị cứu tinh cuối cùng của Đảng Bảo thủ.
Việc nắm được quyền lực một cách bất ngờ khiến chính quyền Bắc Kinh gặp nhiều khó khăn trong các đường lối đối ngoại. Đại hội Đảng lần thứ 19 chỉ tập trung phần lớn vào các chính sách đối nội như chống tham nhũng hay phát triển kinh tế theo chiến lược “Một vành đai – Một con đường”.
Trên thực tế, giữ vai trò trung gian và hòa hoãn giữa hai đối thủ chính trị căng thẳng dường như là phương án hiệu quả nhất với chủ tịch Tập Cận Bình trong thời điểm hiện tại.
Cuối năm 2017, hàng loạt hãng tin của Mỹ tố cáo Nga vẫn giao dịch dầu thô với Triều Tiên cho thấy chính Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng đang cố gắng duy trì tính toán khôn ngoan này.
Thu Phương