Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gian lận trong thi cử: Thí sinh bị hủy bài thi trong trường hợp nào?

(DS&PL) -

“Trường hợp thí sinh không tác động gì vào bài thi thì không được hủy bài thi của thí sinh. Thay vào đó phải trả điểm thật cho các em”.

Liên quan đến việc gian lận trong thi cử, luật sư cho rằng: “Trường hợp thí sinh không tác động gì vào bài thi thì không được hủy bài thi của thí sinh. Thay vào đó phải trả điểm thật cho các em”.

Liên quan đến công tác thi cử, bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 ban hành Quy chế thi trung học phổ thông Quốc Gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cùng nhiều Nghị định, Thông tư điều chỉnh về vấn đề này.

Nếu thí sinh không tác động vào bài thi thì sẽ không bị hủy kết quả. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong mỗi kỳ thi lớn vẫn không tránh khỏi những sai sót, tiêu cực không đáng có. Vừa qua, dư luận xôn xao trước lùm xùm về việc gian lận thi cử trong kỳ thi THPT 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình. Một câu hỏi được đặt ra, trong trường hợp nào thí sinh bị huỷ kết quả thi?

Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin về vấn đề này, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang (đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay:

Luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang

Căn cứ theo Điều 38 của Quy chế thi THPT Quốc Gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông về điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT là:

“1. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

2. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, được miễn thi tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Quy chế này được công nhận tốt nghiệp THPT.

3. Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, được miễn thi tất cả các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia theo quy định tại Điều 33 Quy chế này được công nhận tốt nghiệp THPT”.

Điều 49 của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định các hình thức xử lý thí sinh vi phạm quy chế. Theo đó, mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.

Một trong những hình thức xử lý là: Hủy kết quả thi áp dụng khi thí sinh “để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp”.

Hình thức tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: “a) Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; b) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; c) Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; d) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; đ) Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp; e) Có bằng chứng về vi phạm quy chế thi mà không thực hiện đúng quy định tại điểm b, c, d khoản 3 Điều 47 Quy chế này”.

Theo luật sư Vinh, thí sinh tham gia vào kỳ thi THPT Quốc Gia là một trong những chủ thể được điều chỉnh bởi Quy chế thi trung học phổ thông Quốc Gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chiếu theo quy định của các điều luật nêu trên, luật sư Vinh cho rằng: Trong trường hợp thí sinh không tác động gì vào bài thi thì không thể hủy bài thi của thí sinh. Lỗi ở đây được xác định là do bên chấm thi công bố sai điểm.

“Trong trường hợp này, cần trả lại điểm thật cho thí sinh. Thí sinh được hưởng kết quả theo điểm thật, ai đủ điểm đỗ thì vẫn được vào học Đại học, ai không đủ thì bị đánh trượt”, luật sư Vinh nói.

Còn nếu thí sinh tác động vào bài thi, căn cứ theo Quy chế thi trung học phổ thông Quốc Gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh đó có thể bị xử lý tùy theo mức độ lỗi vi phạm.

Cũng theo quan điểm của luật sư Vinh, trong trường hợp các thí sinh không tác động gì vào bài thi nhưng phụ huynh của thí sinh đó đã tác động, nhờ vả đến người chấm thi để nâng điểm cho con em mình, nếu có căn cứ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ. Còn chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm và số tiền đã hối lộ.

“Hiện tại, nhiều cán bộ liên quan đến vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, luật sư Vinh cho biết.

Nêu quan điểm về công tác giáo dục hiện nay, luật sư Vinh cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cải tiến nhiều trong công tác giáo dục để giảm tải chi phí cho xã hội, cụ thể là gộp 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi. Trong giai đoạn chuyển tiếp này thì việc tổ chức thi như hiện nay cũng mang lại một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên về trình tự, thủ tục, quy chế ở các khâu cần quy định chặt chẽ hơn nữa để tránh xảy ra tình trạng sai phạm như trên.

“Chính quyền địa phương, đặc biệt là sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, công an khu vực coi thi cần nghiêm chỉnh chấp hành hơn nữa các quy định về quy chế thi. Qua sự việc này có thể thấy, Chủ tịch Hội đồng thi chưa quán triệt hết các quy định của pháp luật, dẫn đến vi phạm pháp luật”, luật sư Vinh nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Vụ phó Giáo dục Đại học (bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng trả lời trước báo chí rằng: Khi chưa chứng minh được thí sinh gian lận thì phải trả điểm thật cho các em. Khi có bằng chứng chứng minh thí sinh móc nối với bị can thì sẽ xử lý theo quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật