Theo báo Tuổi Trẻ, quan điểm trên được ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với các trường học ngoài công lập, được tổ chức ngày 29/9.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2022-2023 ghi nhận tình trạng một số trường ngoài công lập không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của trường học. Ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định các hợp đồng dân sự giữa phụ huynh và chủ trường, chủ đầu tư như hùn vốn, góp vốn phải tách rời ra khỏi các hoạt động trường học.
Phụ huynh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) đến cổng trường đòi lại tiền hôm 21/9. Ảnh: VnExpress
"Không có tổ chức ký kết hùn vốn, góp vốn, huy động vốn. Những hoạt động này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ trong quản lý", ông Hiếu nhấn mạnh trường học hoạt động theo quy định của pháp luật, trong đó tổ chức thu học phí định kỳ và rõ ràng.
Ông cho rằng thời gian ổn định một chu kỳ học của học sinh khá dài, có khi từ 12-15 năm. Khoảng thời gian này có sự biến động, giá cả cũng khác đi, các hợp đồng hợp tác sẽ có nhiều thay đổi, từ đó dẫn tới khó khăn cho phụ huynh và cho các cơ sở giáo dục.
"Tôi đề nghị các trường phải tách bạch ra để các trường hoạt động gắn với chuyên môn. Phụ huynh học sinh gắn với hoạt động dạy và học để đảm bảo được định hướng hoạt động và sự ổn định của các trường ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM", ông Hiếu nói.
VnExpress đưa tin, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho hay hơn 2.000 giáo viên, nhân viên người nước ngoài đang làm việc tại các trường học, đa số là ngoài công lập. Một số ký hợp đồng lao động với đơn vị trung gian nên rủi ro khi nghỉ việc.
Một số trường có vốn nước ngoài tuyển học sinh người Việt Nam vượt tỷ lệ quy định 50%. "Đây là quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì số lượng học sinh người Việt hơn 50% thì không đảm bảo môi trường học tập quốc tế", ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu phân tích thêm rằng tại TP.HCM, tỉ lệ trẻ mầm non học ngoài công lập là khoảng 50%. Tỉ lệ học sinh học ngoài công lập ở bậc tiểu học chưa tới 5%, bậc THCS 10-12%, bậc THPT khoảng 20%. Số liệu này đang ổn định nhiều năm, nhưng sắp tới với xu hướng kêu gọi và mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư, ông kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tham gia việc nâng số học sinh ngoài công lập ngày càng nhiều hơn.
Phương Uyên (T/h)