Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giải mã chuyện vua Hùng sống gần 700 tuổi, trị vì 400 năm

(DS&PL) -

Hùng Hiền Vương (tức Lạc Long Quân) có thời gian trị vì lâu nhất, suốt 400 năm, nhưng lại có ít vợ nhất trong 18 vua Hùng, theo sách của Vũ Kim Biên.

Hùng Hiền Vương (tức Lạc Long Quân) có thời gian trị vì lâu nhất, suốt 400 năm, nhưng lại có ít vợ nhất trong 18 vua Hùng, theo sách của Vũ  Kim Biên.

Chuyện các vua Hùng sống đến mấy trăm năm trong thời mà tuổi thọ bình quân của người Việt chỉ vài ba chục đang gây xôn xao trên các mạng xã hội, bắt nguồn từ những tấm bia dưới chân tượng 18 vua Hùng đặt trong khuôn viên Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, khu Văn hóa tâm linh thuộc Công viên Đồng Xanh, Gia Lai.

Kỷ lục gây sốc của các vua Hùng

Các phản ứng mỉa mai, phẫn nộ bắt nguồn từ việc những thông tin không thể có thực đó được ghi khơi khơi “như đúng rồi”, gây phản cảm vì sự đồng nhất giữa huyền sử và sự thực. Người nào phải cẩn thận lắm, đi tìm kỹ lắm mới nhìn thấy tấm biển ghi chú quay ngược ra phía sau: "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006". Và theo những tấm biển đề ở công viên Đồng Xanh (lấy từ nguồn tại liệu của tác giả Vũ Kim Biên), có khá nhiều thông tin “giật gân” rất thú vị về các vua Hùng.


Theo đó, vua Hùng sống thọ nhất chính là chàng Lang Liêu, người đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày, khi lên ngôi lấy hiệu là Hùng Chiêu Vương. Ông sống đến 692 tuổi, làm vua trọn 2 thế kỷ.

Người có thời gian trị vì lâu nhất chính là Hùng Hiền Vương, người được đa số con Rồng cháu Tiên biết đến với cái tên Lạc Long Quân (húy là Sùng Lãm). Ông làm vua đến 400 năm, tuổi thọ cũng rất cao: 506 tuổi.

Tuy thời gian trị vì và tuổi thọ đều thuộc hàng top trong 18 vua Hùng nhưng Lạc Long Quân lại chỉ có 9 bà vợ, trong khi các vua Hùng khác thường cưới đến vài chục phu nhân. Có điều, về đường con cái, các bà vợ của ông lại có hiệu suất cao nhất, giúp Lạc Long Quân đứng đầu về số con: 180 con trai và 29 con gái. Trong đó, chỉ riêng bà Âu Cơ đã sinh ra 100 người con trai, được coi là thủy tổ của 100 tộc Bách Việt.


So với cha mình là Kinh Dương Vương, được coi là vị vua Hùng đầu tiên, Lạc Long Quân  “vượt mặt” cả về tuổi thọ, số năm làm vua lẫn số vợ và con. Kinh Dương Vương (húy Lộc Tục) chỉ sống 260 tuổi, trị vì 216 năm, là người có ít thê thiếp nhất, chỉ 6 vợ, sinh 44 con. 

Hiệu suất sinh nở thấp nhất thuộc về vị vua Hùng cũng rất nổi tiếng vì là bố vợ của Chử Đồng Tử và Tản Viên sơn thánh (Sơn Tinh), hai trong 4 vị Tứ bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam. Đó là Hùng Duệ Vương, húy Huệ Lang, người có 150 năm trị vì và  221 tuổi thọ. Người được coi là vua Hùng thứ 18 này giữ kỷ lục vương triều về số vợ, những 100 bà, nhưng lại chỉ có 20 con trai và 4 con gái (trong đó có công chúa Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử và công chúa Ngọc Hoa lấy Tản Viên). Nghĩa là nếu không bà vợ nào của Hùng Duệ Vương sinh quá 1 con, có hơn 3/4 trong số các bà bị vô sinh).


“Á quân” cả về chuyện lấy nhiều vợ lẫn sự kém cỏi đường con cái là Hùng Chiêu Vương – Lang Liêu. Ông lấy 60 bà vợ nhưng chỉ sinh có 59 người con, nghĩa là nếu chia trung bình mỗi vợ chỉ sinh một con thì vẫn có một bà vô sinh.

Hiểu thế nào về chuyện các vua Hùng sống và trị vì nhiều thế kỷ?

Thực ra, chuyện về vương hiệu, húy, tuổi thọ, thời gian trị vì cũng như số vợ, số con cháu… của 18 vua Hùng được ghi trong các bản Ngọc phả. Có khá nhiều bản Ngọc phả liệt kê về các đời vua Hùng, hiện còn ít nhất 3 bản lưu lại được. Trong đó sớm nhất là bản “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền”, còn gọi là “Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền”, soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (năm 986, thời vua Lê Đại Hành). Muộn hơn có “Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền”, do Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố soạn năm Hồng Đức nguyên niên (năm 1470, thời vua Lê Thánh Tông), và “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền”, do Hàn lâm học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (năm 1572, thời vua Lê Anh Tông).

Những thông tin được ghi trong Ngọc phả không phải là lịch sử, bởi nó là do con cháu đời sau chép lại từ những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian qua con đường truyền miệng, mang nhiều màu sắc thần thoại, hoang đường. Nếu như  các văn bản lịch sử thời Hùng Vương có tồn tại thì chúng cũng đã bị người Hán hủy hoại trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, với mục đích tiêu diệt văn hóa Việt, đồng hóa dân tộc Việt.

Người Việt đã lưu giữ ký ức của dân tộc mình và truyền cho con cháu qua các chuyện kể, và theo thời gian, những yếu tố hư cấu, thần kỳ được bồi đắp vào. Chuyện về các vua Hùng cũng vậy. Do đó, tuy không phải là lịch sử nhưng trong Ngọc phả có bóng dáng của lịch sử, mà muốn tiếp nhận thì phải biết chắt lọc thông tin, kết hợp với các sử liệu khác được viết ra trong đời sau, cùng kết quả của khảo cổ học. Các nhà sử học hiện đại cũng đã cố gắng làm điều đó để có hình dung rõ nét nhất về nước Việt thời các vua Hùng, và dĩ nhiên không có chuyện mỗi vua Hùng sống và trị vì suốt mấy trăm năm. 

Về số năm trị vì của các vua Hùng, các nhà sử học đưa ra hai quan điểm. Theo quan điểm thứ nhất, triều đại Hùng Vương kéo dài 2.622 năm, bắt đầu từ năm lên ngôi của Kinh Dương Vương (năm Nhâm Tuất, 2879 trước công nguyên) và kết thúc vào năm Quý Mão (258 trước công nguyên) khi vua Hùng mất ngôi vào tay Thục Phán An Dương Vương. Mốc thời gian này được xác định theo Ngọc phả Hùng Vương và Đại việt sử ký toàn thư. Nếu đem 2.622 năm chia cho 18, mỗi vua Hùng trị vì đến 145 năm.

“Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được”, nhà sử học Ngô Thì Sĩ viết trong “Việt sử tiêu án”.

Cái điều mà Ngô Thì Sĩ không thể hiểu được ấy, nhiều sử gia ngày nay đã tìm cách lý giải. Theo đó, triều đại Hùng Vương không phải có 18 ông vua, mà là 18 ngành (nhánh), mỗi ngành có nhiều ông vua nối nhau trị vì và dùng chung vương hiệu, khi hết một ngành mới đổi vương hiệu mới (chẳng hạn có nhiều ông vua nối nhau cùng gọi là Hùng Hiền Vương, thuộc ngành đầu tiên). Theo bản Ngọc Phả được soạn thời Lê Đại Hành, 18 ngành có tổng cộng 180 đời vua, như vậy nếu chia trung bình ra thì mỗi ông vua chỉ trị vì chưa đến 15 năm.

Mặt khác, nhiều nhà sử học cho rằng, ngay cả con số 18, dù là 18 đời vua hay 18 ngành vua, cũng mang tính tượng trưng, ước lệ chứ không nên hiểu một cách cụ thể, chính xác. 18 là con số đẹp, bội số của 9, con số thiêng của người Việt (khi thách cưới, vua Hùng thứ 18 cũng đòi các chàng trai muốn lấy công chúa Mỵ Nương phải mang đến voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao).

Quan điểm khác cho rằng, triều đại Hùng Vương chỉ tồn tại trong hơn 400 năm, căn cứ vào việc cuốn “Đại Việt sử lược” ghi: "Đời vua Trang Vương nhà Chu (696 - 682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người dị kỳ biết dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương". Tính từ thời Chu Trang Vương đến năm Thục Phán thay Hùng Vương cai trị đất Việt, có thể thấy 18 đời vua Hùng chỉ diễn ra trong hơn 4 thế kỷ, như vậy trung bình mỗi vua Hùng trị vì 24 năm.

Quan điểm này được nhiều sử gia ủng hộ hơn, bởi nếu triều đại Hùng Vương kéo dài 2.622 năm thì nhà nước của chúng ta hình thành cách đây tới 5.000 năm, trong khi các kết quả khảo cổ cho thấy, 4000 năm trước, chúng ta vẫn ở giai đoạn Hậu kỳ Đá mới (văn hóa Phùng Nguyên), trình độ kinh tế - kỹ thuật chưa thể đủ để hình thành quốc gia. Thời đại Hùng Vương tương ứng với giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của thời đồ đồng, tương ứng với nền văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 – 2.600 năm. Năm 258 trước công nguyên, triều đại Hùng Vương kết thúc, như vậy “tuổi thọ” của nó tính ra cũng chỉ khoảng 400 năm mà thôi.

Theo Nguoiduatin.vn

Tin nổi bật