Cố Cung (Tử Cấm Thành) tại Trung Quốc là hoàng cung của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh vốn là một nơi nổi tiếng trên thế giới bởi kiến trúc độc đáo và phức tạp. Nơi đây không chỉ có những tòa kiến trúc lỗng lẫy, xa hoa mà ẩn mình trong đó còn là những bí ẩn mà hậu thế chưa có được câu trả lời chính xác.
Tử Cấm Thành.
Nơi đây tổng cộng có 24 vị hoàng đế từng sống.Chiều dài của Cố Cung là 960 mét từ Bắc xuống Nam, rộng 760 mét từ Đông sang Tây, và có diện tích khoảng 720.000 mét vuông. Theo sử liệu ghi chép thì Cố Cung có tớ hơn 9.999 gian phòng, nhưng do mục nát, hỏa hoạn, sụp đổ và những thảm họa khác nhau, sau các dự án sửa chữa, trùng tu, thì kết luận hiện nay có hơn 9.000 gian phòng.
Trong Cố Cung chia ra là Chính Cung và Hậu Cung. Chính cung bao gồm ba điện chính là điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, và 3 cung điện của hậu cung gồm có Càn Thanh cung, Giao Thái cung, Khôn Ninh cung.
Thuở đầu, khi tiến hành xây dựng, các thành viên hoàng thất sống trong Tử Cấm Thành đều có nơi ở riêng: Hoàng thượng sống ở cung Càn Thanh, hoàng hậu ở cung Khôn Ninh, thái hậu sống ở cung Từ Ninh còn với thái thượng hoàng là cung Ninh Thọ. Mỗi nơi ở đều có ý nghĩa riêng.
Vị trí hoàng hậu đối lập với hoàng đế, hoàng đế là trời thì hoàng hậu là đất nên chữ "Khôn" trong "Khôn Ninh" lấy từ của quẻ "Khôn" trong "Chu dịch", mang ý nghĩa quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật. Tên cung Khôn Ninh được hiểu là "Khôn địa ninh định", ý chỉ đây là nơi đất đai an ổn, thanh trong.
Bắt đầu từ triều đại nhà Minh, cung Khôn Ninh được dùng làm tẩm cung cho hoàng hậu. Màu đỏ là màu sắc chính của Khôn Ninh để đại diện cho tình yêu và sự sinh sản.
Các hoàng đế sẽ ở cùng hoàng hậu của mình trong cung điện này ngay sau ngày cưới với mong muốn có thể sớm sinh được con trai nối dõi.
Các hoàng hậu sau khi được sắc phong sẽ sống tại cung Khôn Ninh cho đến khi qua đời. Nếu hoàng hậu chuyển ra khỏi cung thì thường là do hai lý do, một là hoàng đế đã băng hà, hoàng hậu chuyển đến cung thái hậu ở hoặc là trường hợp xấu hơn là khi hoàng hậu bị phế vị.
Tuy nhiên, về sau, Khôn Ninh Cung được mệnh danh là "nơi âm u" nhất Cố Cung. Đến thời hoàng đế Ung Chính, không ai sống ở trong Khôn Ninh cung nữa.
Khôn Ninh cung từng là nơi ở của Hoàng hậu trong triều đình nhà Thanh.
Mặc dù tên gọi mang hàm nghĩa bình yên, song dường như nơi ở của các vị hoàng hậu trong cả hai triều đại Minh và Thanh lại không hề bình yên chút nào.Giới sử học đã thống kê và thấy rằng, gần như tất cả các bà Hoàng hậu vào ở trong cung Khôn Ninh đều có kết cục không mấy tốt đẹp. Vì thế, từ lâu, nơi đây vẫn được gọi là “tử địa” của các bà Hoàng hậu trong Tử Cấm Thành…
Ngày nay, có rất nhiều người khi tham quan Tử Cấm Thành và bước vào cung điện này đều nói rằng, họ có cảm giác rất lạ, khó chịu, choáng váng và sợ hãi khi bước vào trong những gian phòng ở nơi này. Nhiều người thắc mắc rằng, tại sao nơi ở của Hoàng hậu lại mang nhiều âm khí, lạnh lẽo đến vậy?
Được biết trong năm Vĩnh Lạc, cung điện Khôn Ninh từng bị hỏa hoạn thiêu rụi, sau nhiều lần sửa chữa nhưng nó vẫn xảy ra nhiều sự cố như có người treo cổ, hỏa hoạn tiếp tục xảy ra nhiều lần.
Bên cạnh đó, Hoàng hậu bị phế bỏ của Hoàng đế Thuận Trị và một vị hoàng hậu bị phế truất của Khang Hy đế cũng từng bị giam cầm tại nơi này.
Nhiều hoàng hậu đã chết tại chính cung Khôn Ninh
Trong ghi chép, Hoàng hậu Tiêu Trang ở thời nhà Thanh từng sống ở nơi này, nhưng vong khí của bà quá mạnh, sau khi chết ở cung điện Khôn Ninh, không ai dám vào đó sống nữa.
Một lý do khác nữa là sau khi nhà Thanh sống tại Tử Cấm Thành, một số gian phòng trong cung điện Khôn Ninh trở thành nơi thờ cúng của các thầy tu và đạo sĩ. Không khí ảm đạm, lạnh lẽo từ đó dần dần bao phủ lấy nơi này.
Dù chưa xác nhận rõ nơi này có bị ma ám không, nhưng nó gắn liền với những điều không may mắn, cả về những cái chết oan uổng hay một nơi nặng trĩu ân oán, tất cả đều khiến cho người ta cảm thấy run sợ khi đặt chân tới đây.
Mộc Miên (T/h)