(ĐSPL) - Trong lúc điểm danh, nhóm tù nhân khống chế nam quản giáo, trói tay chân để nêu yêu sách đòi gặp lãnh đạo Tổng cục 8 (Bộ Công an) xin chuyển trại. Sau khi sự việc xảy ra, nhiều ý kiến đưa ra liên quan tới công tác quản lý phạm nhân.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý tội phạm và chuyên gia pháp lý nhằm cùng đưa ra biện pháp ngăn chặn, đề phòng sự cố hi hữu này.
Đằng sau phản ứng cơ bắp
Theo bản án ngày 26/6 của TAND TP. Hải Phòng, ngày 7/9/2013, tại trại giam Xuân Nguyên (thuộc bộ Công an), Lê Hoàng Minh (30 tuổi, thụ án 10 năm) với lý do, ở đây khổ cực, vất vả, không có người thân thăm nuôi nên rủ 6 phạm nhân tại phân trại số 3 bắt giữ cán bộ trại giam làm con tin, đòi gặp lãnh đạo Tổng cục 8 xin chuyển trại. Các phạm nhân chuẩn bị một con dao, dùi tự tạo, dao lam chờ cơ hội ra tay. Gần 2 tiếng sau, trong lúc điểm danh, nhóm của Minh bàn nhau đi sau cùng và khi thấy quản giáo Phạm Quốc Việt đứng gần buồng giam I3, I4 sẽ ra tay. Thực hiện kế hoạch, Minh lao vào kẹp cổ, những người còn lại gí dao, giữ tay chân kéo vị cán bộ này vào buồng I4. Trong buồng giam buộc chặt cửa bằng dây thép mắc màn, chúng trói quản giáo Việt và phạm nhân Vàng A Vạng, ra yêu sách đòi gặp lãnh đạo đơn vị quản lý trại giam. 23h cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục về vận động thuyết phục, các phạm nhân mới chịu thả hai người này.
Minh cùng 6 đồng phạm Huỳnh Tuấn Huy (29 tuổi), Trần Hoàng Sơn (23 tuổi), Vũ Ngọc Sáng (32 tuổi), Lê Hán Vi (34 tuổi), Nguyễn Chánh Tín (29 tuổi) và Nguyễn Văn Khánh (27 tuổi) bị truy tố tội Bắt giữ người trái pháp luật. Tại phiên xử ngày 26/6, HĐXX tuyên phạt Minh 4 năm tù; 6 đồng phạm còn lại mỗi người 3 năm tù. Hình phạt này sẽ được cộng dồn vào bản án cũ của các bị cáo.
Liên quan tới sự việc 7 phạm nhân trói quản giáo trong trại giam Xuân Nguyên, nhiều chuyên gia pháp lý đã đưa ra những nhận định xác đáng. Là người từng công tác gần 30 năm trong nhiệm vụ cán bộ quản giáo, Đại tá Trần Mạnh Hùng, Giám thị trại giam Vĩnh Quang cho biết: Tất cả 7 phạm nhân trên đều có hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cần phân tích dưới hai góc độ để từ đó rút ra kinh nghiệm tránh tình trạng tương tự.
Thứ nhất, phạm nhân là những đối tượng phạm tội, phải chịu sự trừng trị của pháp luật, điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng khi phạm nhân ở trong tù, họ phải cải tạo, lao động dưới sự giám sát của cán bộ quản giáo thì trách nhiệm của quản giáo là phải giáo dục, gần gũi, cảm hóa họ. Cải tà quy chính để họ sớm nhận ra lỗi lầm, từ bỏ cái ác và hướng thiện. Ngoài ra, cán bộ quản giáo còn phải chăm lo tới đời sống, sinh hoạt trong trại giam cho họ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, phải xem xét tới tính chất mức độ của từng phạm nhân nói trên, trước khi vào tù họ phạm tội gì, thuộc loại tái phạm hay tái phạm nguy hiểm? Từ đó cán bộ quản giáo cần có sự giám sát đặc biệt, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh gia đình họ, để thay đổi biện pháp giáo dục. Tôi lấy ví dụ, gia đình họ có cha, mẹ đang ốm nặng, vợ chồng đang chuẩn bị ly hôn, vấn đề tài sản... Khi đó cán bộ quản giáo cần động viên, an ủi để họ nhận ra rằng trên đời này vẫn còn có người yêu thương, sẻ chia với họ. Cho dù trước kia họ có phạm tội, nhưng khi vào trại giam, cán bộ quản giáo phải đối xử với họ là tình cảm giữa con người với con người. Việc họ phải trả giá, vì những hành vi do chính họ gây ra đó là những năm tháng trong trại giam. Tuy nhiên, người cán bộ phải biết đổ thật thà vào lòng dối trá, thức tỉnh lương tri giúp họ nhận ra vấn đề, chỉ có cải tạo tốt mới nhanh chóng được hoàn lương.
Mặt khác, tình cảm là tình cảm, nhưng kỷ luật phải tuyệt đối nghiêm, phải biết xen kẽ giữa tình và lý nhằm quy phục, cảm hóa những con người một thời lầm lỡ. Đặc biệt, cán bộ quản giáo phải nêu cao tinh thần cảnh giác mỗi khi đi kiểm tra, điều này cũng là một trong những công tác chuyên môn nghiệp vụ quan trọng đối với từng cán bộ quản giáo. Tôi nhớ câu nói của người xưa: “Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo”, Đại tá Hùng nhấn mạnh.
Nếu đối tượng thuộc tội danh mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý thì khác, đây là những đối tượng thuộc thành phần phức tạp. Trong trường hợp này cơ quan điều tra cần phân tích rõ động cơ mục đích của đối tượng trong việc phản kháng lại cán bộ quản giáo. Để từ đó phân tích mục đích của đối tượng chống lại cán bộ quản giáo là chạy trốn hay nhằm thoát án, do người phạm tội có thể xác định hoặc biết chắc mức án mà mình sẽ phải đối mặt. Cũng có thể những đối tượng là những tên trùm đầu sỏ, máu mặt và bất chấp luật pháp. Đối với những đối tượng có bản chất như vậy, cần xem xét kỹ lưỡng đến tình tiết tăng nặng nhằm ngăn chặn cũng như làm gương cho những đối tượng khác, điều tra viên này cho hay.
|
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó Trưởng khoa Xã hội học, học viện Báo chí & Tuyên truyền. |
Tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết thấu tình đạt lý
Trao đổi với tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thị Tố Quyên, Phó Trưởng khoa Xã hội học, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Theo những thông tin trên báo chí đăng tải, tôi cho rằng, khi những đối tượng đi thụ án, bản thân họ là người phạm tội mà lại có hành vi vi phạm pháp luật, trước tiên tôi phản đối về hành vi tiêu cực này. Tuy nhiên, cần phải xét đến nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan để từ đó đánh giá cũng như giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
Hoặc do 7 phạm nhân trên có đòi hỏi, yêu sách quá mức, trong khi mình đang là phạm nhân, cũng có thể do đời sống của phạm nhân thiếu thốn, dẫn đến có hành động tiêu cực. Tuy nhiên, cán bộ quản giáo không được chủ quan nếu phạm nhân có đòi hỏi yêu sách, trong trường hợp như vậy, cán bộ cần xem xét và giải quyết kịp thời phù hợp với quy định của luật pháp. Mặt khác, cũng có thể những đối tượng trên khi ở bên ngoài xã hội, họ quen có kẻ hầu người hạ, quen được cung phụng, họ quên rằng, một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài.
Là người có trách nhiệm, cụ thể là giám thị trại giam Xuân Nguyên cần tìm hiểu làm rõ sự việc. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu chứng minh được những đối tượng trên là những tay anh chị cộm cán, tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì cần phải xử nặng để làm gương.
Nếu họ là những phạm nhân có ý thức cải tạo tốt, chấp hành nội quy của trại, nhưng do cuộc sống trong trại quá khổ dẫn đến họ có hành vi tiêu cực. Hoặc nhiều lần họ đã đề nghị, nhưng cán bộ quản giáo không giải quyết thì điều này cơ quan chức năng cần xem xét lại. Vì bản thân những phạm nhân không phải phạm tội chết thì việc giáo dục, cảm hóa thuộc trách nhiệm của cán bộ trại giam.
Do bộc phát, hay còn lý do khác? Đồng tình với quan điểm của Đại tá Hùng, một điều tra viên (xin được giấu tên) cho hay: Qua thực tế công tác quản lý phạm nhân trong trại giam nhiều năm, đối với nhiều đối tượng phạm tội hình sự, khi ở trong trại giam họ nhũn như con chi chi chứ đừng nói là chống đối lại hay kinh khủng hơn là trói cán bộ quản giáo. Bản thân tôi chưa từng chứng kiến phạm nhân nào chống đối lại quản giáo theo kiểu cơ bắp. Tuy nhiên, đối với trường hợp 7 phạm nhân nói trên cần phải xem xét kỹ tới hành vi của những đối tượng đó, do bột phát hay còn lý do nào khác? Do tâm lý bị đè nặng, bị dồn nén đến cùng hoặc do bản chất là những kẻ cộm cán... Điều này cần đến công tác nghiệp vụ cơ sở. |