Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giãn cách cho học sinh trở lại trường học: Bài toán khó thách thức ngành giáo dục

(DS&PL) -

Những ngày cuối tháng Tư, các tỉnh thành đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch cho học sinh trở lại trường, “bắt nhịp” lại với chương trình của năm học 2019-2020.

Những ngày cuối tháng Tư, các tỉnh thành đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch cho học sinh trở lại trường, “bắt nhịp” lại với chương trình của năm học 2019-2020. Với phương châm “sức khỏe của học sinh được đặt lên hàng đầu”, các trường học phải đảm bảo giãn cách cho học sinh từ 1,5-2m, nhưng phải làm thế nào khi sĩ số quá đông mà diện tích thì không nhiều?


Học sinh tại nhiều địa phương đã quay trở lại trường học.

Giãn cách cho học sinh như thế nào?

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên cho biết: “Theo kế hoạch, học sinh khối THCS, THPT và giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 27/4. Đối với khối tiểu học sẽ trở lại trường từ ngày 4/5 và khối mầm non 5 tuổi sẽ bắt đầu đi học từ ngày 11/5.

Thời gian qua, mặc dù cũng có những vất vả, nhưng các thầy cô vẫn luôn sát sao với học sinh, mỗi ngày đều 2 lần cập nhật kiểm tra sức khỏe của học sinh qua nhóm Zalo, trao đổi với phụ huynh để quan tâm kịp thời. Học sinh đến trường sẽ được kết hợp đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe trước khi vào lớp học, học sinh nào có biểu hiện nghi ngờ về sức khỏe sẽ được chuyển đến phòng y tế và phòng chăm sóc, báo cáo với trung tâm y tế để xử lý”.

“Khi học sinh đi học trở lại, nhà trường dự kiến chia mỗi lớp thành 2 phòng, đảm bảo không quá 30 học sinh/phòng học. Toàn trường cũng sẽ chia thành hai buổi học, một nửa học buổi sáng, một nửa phòng học buổi chiều để đảm bảo giãn cách cho mỗi học sinh từ 1,5-2m. Các thầy cô sẽ tập trung chăm sóc cho học sinh theo đúng quy định, nhà trường huy động tối đa giáo viên trong lớp để đảm bảo an toàn cho học sinh”, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên thông tin thêm.

Chia sẻ về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Phòng GD&ĐT đã họp trực tuyến với các Hiệu trưởng, yêu cầu lập các phương án, trong tuần tới sẽ dọn dẹp vệ sinh môi trường, khử khuẩn các trang thiết bị, chuẩn bị sẵn sàng phương án, trước thời điểm cho học sinh trở lại trường sẽ rà soát lại công tác khử khuẩn bằng hoá chất cloramin B. Tính đến nay, đã được 5 đợt tổng vệ sinh, và trước khi đón học sinh trở lại trường sẽ tiến hành tổng vệ sinh thêm một lần nữa.

Phòng GD&ĐT yêu cầu các nhà trường trang bị dung dịch sát khuẩn khô, các trường trên địa bàn quận cũng đã trang bị mỗi lớp một thiết bị đo thân nhiệt. Các nhà trường phải luôn sẵn sàng phòng y tế, phải chuẩn bị một phòng cách ly tại chỗ.

Các hoạt động tập thể trong giai đoạn này sẽ tạm dừng, những thông tin được thông báo trong các buổi Chào cờ trước đây, sẽ được chuyển đến các lớp qua các kênh online. Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các trường khuyến cáo cho học sinh đeo khẩu trang khi lên lớp, có thể là khẩu trang vải, không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế. Trong giờ ra chơi, giáo viên sẽ thường xuyên nhắc nhở, lưu ý học sinh tránh tập trung đông, hạn chế tiếp xúc, đặc biệt với khối tiểu học là lứa tuổi hiếu động hơn và đôi khi có thể hơi mải chơi”.

Đối với việc giãn cách học sinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng thông tin thêm: “Trong trường hợp nếu một vài ngày tới sẽ không phát hiện thêm ca mới, có thể cho toàn bộ học sinh trở lại trường.

Một lớp đông nhất trên địa bàn hiện nay là 50 học sinh. Trong trường hợp phải giãn cách học sinh trong lớp theo chỉ đạo, dự kiến chúng tôi sẽ chia mỗi lớp thành 2 nhóm với lớp có sĩ số ít và chia 3 nhóm với lớp có sĩ số đông, có thể phân chia cứ 1/3 sĩ số lớp sẽ học 2 ngày, lần lượt như vậy, để đảm bảo khoảng cách an toàn. Nhà trường cũng sẽ kết hợp cho học sinh học trực tuyến để đảm bảo kiến thức”.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ trở lại trường từ ngày 27/4, đối với tất cả các khối lớp. Theo chỉ đạo của bộ GD&ĐT, chúng tôi cũng dự kiến giãn cách đảm bảo an toàn cho học sinh. Sĩ số các lớp học trên vùng cao thường từ dưới 35 học sinh/lớp, và phòng học cũng rộng rãi nên vẫn đủ không gian để ngồi giãn cách. Đồng thời, chúng tôi cũng lưu ý nhắc nhở học sinh phải đeo khẩu trang nghiêm túc khi đến trường.

Bên cạnh đó, các trường học cũng tiến hành đo thân nhiệt cho học sinh trước giờ vào lớp, trang bị dung dịch rửa tay khô cho học sinh và lắp đặt thêm hệ thống vòi nước rửa tay di động, trước kia, chỉ có một vài nơi có thôi, hiện giờ, Sở đã yêu cầu các trường phải lắp đặt thêm để học sinh có thể vệ sinh thường xuyên. Sở đã có văn bản hướng dẫn triển khai ở các trường, đã tiến hành rà soát, kiểm tra thường xuyên, sát sao”.

“Bài toán khó” cho nhiều trường

Sau khi thấy thông tin về giãn cách học sinh tại một số địa phương, anh Bùi Ngọc Phúc, một phụ huynh tại Hà Nội bày tỏ băn khoăn: “Khi nghe thông tin các con sẽ quay trở lại trường và các trường phải thực hiện giãn cách cho học sinh, phụ huynh chúng tôi đương nhiên cũng không thể không lo lắng.

Việc giãn cách là bắt buộc song thực tế vẫn còn nhiều băn khoăn với nhiều bậc phụ huynh. Và nếu việc tách lớp thành nhiều nhóm mà trường không đủ phòng học, sẽ dẫn đến việc các con phải học so le các buổi khác nhau, việc học có thể sẽ không được liên tục, mà học trực tuyến thì lại không phải bạn nào cũng có thể tiếp thu được, không có sự tương tác, hiệu quả không được như học trên lớp.

Theo tôi thì đây chỉ là giải pháp tình thế, nếu các trường đã hết cách rồi, thì tôi hy vọng, bộ GD&ĐT sẽ nghĩ đến việc giảm tải hơn nữa cho các con. Năm nay, sự an toàn của sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu, kiến thức cần được tinh gọn lại, các thầy cô cũng phải có cách đánh giá phù hợp với thực tế, không quá khắt khe và đòi hỏi như các năm trước”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie khẳng định sẽ không để học sinh trở lại trường nếu vẫn yêu cầu giãn cách.

Trao đổi về việc đảm bảo giãn cách cho học sinh, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie cũng bày tỏ những trăn trở: “Chúng tôi cũng đã thảo luận về vấn đề này. Nếu thành phố cho học sinh các trường đi học mà yêu cầu giãn cách bằng cách chia nhỏ, tách lớp thành 2-3 nhóm để dạy lệch giờ, thì nhà trường sẽ không cho học sinh đi học trở lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc học online, chờ đến khi nào thành phố tuyên bố đủ điều kiện để học sinh cả lớp cùng được đi học như nhau thì mới “mở cửa” trường học. Bởi vì việc đảm bảo giãn cách này căn bản là không thể thực hiện được!

Việc chia nhỏ lớp học là không thể thực hiện, nếu để học sinh cùng một lớp học lệch ca nhau rồi sẽ dẫn đến việc học tiếp tục bị ngắt quãng, bên cạnh đó, còn rất nhiều sinh hoạt của học sinh, không thể giám sát và đảm bảo an toàn 100% được. Vì vậy, chúng tôi chờ quyết định đi học mà không phải giãn cách...”.

Trước “bài toán” giãn cách học sinh, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, bộ GD&ĐT cũng đánh giá: “Thực ra, đây là một vấn đề rất khó xử lý. Mặc dù theo quy định của bộ Y tế, việc giãn cách là điều kiện để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, xét trong trong thực tế, điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta hiện nay rất khó khăn để bố trí, phân chia lớp học. Nếu tổ chức tách 1 lớp thành 2 lớp, 3 lớp thì cũng phải phân bổ được giáo viên dạy đi theo. Đó chính là khó khăn lớn nhất đối với mỗi nhà trường.

Bên cạnh đó, yêu cầu giãn cách 1,5m là rất khó thực hiện. Bởi vì, học sinh đến trường không phải chỉ ngồi một chỗ để học, mà giờ giải lao, học sinh cũng còn ra chơi, chạy nhảy, giao tiếp, tiếp xúc với nhau, mặc dù thầy cô có thể nhắc nhở học sinh đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhưng các thầy cô cũng không thể cấm học sinh nói chuyện, tiếp xúc với nhau. Đặc biệt là ở lứa tuổi càng nhỏ, việc giãn cách học sinh càng khó!

Đứng trước khó khăn như vậy, tôi chỉ có thể chờ sáng kiến của các trường, để khắc phục khó khăn”.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng, ngành giáo dục cần phải biến thách thức thành cơ hội để chuyển mình.

Thách thức cho ngành giáo dục

Trước bối cảnh các tỉnh thành chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT đánh giá: “Hiện tại, đứng trước những thắng lợi ban đầu đối với dịch Covid-19, cũng không thể nào kéo dài mãi tình trạng nghỉ học của học sinh cả nước. Chính vì vậy, ngành giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác, đang bắt đầu khởi động trở lại để “bắt nhịp” và đảm bảo chương trình năm học.

Tuy nhiên, cũng không thể lơ là, chủ quan, các nhà trường cần tiếp tục cảnh giác, đề phòng dịch bệnh có thể quay lại hoành hành. Bộ GD&ĐT cũng đã có những hướng dẫn hợp lý đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, một cách thận trọng, nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn cũng có thể còn nhiều khó khăn.

Khi học sinh đến trường, phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản về tự bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn thường xuyên và đảm bảo giãn cách. Đối với việc giãn cách, phải tính toán làm sao để sĩ số lớp học nhỏ lại, tách lớp chia buổi học sáng - chiều, chủ động sắp xếp lại thời khóa biểu, trước đây học 5 buổi thì có thể tăng lên học 6 buổi”.

“Theo tôi, đối với những nơi có điều kiện học trực tuyến hay truyền hình tốt, thì các địa phương, các trường có thể nghiên cứu, cân nhắc để học sinh có thể học đan xen giữa học trực tiếp trên trường lớp với học trực tuyến, học qua truyền hình khoảng 2 buổi/tuần. Tức là, xem xét đối với những môn có thể học trực tuyến hay truyền hình thì nhà trường sắp xếp để những buổi đó, học sinh không phải lên lớp, phụ huynh cũng đỡ phải đón đưa. Như vậy, sẽ giảm được tần suất đi học, giảm mật độ ra đường, giảm nguy cơ”, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nói.

Cẩm Mịch

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (68)

Tin nổi bật