Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảm thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu xuống 15 năm để “giữ chân” người lao động?

(DS&PL) -

Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm đã nhận được sự quan tâm lớn của người lao động và giới chuyên gia.

Số người rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu lớn

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ra đời từ năm 2008, nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá sau hơn 10 năm triển khai, đặc biệt là từ nửa cuối năm 2018 đến nay.

Tuy nhiên, theo thống kê của bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Chính vì vậy, từ đầu năm 2021, bộ LĐ-TB&XH đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị về việc rút ngắn thời gian tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống 10 năm, để nhiều người được hưởng lương hưu hơn.

Theo đó, Bộ cho biết, hiện rất nhiều nước đang lấy mốc 10 năm là khoảng thời gian được xem là đủ điều kiện hưởng lương hưu, do đó, đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Luật BHXH 2014.

Bộ cũng cho biết, chính quy định điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu hết sức chặt chẽ đã dẫn tới số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu là khá lớn.

Cụ thể, theo thống kê sơ bộ trong 5 năm gần đây của cơ quan này, tổng số người hưởng BHXH một lần là trên 3,7 triệu người, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia BHXH rời khỏi hệ thống. Như vậy, chiếm trên 5% tổng số người tham gia BHXH, tương đương cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Con số này được nhận định là quá lớn so với nỗ lực phát triển đối tượng tham gia BHXH của toàn ngành BHXH. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng phản ánh số người tham gia mới không đủ bù đắp cho những người hưởng chế độ BHXH một lần, do đó công tác phát triển đối tượng BHXH hiện đang gặp nhiều hạn chế.

Vì lẽ đó, bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Cần tính toán mức hưởng để khuyến khích tham gia BHXH

Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm đã nhận được sự quan tâm lớn của người lao động và giới chuyên gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trên là phù hợp vì sẽ góp phần kéo giảm thực trạng người lao động đăng ký nhận chế độ BHXH một lần, thu hút được nhiều người tham gia BHXH, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi nhưng số năm tham gia BHXH thấp vẫn được hưởng các quyền lợi BHXH…

Anh Nguyễn Như Hòa (45 tuổi, quê Thái Bình) cho biết, anh làm công nhân tại khu công nghiệp ở Bắc Ninh đã 13 năm và còn ít nhất 7 năm nữa mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 vừa qua, do công ty không có việc nên nhiều công nhân phải nghỉ làm. Một số người phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

“Tôi chỉ sợ mình không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc và đóng BHXH đến lúc đủ điều kiện được nhận lương hưu. Nếu giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm rồi đến 10 năm để nhận lương hưu thì rất tốt, nhất là đối với những người làm công việc nặng nhọc và môi trường độc hại...” - anh Hoà bộc bạch.

Thực tế, nhiều người lao động nhận BHXH một lần, tức là không có lương hưu đang diễn ra khá phổ biến.

Chia sẻ về trường hợp của mình, ông Lê Văn Thanh (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, thời điểm ông xin thôi việc dù đã đủ 20 năm đóng BHXH nhưng do chưa đủ tuổi nên không được lãnh lương hưu mà buộc phải chờ hơn 10 năm sau. Sau khi tính toán, ông thấy rằng nếu chờ đúng thời điểm để lãnh lương thì mức hưởng nếu áp dụng theo cách tính hiện nay sẽ rất thiệt thòi nên ông quyết định nhận BHXH một lần.

“Theo tôi, ngoài việc giảm thời gian đóng BHXH, cơ quan chức năng nên cân nhắc sửa đổi các quy định liên quan đến việc giải quyết chế độ hưu trí sao cho phù hợp, làm sao để quyền lợi của người lao động được đảm bảo một cách tốt nhất” - ông Thanh kiến nghị.

Không chỉ có người đang tham gia đóng BHXH, mà một số người đang nhận lương hưu cũng có ý kiến đề xuất cơ quan chức năng nên tính toán mức lương hưu phù hợp hơn để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Với nhiều trường hợp, lương hưu không chỉ đơn thuần là khoản lương hằng tháng mà còn là chỗ dựa cho người lao động khi về già.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông bày tỏ, sở dĩ có nhiều lao động rút BHXH một lần là do điều kiện sống của họ còn nhiều khó khăn, lương thấp. Do vậy, khi gặp khủng hoảng, lao động thường đi rút một lần để trang trải cuộc sống.

Theo ông, nên có quy định thừa nhận sổ BHXH như một tài sản giống sổ đỏ nhà đất để họ có thể thế chấp vay mượn khi gặp khó khăn cấp bách. Nhà nước có thể chủ trì để ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện việc này.

“Nếu làm được như vậy, công nhân sẽ có tiền để giải quyết khó khăn trước mắt mà vẫn bảo lưu được thời gian đóng BHXH, không rời lưới an sinh. Bởi trên thực tế, dù pháp luật chưa cho phép nhưng tình trạng mua bán sổ BHXH vẫn diễn ra sôi nổi”, ông Đồng nhìn nhận.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, đề xuất trên thực chất là xử lý tình huống đối với những lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH, còn mục tiêu chính của chính sách BHXH vẫn phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.

“Khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm, mức hưởng sẽ giảm đi, dẫn đến lương hưu rất thấp. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tính toán mức hưởng là bao nhiêu để khuyến khích người dân tham gia BHXH. Và về lâu dài, nên khuyến khích người lao động đóng nhiều năm để sau này hưởng mức lương hưu cao hơn”, ông Huân nói.

Cần có những chính sách đồng bộ đi kèm

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng (Chuyên gia về an sinh xã hội) cho hay, ở nhiều nước, người lao động chỉ cần đóng đủ 5-10 năm BHXH là có thể được hưởng lương hưu. Ngoài chính sách giảm số năm đóng BHXH, các quốc gia này thường có các chính sách hỗ trợ đi kèm. Nếu chỉ thuần túy giảm số năm đóng xuống để hạn chế người lao động không rút BHXH một lần thì rất khó để người lao động yên tâm, ở lại với hệ thống BHXH. Để người về hưu không ở mức nghèo khó, khi thiết kế chính sách, cần có những chính sách đồng bộ đi kèm như: Hỗ trợ người dân có việc làm bền vững, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm tham gia vào BHXH tự nguyện, gắn chính sách bảo trợ xã hội với BHXH...

PV

 

Tin nổi bật