Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gian lận điểm thi cho con: Phụ huynh đẩy con vào thói quen ỷ lại, có "lót đường"

(DS&PL) -

Từ những vụ gian lận điểm thi có thể nhìn thấy phụ huynh đang có suy nghĩ “lót đường” cho con, mà không nhận ra.

Từ những vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong các kỳ thi THPT Quốc gia, có thể nhìn thấy phụ huynh đang có suy nghĩ “lót đường” cho con, mà không nhận ra, sẽ vô tình đẩy con trở thành người ỷ lại, quen dựa dẫm và không muốn phấn đấu vì mục tiêu của bản thân.

Mới đây, bộ Công an đã bàn giao 28 thí sinh gian lận thi cử ở Hòa Bình đang học tại ngành công an lại địa phương.

Trước diễn biến này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Theo tôi, việc này, bộ GD&ĐT vẫn thực hiện hơi chậm, vì tính đến thời điểm này, các sinh viên đã học được gần một năm học, mà bây giờ mới có kết quả từ kỳ thi tuyển sinh năm 2018. Đáng lẽ, kết quả này phải có sớm hơn, để không khiến các thí sinh tham gia cùng kỳ thi tuyển sinh đó phải chịu thiệt thòi. Các bạn ấy sẽ có tâm lý hoang mang, thiếu niềm tin, biết rằng nhiều bạn học hành không đáp ứng nổi bài thi mà vẫn đủ điểm đỗ, thậm chí được điểm cao, khiến các thí sinh đó không thoải mái.

Các thí sinh đỗ bằng cách gian lận, mặc dù đến thời điểm này họ đã bị trả giá, nhưng đáng ra phải trả giá sớm hơn, để có thể phấn đấu, cố gắng vươn lên và vượt qua được kỳ thi bằng thực lực của mình, không phải phụ thuộc gian lận. Hiện tại, sau khi học một thời gian rồi công khai ra, họ cũng sẽ bị lỡ dở một năm học trong trường. Bên cạnh đó, cũng không thể tránh khỏi ánh nhìn của mọi người xung quanh.

Đối với các phụ huynh, đây không phải là hành động giúp đỡ con mà là hại con. Khi họ nâng điểm cho con, họ nghĩ rằng họ tạo cho con cái ưu thế, để con có được vị trí mà đáng ra không thuộc về con. Và họ nghĩ rằng đây là một lợi thế cho con bước vào đời. Tuy nhiên, tôi khẳng định, đây không phải là giúp đỡ”.

Gian lận kết quả trong kỳ thi THPT Quốc gia là do bố mẹ "lót đường" cho con.

“Tôi xin chia sẻ thật, trước đây, trong lớp tôi cũng có một bạn mà cả lớp đều nhận thấy, có sự hỗ trợ của bố mẹ mới có được điểm số cao như thế, vì không đúng với lực học, vì thế, không một ai trong lớp tôi tôn trọng bạn đó, chúng tôi luôn luôn nhìn người bạn đó với ánh mắt coi thường.

Sau này, tất cả những gì mà bạn đó đạt được cũng thể hiện một sự thiếu tự tin khi đã trải qua quá trình học không đúng với lực học của mình. Những thí sinh đã đỗ bằng con đường chạy chọt chắc chắn cũng sẽ gặp những ánh nhìn như vậy.

Các thầy cô giáo tại các trường đại học cũng sẽ không ưa những sinh viên này vì họ không phải người tiếp tay cho chính sinh viên đó vào trường. Họ lại phải chịu một phần trách nhiệm với kết quả học tập và rèn luyện của những sinh viên này.

Bản thân tôi đã là giảng viên hơn 20 năm, tôi hiểu những sinh viên vào trường thông qua chạy chọt hay một cách nào đó, sẽ phải tham gia một cuộc đua mới, gặp vô vàn khó khăn vì không đáp ứng được yêu cầu nền tảng, kiến thức và kỹ năng theo nhu cầu của trường, sẽ bị đuối và nhiều trường hợp có thể không đủ điều kiện tốt nghiệp”, bà Hương phân tích.

TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh: “Phụ huynh cứ nghĩ điều này tốt cho con nhưng thực ra lại là ngược lại, có thể làm hại cả cuộc đời con”.

“Mọi người nghĩ rằng, những gia đình đại gia có thể dùng tiền chạy điểm cho con từ kỳ thi tuyển sinh đến những bài kiểm tra đánh giá năng lực trong giảng đường đại học. Tuy nhiên, việc này rất hãn hữu, bởi vì khó khăn hơn rất nhiều. Không phải giảng viên nào cũng chấp nhận mua điểm. Vì vậy, thí sinh được vào trường không phải do thực lực, sẽ rất vất vả để qua môn, đặc biệt là để được điểm cao”.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Việc phụ huynh bỏ tiền chạy điểm cho con được đỗ vào trường tốt và thậm chí điểm cao, là một cách nghĩ xấu, nhưng thật tiếc là lại khá phổ biến. Bố mẹ thường muốn con mình có một chút gì đó may mắn, muốn con đạt một kết quả cao hơn so với thực lực.

TS. Lê Viết Khuyến khẳng định điều đó làm cho con cái sinh thói ỷ lại và dựa dẫm.

Chính điều đó khiến con cái ỷ lại, không thực sự cố gắng hết mình với năng lực bản thân. Thứ hai nữa, làm cho học sinh không có phản ứng trước những tiêu cực. Đặc biệt chúng ta cần học sinh có tính trung thực, mà phụ huynh lại làm như vậy, tức là tạo nền tảng gian lận cho con, sẽ làm hỏng cả một thế hệ”.

“Tôi hy vọng kỳ tuyển sinh tới sẽ diễn ra thật trung thực, để có kết quả đúng với thực lực của mình. Để có một kỳ thi sáng sủa hơn, ngày càng hạn chế những tiêu cực”, TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Cẩm Mịch
Người Đưa Tin

Tin nổi bật